GIỮ ẤM CHO HỌC SINH VÙNG CAO

Những ngày này, hầu hết các tỉnh miền Bắc nước ta, nhất là các tỉnh vùng núi cao, như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang... đang chìm trong giá rét. Nhiều nơi nhiệt độ ban ngày hạ xuống khoảng 10 độ C, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt thường nhật và lao động sản xuất của bà con. Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thời tiết rét buốt là các em học sinh.

Thấu hiểu sự vất vả và có phần cực nhọc của các em học sinh trong mùa đông lạnh giá, nhiều nhà trường, thầy cô giáo ở các địa phương miền núi phía đã có những việc làm, giải pháp sáng tạo góp phần phòng, chống giá rét cho học sinh. Một trong những sáng kiến điển hình là hệ thống công nghệ tạo nước nóng phục vụ học sinh sinh hoạt hằng ngày do đội ngũ giáo viên Trường THCS-THPT Bát Xát (Lào Cai) thiết kế.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Hệ thống tạo nước nóng gồm 3 nồi lớn được ủ bằng trấu suốt cả ngày lẫn đêm rồi chảy theo ống giữ nhiệt ra các bể nước, mỗi ngày có thể tạo ra khoảng 4.000 lít nước nóng đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tắm giặt cho hơn 300 em học bán trú tại trường. Chi phí chỉ hết hơn 20 triệu đồng, thiết kế giản đơn, tiện lợi, nguyên liệu đầu vào dễ kiếm, rẻ tiền nên sáng kiến này được đánh giá rất kinh tế, hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở các trường miền núi. Nhưng ý nghĩa hơn, nhờ có sáng kiến của thầy cô mà từ mùa đông năm ngoái và trong mùa đông năm nay, hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số học bán trú tại Trường THCS-THPT Bát Xát đã có nước nóng để sinh hoạt, tắm giặt hằng ngày. Nhờ đó, các em không còn phải lặn lội đi lên rừng kiếm củi hay cuối tuần về nhà lấy củi mang đến trường để đun nước nóng như trước đây.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục, cùng sự chung tay góp sức giúp đỡ của các ngành, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện, hầu hết các điểm trường, nhà trường ở các địa phương vùng cao, biên giới xây dựng được trường, lớp kiên cố, khang trang nên cơ bản đã xóa được nhà tranh tre mái lá, lớp học tạm bợ. Đại đa số học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn học hằng tháng. Vào mỗi mùa đông giá buốt, rất nhiều tổ chức, cá nhân giàu lòng nhân ái đã tổ chức vận động được hàng nghìn bộ quần áo ấm, chăn bông để mang hơi ấm đến học sinh vùng cao.

Tuy vậy, do thời tiết khí hậu khắc nghiệt, điều kiện kinh tế gia đình, kinh tế địa phương còn rất khó khăn mà một bộ phận học sinh ở vùng cao vẫn phải đối mặt với nhiều vất vả, thiệt thòi. Để đến trường, bám lớp thường xuyên, một bộ phận học sinh dân tộc thiểu số vùng núi cao vẫn chưa hết cảnh co ro vì giá rét. Vì vậy, bất cứ việc làm thiết thực, giải pháp, sáng kiến nào mang lại sự no đủ, ấm áp cho các em đều rất đáng ghi nhận, khuyến khích.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết mùa đông năm nay sẽ rét buốt đậm hơn, kéo dài hơn so với mùa đông năm ngoái. Do đó, việc chủ động phòng ngừa, chống rét cho học sinh vùng cao cần phải được coi là giải pháp ưu tiên hàng đầu để bảo đảm sĩ số lớp học, đồng thời góp phần giữ vững chất lượng dạy học ở các nhà trường. Giữ ấm cho học sinh vùng cao không đơn thuần chỉ là một biện pháp giữ gìn sức khỏe cho các em trong mùa đông giá rét, mà còn nhen lên ngọn lửa tình yêu học đường và nuôi dưỡng niềm tin hướng tới tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ.

PHÚC NỘI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giu-am-cho-hoc-sinh-vung-cao-647301