Giọt thời gian qua vườn
Khi cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo nhịp chuyển vần vĩnh cửu của thời gian, những cơn mưa Đông như bức màn khói sương huyền ảo, ta chợt nhận ra rằng thêm một năm nữa đã lại đi qua. Khoảnh khắc bâng khuâng ấy, chân bước vội giữa phố phường tấp nập mà lòng tự nhiên chùng xuống nhớ đến cha mẹ ở quê, giờ này chắc đang lúi húi dọn vườn.
Trong tâm tưởng những người con sinh ra từ làng, vườn không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn là thẳm sâu nguồn cội, là tầng tầng lớp lớp trầm tích lịch sử, muôn vàn sắc màu văn hóa. Gốc cổ thụ này là nơi ngày xưa ai đó đỗ trạng vinh quy buộc ngựa khi trở về làng, góc vườn này từng có những người lính hành quân ngang qua mắc võng nghỉ trước khi lên đường ra tiền tuyến, cái ao nhỏ nằm sát mé hàng rào soi bóng trăng đêm vằng vặc hóa ra trước đó là một hố bom. Kể cả ngay khi vườn chỉ giản dị là một khoảng xanh bình yên bên lề mọi biến động dữ dội của thời cuộc thì mỗi ngọn cỏ nhành cây cũng đều biết lặng thầm lưu giữ câu chuyện của riêng mình. Tháng năm được đánh dấu bằng hàng xoan trước nhà, hàng mít phía sau chái bếp. Cây dâu da này ông nội trồng năm đứa cháu đầu tiên ra đời, cây hồng kia bói quả lần đầu khi đứa con út chập chững biết đi, chỗ sát bờ mương từng có cây nhãn lồng cổ thụ bị đổ năm bão lớn ập vào làng, giờ nhắc lại ai nấy còn giật mình thảng thốt. Nhịp bước của thời gian đọng lại trong vọng âm sâu thẳm của vườn, có niềm vui hoa trái được mùa, có nỗi buồn rủ trắng khăn xô lên cây cối tiễn biệt người già về nơi yên nghỉ.
Ngày trước, mỗi khi trong nhà có em bé ra đời là nhúm nhau lại được đem chôn xuống mảnh đất sau vườn, để nhắc nhở mai sau dù đi muôn dặm phương xa cũng không bao giờ quên quê hương bản quán. Tuổi thơ con lớn lên trong xanh mát của vườn, có cây ổi đào ruột đỏ thơm ngát đầu hồi, cây khế ngọt quả sai lúc lỉu nơi đầu ngõ. Trưa trốn nắng trong vườn vắt vẻo trên những chạc ba của cây, nhắm mắt mơ màng nghe chim chích líu ríu chuyền cành lẫn trong tiếng gió xạc xào lướt qua vòm lá. Chiều chiều rủ lũ bạn cùng xóm trải lá chuối chơi đồ hàng, chơi chán lại len lỏi khắp vườn tìm bắt chuồn chuồn bươm bướm. Mỗi khi màn đêm buông xuống vườn bỗng nhiên biến thành một thế giới bí ẩn tối đen với muôn vàn đom đóm lập lòe phát sáng, trò trốn tìm không đứa nào dám nấp xa bởi những gốc cây thân thuộc ban ngày bỗng biến thành hình thù kỳ dị dọa lũ trẻ nhát gan tưởng tượng bao nhiêu thứ phía sau.
Lớn lên một chút con mới nhận ra rằng vườn là nơi thấm đẫm mồ hôi và gửi gắm bao nhiêu mong ước của mẹ cha. Cha trồng mít trồng xoan nghĩ đến chuyện mấy chục năm sau con cái “ra riêng” còn có gỗ làm nhà, mẹ vun xới từng gốc bưởi gốc cam mong tới mùa hái quả có thêm ít đồng để mua cho con sách vở quần áo mới. Mùa Hè mẹ giâm rau muống trỉa mồng tơi ngắt ngọn nấu canh, mùa Đông gieo cải muối dưa, sang Xuân chăm đôi dây bí dây bầu hay cắm giàn mướp chờ hoa vàng rực rỡ. Rau trái trong nhà vừa ăn vừa biếu anh em làng xóm lấy thảo lấy thơm, nhiều nữa thì mang ra chợ bán cho người phố huyện. Bây giờ nhớ lại khóe mắt con cay xè khi hình dung ra dáng mẹ bấm chặt ngón chân trên con đường làng lầy lội bùn trơn, gánh rau nặng trĩu trên vai ra đi từ lúc mờ sương tới non trưa trở về chỉ được vài đồng bạc lẻ nhưng trong thúng bao giờ cũng có phần con một đùm kẹo bột. Con hồn nhiên nhận yêu thương của mẹ như hồn nhiên nhận quả từ vườn, đâu biết rằng để đổi lại chút ngọt ngào kia là bao nhiêu đắng cay âm thầm lặng lẽ.
Làng bây giờ đã khác đi rất nhiều so với ngày xưa. Nhà cửa san sát mọc lên nên những khoảng xanh bình yên dần dần thu hẹp lại, chỉ còn đôi mảnh vườn giữ được vẹn nguyên như thuở ban đầu. Cha mẹ cần mẫn nối sợi dây giữa vườn với phố bằng những món quà nho nhỏ gửi lên cho con theo từng chuyến xe, chục quả hồng xiêm, nải chuối tiêu chớm chín, nhúm ớt chỉ thiên cay nồng, ngọn bí ngọn bầu hái lúc tinh sương còn đang ứa nhựa, món nào cũng đượm vị đất đai thung thổ. Khắc khoải nhớ mong con đếm từng ngày nghỉ được về sum vầy cùng gia đình trong khu vườn cũ, gom lá rụng đốt lên cho sợi khói ấm bay ngang chiều. Về với vườn mẹ, tự nhủ rằng mọi sự chuyển trôi là tất yếu giữa vô biên, qua giá rét mùa Đông rồi Xuân sang cây cối lại bật mầm nảy nụ. Hạt giống mẹ cha gieo xuống nơi nguồn cội sớm mai kia sẽ vươn mình đón nắng để vườn quê mãi là chốn chờ đợi bước con về.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/giot-thoi-gian-qua-vuon/204342.htm