Giữ an toàn cho môi trường học đường

Từ đầu năm học tới nay, liên tiếp xảy ra các vụ đánh nhau, đánh hội đồng… khiến học sinh phải nhập viện điều trị. Nhưng không phải sự việc nào cũng được xử lý rốt ráo, kịp thời, thậm chí có nhà trường cố tình che giấu.

Tiểu phẩm tuyên truyền phòng ngừa bạo lực học đường do học sinh Trường THCS Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) biểu diễn. Ảnh: Phương Xuyến.

Tiểu phẩm tuyên truyền phòng ngừa bạo lực học đường do học sinh Trường THCS Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) biểu diễn. Ảnh: Phương Xuyến.

Khi bạo lực học đường bị che giấu

Hội đồng kỷ luật Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) vừa họp và thống nhất đề nghị kỷ luật cảnh cáo Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hiếu vì che giấu bạo lực học đường, không báo cáo lên cấp trên. Hội đồng cũng đề nghị xử lý giáo viên chủ nhiệm trong vụ việc học sinh đánh nhau tại trường đã chưa có giải pháp quản lý học sinh để xảy ra đánh nhau và giáo viên tổng phụ trách chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý nề nếp học sinh.

Cụ thể, trưa 23/9, một nhóm học sinh cùng lớp đánh nhau ngay trong phòng học ở Trường THCS Trung Hiếu và quay clip phát tán trên mạng xã hội. Nhóm học sinh sau đó đã bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức đình chỉ học 1 năm với 7 học sinh; đình chỉ học 1 học kỳ với 1 học sinh và đình chỉ học tập 2 tuần với 1 học sinh. Các học sinh đứng xem và không báo cáo, không can ngăn bị kiểm điểm trước toàn trường và hạ 1 bậc hạnh kiểm.

Điều đáng nói, trước khi xảy ra vụ việc này, giữa nạn nhân và một học sinh trong nhóm đánh bạn đã có va chạm nhẹ, gia đình đã nhận được phản ánh và cũng chấn chỉnh, nhắc nhở con em mình nhưng vì bị gia đình phạt, học sinh này đã rủ nhiều bạn khác cùng đánh hội đồng nạn nhân. Mâu thuẫn ban đầu không phải là lớn nhưng vì cách xử lý không phù hợp với đối tượng học sinh, thiếu sự hỗ trợ từ giáo viên và nhà trường nên sự việc đã trở nên trầm trọng hơn.

Nhiều vụ việc đã xảy ra cho thấy giải pháp ngăn ngừa ngay từ khi manh nha xuất hiện mâu thuẫn là rất quan trọng để tránh dẫn đến những việc đáng tiếc về sau. Trong đó, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là không thể thiếu trong việc nắm bắt các vấn đề xảy ra trong phạm vi lớp học, trường học, thậm chí là ngoài nhà trường để kịp thời phối hợp với gia đình cùng giáo dục học sinh hướng đến những điều tốt đẹp. Hiệu trưởng với vai trò thủ trưởng đơn vị, cần phải chỉ đạo, quản lý chặt chẽ nề nếp, đạo đức học sinh, không gây bức xúc trong tập thể giáo viên, phụ huynh. Tại trường THCS Trung Hiếu trong 2 năm học gần đây đã xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, gây thương tích, học sinh xúc phạm giáo viên gây bức xúc trong dư luận nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Xây dựng môi trường học tập an toàn

Ghi nhận thêm nhiều vụ việc bạo lực học đường khác trong thời gian qua như một học sinh THCS ở tỉnh Nghệ An bị ép ăn đất, nuốt khói thuốc. Một nữ sinh của Trường THPT Nông Cống 2 (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) bị đánh hội đồng khi vào can nhóm bạn đánh nhau dẫn tới bị thương nặng, phải nghỉ học để điều trị. Nhóm nữ sinh THCS ở Bến Tre đánh nhau do mâu thuẫn cá nhân. Học sinh lớp 10 tại Trường THPT An Thới (Bến Tre) bị 3 học sinh đánh hội đồng tại lớp học. Một học sinh THCS tại xã An Phú (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị các học sinh khác đánh nhập viện…

Hàng loạt vụ việc bạo lực học đường xảy ra với mức độ tổn thương khác nhau về thể chất nhưng kể cả khi vết thương ngoài da đã lành thì những tổn thương về mặt tâm lý nếu không được chữa trị kịp thời sẽ có thể đeo bám, ảnh hưởng tới các em là nạn nhân của vụ việc và cả những em tham gia đánh hội đồng, quay clip hoặc chứng kiến sự việc xảy ra. Hơn lúc nào hết, vai trò, trách nhiệm của gia đình, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường trong việc phối hợp để ngăn ngừa, phòng chống bạo lực học đường trở nên cấp thiết. Bởi theo phân tích của TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), khi có mâu thuẫn xảy ra, một số em thiếu kỹ năng dẫn đến không biết cách giải quyết kể cả những việc nhỏ. Từ đó bùng lên những mâu thuẫn lớn hơn và cuối cùng là bạo lực có thể xảy ra.

“Một số học sinh nhận thức về mức độ nguy hại của bạo lực học đường chưa tốt. Vì vậy khi xảy ra mâu thuẫn, không phải lúc nào các em cũng chọn giải pháp hòa bình hoặc trao đổi, tranh luận mà thông qua bạo lực để giải quyết vấn đề nhưng lại không kịp nghĩ đến hậu quả, hệ lụy. Trên thực tế, học sinh mâu thuẫn, xô xát nhau thì thời nào cũng có nhưng hiện nay chúng ta phải lên án hành vi bạo lực, vi phạm đạo đức và pháp luật” - TS Bùi Hồng Quân nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp gần đây mà các địa phương các nhà trường đưa ra để hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra, đó là thực hiện quyết liệt việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và giờ ra chơi vốn đã được quy định trước đó tại Thông tư số 32 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Quy định này là cần thiết để góp phần thay đổi một thực tế như Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã chỉ ra, đó là: “Học sinh đang đắm mình trong công nghệ, ăn công nghệ, ngủ công nghệ, chơi công nghệ và sinh ra bằng công nghệ”.

Những hoạt động văn nghệ, thể thao, và các câu lạc bộ kỹ năng sống cần được tổ chức thường xuyên giúp học sinh có cơ hội kết bạn, hiểu nhau hơn và cùng nhau xây dựng một môi trường học tập an toàn, từ đó góp phần đẩy lùi bạo lực học đường, xây dựng trường học hạnh phúc.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giu-an-toan-cho-moi-truong-hoc-duong-10294358.html