Giọt máu Bắc Giang - tình dân tộc, nghĩa đồng bào - Bài 2: Cán bộ tiên phong, người dân hưởng ứng

Đối với một số tỉnh, TP, có thể hiến máu tình nguyện (HMTN) không phải là điều gì đó lớn lao, khó thực hiện song làm thế nào để tạo thành phong trào phát triển sâu rộng, mang tính bền vững, bảo đảm chủ động được nguồn máu cứu người bệnh lại không hề dễ dàng. Tỉnh Bắc Giang đã có những cách làm sáng tạo, riêng có, mang lại hiệu quả cao.

Nói đi đôi với làm

Tại những ngày hội HMTN do tỉnh Bắc Giang tổ chức vài năm gần đây, hình ảnh các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hay lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham gia hiến máu không còn là hiếm. Đến nay, không ít người hiến từ 15-20 lần. Không chỉ nêu gương hiến máu, những lời phát biểu, hỏi thăm ân cần, động viên của lãnh đạo tỉnh tại những ngày hội, lễ tôn vinh càng thôi thúc người hiến máu tin tưởng, có thêm động lực, tích cực hưởng ứng phong trào HMTN, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang là một trong những lãnh đạo tỉnh nhiều lần tham gia HMTN.

Bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo (BCĐ) HMTN tỉnh chia sẻ chân thành về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc HMTN. Bản thân bà và gia đình cũng tiên phong mỗi khi tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày hội này. Những hình ảnh về các buổi hiến máu, câu chuyện cảm động của người cho, người nhận được đăng tải, chia sẻ trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội có sức lay động lòng người, tạo hiệu ứng tốt, khích lệ ngày càng nhiều người tham gia hiến.

Đã nhiều năm nay, cứ cách 21 ngày, vào 4 giờ 30 phút sáng, bất kể nắng mưa giá rét, chị Thân Thị Thu Thủy (SN 1973) ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang), hiện là Chủ tịch Hội CTĐ TP Bắc Giang lại bắt xe ô tô từ Bắc Giang ra Viện Huyết học và truyền máu Trung ương để hiến tiểu cầu (mỗi lần 350-450 ml). Chị Thủy hiến máu từ năm 2007, khi còn là Chủ tịch Hội Phụ nữ phường. Tính đến nay, chị đã 79 lần hiến máu, trở thành người hiến nhiều nhất tỉnh Bắc Giang.

 Chị Thân Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Bắc Giang đã 79 lần HMTN, là người có số lần hiến máu nhiều nhất tỉnh Bắc Giang.

Chị Thân Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Bắc Giang đã 79 lần HMTN, là người có số lần hiến máu nhiều nhất tỉnh Bắc Giang.

Ngôi nhà của gia đình chị treo nhiều bằng khen, giấy khen của các đơn vị, địa phương, tỉnh, bộ, ngành Trung ương khen thưởng về thành tích trong phong trào hiến máu. “Mỗi lần ra Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, nhìn những đưa trẻ bị ung thư máu quằn quại đau đớn, đầu trọc vì truyền hóa chất, người gầy xanh xao, đang khát khao cần những giọt máu, tôi không cầm được nước mắt. Có em gái 32 tuổi quê Ninh Bình suốt 20 năm phải truyền máu, nhà nghèo, chỉ đủ tiền bắt xe lên Hà Nội để trông chờ vào những giọt máu của người cho, mặt khắc khổ, nhìn rất thương cảm. Đó chính là động lực thôi thúc tôi hiến máu nhiều năm liền”, chị Thủy bộc bạch. Cũng bởi sự tiên phong, gương mẫu đi đầu của chị mà vài năm gần đây, phong trào HMTN ở TP Bắc Giang phát triển rộng khắp. Được biết, hiện tỉnh Bắc Giang đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho chị Thủy trong dịp lễ tuyên dương người HMTN tiêu biểu toàn quốc.

Đại Đức Thích Tục Huyên, Chánh Văn phòng Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Hiệp Hòa tham gia HMTN.

Tại xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, nhắc đến dòng họ Dương, ai cũng biết đó là dòng họ tiêu biểu trong phong trào HMTN của tỉnh. Ông Dương Văn Khoát, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân - đồng thời là thành viên dòng họ Dương cho biết, thời điểm trước năm 2010, khái niệm hiến máu còn khá xa lạ đối với người dân. Có những đợt cấp trên vận động hiến máu, cả xã chỉ lác đác vài người trong dòng họ tham gia. Nguyên nhân chính là do chưa hiểu hết về ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, một phần lo ngại ảnh hưởng sức khỏe.

Ngay cả bản thân ông Khoát cách đây mươi năm khi đang giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cũng cảm thấy áy náy vì chưa từng hiến máu bao giờ. “Mình không hiến thì vận động được ai. Nếu chỉ hô hào, không gương mẫu sẽ chẳng ai hiến. Với suy nghĩ ấy, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm tôi hiến từ 1 đến 2 lần. Nhìn lãnh đạo nêu gương, cứ thế, cán bộ xã hiến, rồi người dân tham gia ngày càng nhiều”, ông Khoát nói.

