Giữ an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão
Khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ hiện có hệ thống hồ, đập khá lớn. Các công trình này đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các công trình hồ chứa vừa và nhỏ đã bị xuống cấp, cần được sửa chữa, gia cố để bảo đảm an toàn trong mùa mưa, lũ.
Thời điểm này, các hồ, đập thủy lợi, nhà máy thủy điện ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với bão, lũ trong mọi tình huống. Trong đó chuẩn bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, nguồn điện dự phòng; bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị cơ khí..., nhất là trong tình huống thủy điện điều tiết nguồn nước.
Nhiều công trình xuống cấp
Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, khu vực Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng liên tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới gây ra những đợt mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa phổ biến hơn 1.000 mm. Mưa đặc biệt lớn và kéo dài là nguyên nhân chính gây nên lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng nhiều khu vực tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, làm thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, cũng như các công trình hạ tầng trong khu vực. Tuy nhiên, các hồ chứa, đập thủy điện đã vận hành an toàn và tuân thủ quy trình vận hành (liên hồ, đơn hồ) được cấp thẩm quyền phê duyệt, không gây tác động bất lợi cho hạ du.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi (tám hồ chứa loại lớn và 48 hồ chứa loại vừa và nhỏ). Tổng dung tích hồ chứa thủy lợi, thủy điện hơn 2.000 triệu m3. Trong đó, tại nhiều hồ chứa có một số hạng mục phụ trợ đã bị hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ... Nhìn chung, các công trình thủy lợi qua kiểm tra vẫn đang hoạt động bình thường. Một số công trình đường quản lý và công trình trên kênh đã hư hỏng, chưa được nâng cấp. Đường thoát lũ tại khu vực đập tràn và cửa van bị bồi lấp... Đáng lưu ý, có rất nhiều hồ đã đến thời hạn nhưng chưa được kiểm định do khó khăn về kinh phí.
Những ngày này, khi cơn bão số 5 đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra tại các hồ chứa và thủy điện Hương Điền, Bình Điền... Hiện mực nước tại các hồ chứa đang ở cao trình mực nước chết và xấp xỉ mực nước chết, các đơn vị chủ hồ đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án tích nước giảm lũ trong mùa mưa bão. Phó Giám đốc phụ trách Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền, Trịnh Xuân Khoa cho biết: “Điểm sạt lở phía hạ lưu vai trái đập thủy điện với vị trí sạt cách chân đập thủy điện từ 60 - 200 m từ cuối năm 2020, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Hiện đơn vị đang thuê công ty tư vấn thiết kế để tính phương án gia cố, xử lý điểm sạt trượt”.
Tỉnh Quảng Trị có 125 đập, hồ chứa thủy lợi; trong đó, có 25 công trình lập quy trình vận hành, được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Các đập, hồ còn lại đang được tiếp tục hoàn thiện quy trình. Tuy nhiên, do quá trình sử dụng lâu dài và ảnh hưởng của các đợt lũ lớn năm 2020 nên tại Quảng Trị có 18 đập bị thấm. Đặc biệt, tại hạng mục tràn trên công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn bị mưa lũ làm hư hỏng phần bê-tông cốt thép và đá xây gia cố mái ta-luy hạ lưu tràn, phía bờ bắc tràn bị nước lũ cuốn trôi 1.850 m2 diện tích, phía bờ nam bị cuốn trôi 42 m2. Hiện công trình đã được thiết kế phương án khẩn trương khắc phục sửa chữa hư hỏng.
Tại Quảng Bình, hiện có 153 hồ chứa, 193 đập thủy lợi; trong đó, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình quản lý khai thác 17 hồ chứa nước và ba đập thủy lợi, còn lại do UBND các huyện giao cho các đơn vị thủy lợi cơ sở quản lý khai thác. Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Bình, hiện toàn tỉnh có 54 hồ chứa đang bị hư hỏng, xuống cấp; 38 đập bị thấm nặng; 22 tràn xả lũ bị nứt, hư hỏng; 28 mái đập bị biến dạng, sạt lở. Tại huyện Quảng Ninh, công trình hồ chứa nước Rào Đá được đưa vào sử dụng năm 2010, với dung tích 82 triệu mét khối. Trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, phần đập tràn xả lũ chính (lưu lượng tràn theo thiết kế là 639 m3/s) phía bờ hữu gia cố bằng rọ đá đã bị xói lở mạnh, đổ sập, tạo ra cung trượt lấn sâu vào chân đập chính, uy hiếp an toàn cho đập và trạm biến áp vận hành đập tràn xả lũ.
