Giữ bình yên biên cương Tổ quốc (Bài 1)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương, những năm qua, Bộ đội Biên phòng cùng người dân khu vực biên giới luôn đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát triển KT-XH, góp phần xây dựng biên cương ngày càng giàu đẹp, giữ vững mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia.
Bài 1: Những người giữ đất biên cương
Thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, trên tuyến biên giới của tỉnh Long An, hàng ngàn hộ dân tình nguyện đăng ký tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc. Cùng với lực lượng biên phòng, những người dân biên giới như những "cột mốc sống" bảo vệ biên cương.
Cụ ông 93 tuổi và tình yêu với mảnh đất biên cương
Căn nhà ông Nguyễn Văn Thuộc (93 tuổi, ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) nằm cặp Đường tỉnh 831, cách biên giới chừng 2km. Đây từng là căn nhà khang trang nhất ấp Cả Trốt thời điểm xây dựng. Ruộng vườn đầy đủ, con cái trưởng thành, ở tuổi 93, ông Thuộc gần như đã hưởng trọn vẹn cuộc sống của một lão nông tri điền. “Gần 30 năm về sinh sống và lập nghiệp tại đây, chính mảnh đất biên giới này đã cho tôi tất cả”, ông Thuộc tâm sự.
Ông Thuộc vốn quê gốc tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Năm 1978, khi vừa lập gia đình, theo tiếng gọi của quê hương, ông tình nguyện cùng hàng trăm hộ dân các huyện vùng hạ đăng ký tiến về khai phá vùng Đồng Tháp Mười. Trong trí nhớ của ông, những năm đầu khai khẩn đất đai, cuộc sống rất khó khăn, đất hoang hóa đầy cỏ dại, đường đi cũng không có.
“3 năm đầu tôi còn đi đi về về giữa Vĩnh Hưng và Bến Lức nhưng từ năm 1990, tôi quyết định đưa cả vợ, con về vùng đất này lập nghiệp. Tôi là người mê khai hoang đất đai, nên đã quyết là phải làm, cũng vì thế, tôi yêu mảnh đất này từ lúc nào không hay”, ông Thuộc cho biết.
Đất cứ dần màu mỡ dưới bàn tay con người. Ông Thuộc cũng như nhiều người dân khác tại xã biên giới Khánh Hưng dần dần biến mảnh đất hoang sơ đầy cỏ dại thành những cánh đồng trù phú. Mấy năm gần đây, lúa có giá, người dân có lợi nhuận cao hơn, cũng vì thế, cuộc sống của người dân biên giới cũng bớt phần vất vả. Xuôi theo đường biên giới, hôm nay, ông Thuộc có dịp đi thăm đồng. Chỉ tay về thửa ruộng hơn 3ha xanh mướt, ông nói ngày trước “cũng liều” ra tới biên giới khai khẩn đất hoang. “Ngày ấy, tuyến biên giới có lúc cũng còn phức tạp, nhưng bản thân luôn tâm niệm đằng sau người dân còn có lực lượng bộ đội biên phòng. Mỗi người dân chúng tôi cũng phải có trách nhiệm để tham gia bảo vệ biên giới, giữ đất làm ăn”, ông Thuộc tâm sự.
Dù rằng sức khỏe không còn như xưa, việc ruộng đồng cũng đã giao lại cho các con nhưng với tình yêu biên cương Tổ quốc, ông vẫn đều đặn ra thăm mảnh đất giáp biên giới nơi có cột mốc phụ 229.9(2) hiện diện giáp với phần đất canh tác của gia đình. “Tuổi tôi cũng đã cao nhưng nếu 1 tháng mà không ra thăm ruộng, không chạm tay vào cột mốc là tôi thấy nhớ. Vì vậy, tháng nào tôi cũng phải kêu con trai chở ra thăm ruộng. Cứ nhìn những thửa ruộng xanh tốt, quê hương biên giới yên bình là bản thân tôi cũng cảm thấy ấm lòng”, ông Thuộc cho biết. Nói rồi, ông lội bộ ra cột mốc phụ 229.9(2) bên thửa ruộng của gia đình, vệ sinh cột mốc - một trong những việc ông thực hiện thường xuyên trong suốt gần 30 năm qua.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Chính - Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bến Phố (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng), trong suốt gần 30 năm qua, ông Thuộc luôn là tấm gương điển hình, tích cực tham gia cùng với lực lượng Biên phòng trong bảo vệ đường biên, cột mốc. Từ tấm gương của ông Thuộc, trên địa bàn xã Khánh Hưng, qua triển khai, tất cả 100% hộ dân trên tuyến biên giới tình nguyện tham gia đăng ký tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc. Trong đó có 8 hộ đăng ký tự quản bảo vệ 4 cột mốc phụ từ mốc 229.9(2) - 229.12(2) và 23 hộ đăng ký tự quản, bảo vệ 7,5km đường biên giới.