Đại diện của dòng họ Dương cũng chia sẻ, tranh thủ khi các gia đình, dòng họ có việc tập trung đông người (cưới, liên hoan, chạp họ, giỗ…), những người có uy tín hoặc nhiều lần hiến máu đều chia sẻ về ý nghĩa, lợi ích của hiến máu cứu người. Không ít người sau khi tham gia đã trở thành tuyên truyền viên tích cực của phong trào. Mỗi đợt huyện Tân Yên phối hợp tổ chức hiến máu, có từ 60 đến 70 người trong dòng họ xung phong tham gia, mọi người thuê xe ô tô như thể đi du lịch. Đến nay, dòng họ Dương đã có hơn 200 lượt người hiến máu. Từ dòng họ Dương, phong trào đã lan tỏa tới 6 dòng họ khác trong xã.

Các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ hoạt động HMTN tỉnh Bắc Giang.

Ông Dương Văn Lăng (SN 1966), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ngọc Vân, đồng thời là Bí thư Chi bộ thôn Núi Ính chia sẻ: “Ban đầu tôi hồi hộp, lo lắng vì chưa hiến máu bao giờ. Vả lại, nhìn chiếc kim to xuyên vào tĩnh mạch, máu hút ra từng bịch cũng thấy sợ. Thế nhưng khi hiến xong, tôi thấy bình thường. Những lần sau, cảm giác sợ sệt không còn nữa”, ông Lăng bộc bạch. Đến nay, ông đã hiến máu 31 lần, mỗi lần từ 250 đến 350 ml. Mỗi khi huyện, xã có công văn vận động HMTN, ông cũng là người đăng ký đầu tiên. Thấy các cán bộ năng nổ, tích cực đi hiến máu, nhiều người trong dòng họ và thôn làm theo.

Cũng bởi cách làm sáng tạo, hiệu quả của tỉnh Bắc Giang mà mỗi buổi hiến máu do tỉnh tổ chức luôn có hàng nghìn người dân, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên nô nức đăng ký tham gia. Sự nhiệt huyết của các tình nguyện viên thực sự gây xúc động cho mọi người có mặt trong ngày hội, là lời cổ vũ hiệu quả nhất cho những ai còn băn khoăn khi chưa tham gia HMTN lần nào.

Kết nối những trái tim nhân ái

Ở xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang - nơi có đông đồng bào công giáo sinh sống với khoảng 2.500 người, việc hiến máu giờ đây đã trở thành phong trào. Những đợt huyện tổ chức ngày hội HMTN, bà con công giáo sẵn sàng gác lại công việc đồng áng, tranh thủ đi hiến. Dù không có hỗ trợ về vật chất, tài chính từ xã nhưng ai cũng hăng hái tham gia. Mỗi lần cấp trên tổ chức hiến máu, xã Tiên Lục có khoảng 150 người tham gia. 2 năm qua, xã đều đạt từ 300 đến 400% kế hoạch đề ra, trở thành điểm sáng về phong trào HMTN của huyện, tỉnh.

Cán bộ, công chức, người dân tỉnh Bắc Giang kiểm tra sức khỏe trước khi hiến máu.

Ngoài thường xuyên tuyên truyền qua mạng xã hội, gia đình, cá nhân nào hiến nhiều được nêu tên, biểu dương trên hệ thống loa truyền thanh xã để tạo sức lan tỏa. Nhiều người hiến xong về lại vận động người thân tham gia. Điển hình như gia đình anh Chu Bá Thùy, vợ là chị Nguyễn Thị Hoa (cả 2 đều là đồng bào công giáo) ở thôn Giữa đến nay đã hiến máu gần 30 lần, trong đó anh Thùy hiến hơn 20 lần.

Điều mà tỉnh Bắc Giang vô cùng tự hào đó là việc hiến máu đã trở thành phong trào, phát triển mạnh mẽ, lan tỏa đến khắp các vùng miền, từ đồng bằng, trung du miền núi đến vùng cao, ăn sâu vào tâm thức của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Phong trào HMTN đã đi vào nền nếp, không chỉ tập trung trong các chiến dịch, sự kiện mà được tổ chức thường xuyên, liên tục, bền vững trong năm.

Không chỉ tuyên truyền bà con giáo dân tham gia, anh Thùy còn có mặt ở hầu hết các ngày hội HMTN trên địa bàn tỉnh với vai trò là thanh niên tình nguyện hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ người hiến làm thủ tục, chăm sóc sức khỏe. “Không ít lần tôi đã bỏ dự đám cưới, gác việc kinh doanh, việc nhà để đi hiến máu. Có những hôm con ốm hay bận việc họ hàng, người thân, tôi vẫn cố gắng đi tình nguyện với mong muốn giọt máu của mình được đến với người bệnh. Mỗi lần hiến máu, tôi thấy hạnh phúc vì đã làm việc thiện”, anh Thùy chia sẻ. Năm 2021 và 2022, cá nhân và gia đình anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào HMTN.