Cũng trong tình trạng tương tự, kênh chính dẫn nước của hồ Tiên Lang ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) được đưa vào sử dụng năm 2000, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 700 ha lúa hai vụ, hiện có nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp với bê-tông bị mục, rỗng, ảnh hưởng đến khả năng phục vụ cung cấp nước sản xuất. Tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch còn có các công trình hồ chứa nước Vực Tròn, Cửa Nghè… được đưa vào sử dụng từ những năm 1985 - 1990 đến nay đã xuống cấp. Hạng mục tràn xả lũ hồ chứa nước bị sạt lở sâu, gây mất an toàn cho thân đập. Công trình bị hư hỏng, xuống cấp với hiện trạng chưa có tràn phụ, mái thượng lưu chưa được gia cố, đập đất không có tường chắn sóng, cống lấy nước đầu mối đã bị hư hỏng và không có nhà vận hành, tràn xả lũ hẹp không bảo đảm phòng, chống lụt bão và ứng phó thiên tai.
Cần giải pháp tổng thể và lâu dài
Nguyên nhân các hồ, đập chứa nước trong khu vực xuống cấp là do đưa vào sử dụng trong thời gian dài chưa được sửa chữa, nâng cấp và ảnh hưởng của thời tiết biến đổi bất thường. Thời gian qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ ưu tiên đầu tư, nâng cấp và quản lý an toàn hồ, đập ở mức cao nhất. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện luôn gặp khó khăn vì ngân sách địa phương hạn chế. Một số công trình sửa chữa hồ, đập chưa triển khai được do chưa có nguồn kinh phí…
Bảo đảm an toàn hồ, đập có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là để ứng phó trong mùa mưa bão. Trong khuôn khổ Dự án WB8 và Dự án tăng trưởng xanh, thời gian qua, Sở NN và PTNT Quảng Trị đã thực hiện nâng cấp được 17 hồ chứa. Các công trình bảo đảm tiến độ thi công vượt lũ chính vụ; đồng thời thực hiện đồng bộ các quy trình vận hành cửa van, bảo trì cho từng hạng mục công trình; phương án ứng phó thiên tai cho hồ, đập vùng hạ du trong quá trình thi công. Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Trị, Hồ Xuân Hòe cho biết: “Sở đã kiến nghị Trung ương cần có chính sách hỗ trợ kinh phí kịp thời giúp ngành bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; hoàn thiện thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước; quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng cũng như nâng cấp và sửa chữa các công trình đầu mối, các hồ chứa lớn và kiên cố các hồ chứa nhỏ, với tổng kinh phí 331 tỷ đồng”.
Chi cục Trưởng Thủy lợi Quảng Bình, Trần Xuân Tiến cho biết, hằng năm, Chi cục phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa và lập phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Về lâu dài, Chi cục sẽ tham mưu UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ nguồn kinh phí để tu sửa, gia cố những hồ, đập hư hỏng nghiêm trọng bảo đảm an toàn vận hành trong mùa mưa lũ.
Trước khi cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền, tiến hành kiểm tra các hồ, đập trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã lưu ý, đối với các hồ chứa đang triển khai sửa chữa, nâng cấp cần đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn, tuyệt đối không thi công sửa chữa công trình trong mùa mưa lũ. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình đang thi công; cần thành lập và kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão công trình khi có tình huống xảy ra.
Sự tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mưa lũ xảy ra với cường độ lớn và bất thường, vấn đề an toàn hồ, đập thủy lợi cần phải có một giải pháp tổng thể và lâu dài, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, nhất là trong mùa mưa bão.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/giu-an-toan-ho-dap-trong-mua-mua-bao-664480/