Giữ từng mảnh đất biên cương
Nếu như ông Thuộc thấm đẫm trong mình tình yêu với biên cương Tổ quốc kể từ ngày đặt chân lên vùng đất biên cương thì đối với ông Phan Văn Bổn (62 tuổi, ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường), tình yêu biên cương đã hun đúc trong ông từ những ngày thơ ấu.
“Ngày tôi còn bé xíu, hình ảnh những người chiến sĩ biên phòng đã quen thuộc trong gia đình. Cha tôi vẫn thường nhắc gia đình như một "Đồn biên phòng" thứ 2. Hầu như lứa cán bộ Biên phòng nào cũng đều 1 lần ghé qua nhà gia đình chúng tôi. Ai cũng thân, ai cũng biết”, ông Bổn kể.
Gia đình ông Bổn nằm lọt giữa khu dân cư ấp Ông Nhan Tây. Nếu tính đường chim bay, nhà ông chỉ cách đường biên chừng 200m. Khi còn nhỏ, trong kí ức ông Bổn, vùng đất biên giới Bình Hiệp còn rất nhiều khó khăn. Gia đình ông lại có mối quan hệ thân thiết với lực lượng Biên phòng nên những việc lớn nhỏ trong nhà đều có bàn tay giúp đỡ của những người chiến sĩ Biên phòng.
“Có thời điểm những năm 1990, khi các lực lượng xây dựng cột mốc trên tuyến biên giới, gia đình tôi trở thành nơi ăn nghỉ của các lực lượng Công binh, Biên phòng. Trong suốt mấy năm cùng ăn, cùng ở với các cán bộ, chiến sĩ, được nghe những câu chuyện về biên giới đã bồi đắp cho tôi tình yêu với mảnh đất biên cương này. Thấu hiểu hơn nỗi vất vả của những người làm nhiệm vụ, gia đình tôi cũng càng ý thức, trách nhiệm hơn với mảnh đất biên giới này”, ông Bổn cho biết.
Sau này, khi Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp triển khai phát động phong trào Toàn dân tham gia tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc, ông cũng là một trong những hộ đi đầu đăng ký tham gia. Hay trong đợt dịch Covid-19, ông Bổn cũng là 1 trong số những thành viên cốt cán trong đội phòng, chống dịch của xã, thường xuyên có mặt trên tuyến biên giới sát cánh cùng lực lượng Biên phòng.
Đến nay, gia đình ông sản xuất lúa trên 4ha, trong đó có nhiều thửa đất giáp biên giới. “Cũng là cơ duyên khi mảnh đất của gia đình nằm ngay trên đường tuần tra biên giới, chỉ cách Trạm Biên phòng hơn 200m. Trước đây, khi đất còn hoang hóa, chưa sản xuất được, nhiều người nản chí bỏ mặc nhưng gia đình tôi quyết phải giữ. Mỗi ngày một cải tạo, từ vùng đất còn hoang sơ, nay trên dọc đường biên đã là những cánh đồng trù phú, màu mỡ. Mỗi tấc đất biên cương đều đã trả công xứng đáng cho người vun xới. Và những người dân biên giới như chúng tôi đều xác định sẽ luôn gắn bó, quyết giữ từng mảnh đất quê hương”, ông Bổn tâm sự.
Theo Đại tá Đoàn Văn An - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, qua thực hiện phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đã góp phần xây dựng và củng cố thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trong giai đoạn 2019-2024, UBND tỉnh khen thưởng cho 10 tập thể, 20 cá nhân; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khen thưởng 250 cá nhân; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khen thưởng 100 tập thể, 200 cá nhân; UBND thị xã Kiến Tường và các huyện biên giới khen thưởng 110 tập thể, 210 cá nhân có đóng góp tích cực cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; 212 cán bộ, Nhân dân được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-binh-yen-bien-cuong-to-quoc-bai-1--a177097.html