Những bịch máu của nhân dân Bắc Giang được bảo quản cẩn thận trước khi vận chuyển tới các trung tâm, cơ sở y tế trên cả nước.

Lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia Ngày hội HMTN tỉnh Bắc Giang.

Không chỉ đồng bào công giáo, thật cảm động biết bao, nhiều nhà sư cũng tích cực đăng ký HMTN. Với tâm niệm “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, hơn xây 7 tháp phù đồ”, nhiều năm qua, sư thầy Thích Đàm Lương, trụ trì chùa Dâu, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng đã hiến máu gần 20 lần. Hình ảnh nhà sư áo nâu, cổ đeo tràng hạt nằm trên chiếc ghế, bóp quả bóng cao su để chia sẻ những giọt màu hồng đã làm lay động trái tim bao người. “Dẫu sau này tôi không còn trên cõi đời nhưng giọt máu tôi cho đi vẫn còn trong cơ thể người sống, kéo dài cuộc đời họ. Điều đó có nghĩa là sự sống trong tôi vẫn còn tồn tại”, sư thầy Thích Đàm Lương tâm sự.

Mỗi năm, số lượng máu của người dân tỉnh Bắc Giang hiến có thể không lớn so với một số tỉnh, TP trong cả nước, bởi lẽ điều này còn phụ thuộc vào dân số ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, điều mà Bắc Giang vô cùng tự hào đó là việc hiến máu đã trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ, lan tỏa đến khắp các vùng miền, từ đồng bằng, trung du miền núi đến vùng cao, ăn sâu vào tâm thức của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Phong trào HMTN có nền nếp, không chỉ tập trung trong các chiến dịch, sự kiện mà được tổ chức thường xuyên, liên tục, bền vững quanh năm.

 Dòng họ Dương ở xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên tuyên truyền, chia sẻ việc HMTN.

Dòng họ Dương ở xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên tuyên truyền, chia sẻ việc HMTN.

Giờ đây, khi tổ chức hiến máu, các địa phương, đơn vị hầu như không phải tuyên truyền, vận động nhiều như trước. Mọi người coi HMTN là hết sức bình thường, sẵn sàng cho đi không hề do dự. Chẳng thế mà có những câu chuyện hài hước. Một số lần tỉnh và các huyện tổ chức HMTN, hàng nghìn người xếp hàng chờ hiến, lượng người tham gia đông như trẩy hội, đã có hàng trăm người phải ra về vì lượng máu Ban tổ chức đã nhận đủ, trong khi thiết bị chứa máu có hạn.

Do không được hiến, nhiều người còn trách nhóm trưởng, người dẫn đoàn đi. Những lúc đó, Ban tổ chức phải nói khéo, phân tích nhẹ nhàng, khi ấy mới nguôi ngoai, bớt giận. Nhiều đợt, các địa phương phải “hãm”, không giao chỉ tiêu song số lượng máu tiếp nhận qua các ngày hội HMTN vẫn luôn vượt kế hoạch.

Những phần quà dành tặng những người hiến máu tại các đợt HMTN do tỉnh Bắc Giang tổ chức.

Đặc biệt, trong số hàng trăm tình nguyện viên thuộc các CLB HMTN ở tỉnh Bắc Giang, nhiều người là thành viên CLB hiến tiểu cầu của tỉnh. Với ngành Y tế, khối tiểu cầu là loại rất đặc biệt, dành để điều trị những trường hợp xuất huyết, rối loạn đông máu nặng, thường đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh. Từ chỗ ban đầu thành lập chỉ có 20 thành viên (năm 2019), đến nay CLB đã thu hút gần 50 tình nguyện viên, hầu hết là các bạn trẻ tham gia. Nhiều người hiến từ 30 đến 50 lần, điển hình như anh Dương Ngô Trí, ở xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên; Nguyễn Văn Thật, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam; Nguyễn Quang Đạt, phường Trần Phú, TP Bắc Giang...

Ngoài ra, còn có hơn 300 người thường xuyên tương tác và đồng hành trong phong trào hiến máu cùng với CLB… Anh Vi Thế Sơn, Chủ nhiệm CLB - người hiến máu gần 80 lần cho biết: “Ban Chủ nhiệm quán triệt quy chế hoạt động với phương châm “sẵn sàng có mặt”. Trên trang facebook của nhóm, bên cạnh cập nhật lịch tổ chức các ngày hội hiến máu tập trung để mọi người tham gia, chúng tôi kết nối với các bệnh viện để thông tin về các ca bệnh cần tiểu cầu. Dựa vào danh sách thành viên, thông tin cá nhân, nhóm máu và thời gian hiến tiểu cầu gần nhất được lưu trữ, chúng tôi sẽ kêu gọi thành viên phù hợp để kịp thời giúp đỡ người bệnh”.

(còn nữa)

Minh Ngọc - Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/giot-mau-bac-giang-tinh-dan-toc-nghia-dong-bao-bai-2-can-bo-tien-phong-nguoi-dan-huong-ung-183049.bbg