Giống phụ nữ TP.HCM, thế hệ trẻ Singapore làm việc nhiều, lười sinh đẻ
Chính phủ Singapore chi khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm cho chiến dịch tăng tổng tỷ suất sinh. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực, giới trẻ ở đảo quốc sư tử vẫn khước từ việc sinh đẻ.
Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Lao động TP.HCM làm việc quá nhiều nên không có thời gian cho gia đình và sinh con. Ông cũng dẫn chứng một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore – nơi có tỷ suất sinh thấp và số giờ làm việc cao.
Theo Straits Times, chính phủ Singapore đã chi khoảng 1,3 tỷ USD/năm cho chiến dịch tăng tổng tỷ suất sinh (TFR) thông qua các chính sách giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ thai sản…
Theo báo cáo của Bộ Nhân lực Singapore, số giờ làm việc của người dân có xu hướng giảm. Năm 2018, mỗi người làm việc khoảng 44,9 giờ/tuần, tương đương với gần 9 giờ/ ngày (không kể hai ngày cuối tuần). Con số này ít hơn 1,4 giờ so với mức trung bình 46,3 giờ làm việc/tuần trong năm 2008.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chính phủ, tỷ suất sinh lại giảm dần qua từng năm. Năm 2013, 1,2 trẻ em được sinh ra trên mỗi phụ nữ. Năm 2017, con số này giảm còn 1,16 và năm 2018 đạt mức thấp kỷ lục 1,14.
Zing.vn trích dịch bài viết trên Straits Times, Asean Post, Zula và Online Citizen bàn về những lý do khiến giới trẻ Singapore trì hoãn việc sinh con và nỗ lực thất bại của nhà hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy tỷ suất sinh ở đảo quốc sư tử.
Cách đây gần 30 năm, cha mẹ của Cheyrl Chiew đã kết hôn ở tuổi 27 và 25 vì đó là “thời điểm thích hợp”. Và cũng theo một tuần tự “tự nhiên”, khoảng 4 năm sau, cả hai có Chiew và em gái cô.
Chiew khẳng định cha mẹ mình rất yêu thương các con và luôn cố trở thành những bậc phụ huynh tốt. Tuy nhiên, khi Chiew bước sang tuổi 20, cha mẹ đã ly hôn. Mối quan hệ của họ với con cái cũng ngày càng xa cách.
Lúc này, Chiew nhận ra hàng chục năm trôi qua, cha mẹ cô chưa từng sẵn sàng để có con. Họ chỉ đang cố học cách trở thành cha mẹ theo kỳ vọng của mọi người.
Năm nay Chiew tròn 24 tuổi, nhỏ hơn mẹ cô 1 tuổi ở thời điểm bà lấy chồng. Và ở độ tuổi mà một nửa số bạn bè vẫn chìm đắm trong tiệc tùng, nhậu nhẹt cuối tuần hoặc số còn lại đã đính hôn, lập gia đình, Chiew biết mình chưa sẵn sàng sinh con.
“Trẻ em không phải là thứ gì đó mà bạn muốn có chỉ đơn giản vì tò mò chúng trông như thế nào hay là một sự bổ sung để hoàn thiện gia đình. Và trẻ em chắc chắn không nên là cách để làm gia tăng dân số”, 9X nói.
Không chỉ Chiew, hàng nghìn thanh niên thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1996) tại đảo quốc sư tử đang trì hoãn việc sinh con vì nhiều lý do khác nhau. Theo Statista (trang web chuyên về thống kê và tổng hợp thông tin), Singapore là một trong những quốc gia có mức sinh thấp nhất thế giới.
Chuyên gia Leong Chan-Hoong (Viện Nghiên cứu Chính sách thuộc ĐH Quốc gia Singapore) cho biết thời gian làm việc kéo dài là một trong những lý do chính khiến các cặp vợ chồng ở đây gác lại việc sinh con.
Sau 15 tháng kết hôn, câu hỏi Kirsten Han (nhà báo tự do ở Singapore) nhận được nhiều nhất vẫn luôn là tại sao chưa chịu sinh con. Tuy nhiên, khi nữ nhà báo cố giải thích quyết định của mình, cô nhận ra thứ mọi người muốn không hẳn là một lý do thuyết phục.
Ai cũng có thể nói nhiều đến trách nhiệm sinh đẻ và đặt quá nhiều mối lo vào một cặp vợ chồng không có con nhưng lại không chịu để ý đến vô số những rào cản khiến họ không muốn có con như: áp lực tài chính, chi phí chăm sóc trẻ, cân bằng giữa công việc và gia đình, chăm sóc con cái...
“Các nhà hoạch định chính sách có thể khuyến khích người Singapore sinh thêm con nhưng họ cần hiểu rằng những cặp vợ chồng không có con sẽ không sinh con chỉ để đáp ứng một vài chỉ tiêu của nhà nước. Không có phần thưởng nào có thể thuyết phục tôi trừ khi tôi thực sự muốn có con”, Han cho biết.
Giảm giờ làm thì chưa đủ
Không chỉ Singapore, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác như Brunei, Thái Lan, Việt Nam là các nước ASEAN có TFR dưới mức sinh thay thế, 2,1 trẻ/phụ nữ. Các quốc gia này cũng đang phải đối mắt với những vấn đề tương tự.
Giáo sư Zainul Rashid Mohd của ĐH Quốc gia Malaysia cho rằng hầu hết cặp vợ chồng ngày nay đều quan tâm đến “chất lượng” thay vì “số lượng” trong kế hoạch sinh đẻ. Tất cả muốn đảm bảo rằng con họ có thể lớn lên trong một môi trường tốt nhất.
Báo cáo năm 2019 của nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tạp chí kinh tế The Economist, có tiêu đề "Lực lượng lao động biến mất", nhấn mạnh rằng các nước ASEAN nên lưu tâm đến tỷ lệ sinh thấp trước khi quá muộn.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ thai sản, EIU đưa ra 4 khuyến nghị giúp chính phủ các nước có chính sách hiệu quả hơn bao gồm mở rộng các chính sách làm việc thân thiện với gia đình, nâng cao nhận thức về kế hoạch hóa gia đình, cải thiện khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị vô sinh, đảm bảo nhà ở giá rẻ.
Theo Cheyrl Chiew, làm việc căng thẳng hay kinh tế khó khăn không phải là vấn đề mới. Đó là điều mà những người thuộc thế hệ cha mẹ cô đã phải đối mặt và tìm cách giải quyết.
Tuy nhiên, điều làm cho thế hệ Chiew trở nên khác biệt và có quan điểm đối lập về chuyện sinh đẻ là chọn lựa ưu tiên cho sức khỏe tinh thần, sự phát triển, hạnh phúc cá nhân.
“Thế hệ chúng tôi không sợ cam kết, không sợ phải ràng buộc với một ai đó cả đời nhưng chúng tôi không muốn vội vàng. Chúng tôi sẽ không trở thành cha mẹ nếu chưa thực sự sẵn sàng để không vô tình gây tổn thương cho những người mình yêu quý”, Chiew nói.