Giữ bình yên khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố Hồ Chí Minh
Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát khu vực cửa khẩu cảng biển, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự khu vực, địa bàn được giao phụ trách.

Thiếu tá Phạm Công Huân làm thủ tục cho du khách. Ảnh: Phương Vy
Linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ
Mới qua Tết Nguyên đán chưa lâu, nhưng không khí làm việc ở Đội Thủ tục, Biên phòng cửa khẩu cảng thành phố Hồ Chí Minh lúc nào cũng sôi động. Không còn làm thủ công như trước kia, việc kiểm duyệt giấy tờ, thủ tục xuất, nhập cảnh cho người và phương tiện ra, vào cảng đã được thao tác trên mạng nên mang lại rất nhiều thuận lợi cho khách hàng. Thiếu tá Phạm Thanh Duy, Đội trưởng Đội Thủ tục cho biết: “Hàng ngày, lưu lượng tàu vào cảng khoảng 70 đến 80 lượt chiếc. Trong đó, khoảng 50 lượt tàu xuất, nhập cảnh, chuyển cảng đi (trên 50% tàu mang quốc tịch nước ngoài, chủ yếu là Panama). Khoảng 100 lượt phương tiện thủy nội địa đến và đi. Hàng ngàn lượt thuyền viên, cán bộ, công nhân viên đi bờ, xuống tàu xếp dỡ hàng hóa".
“Nếu làm thủ công như trước kia thì thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh cho một chuyến tàu mất từ 60-90 phút, nay chỉ còn khoảng 2-3 phút. Với khách du lịch, thời gian làm thủ tục đã giảm từ 1-2 phút xuống chỉ còn khoảng 10 giây, tàu vừa cập cảng là khách được đi bờ ngay” - Thiếu tá Phạm Thanh Duy nói.
BĐBP thành phố Hồ Chí Minh quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực cửa khẩu cảng và vùng biển rộng 3.250km2 (với gần 30km đường biên giới biển). Những năm gần đây, do yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế, hệ thống cảng biển của thành phố tiếp tục phát triển, mở rộng nên lưu lượng người và phương tiện, hàng hóa ra vào khu vực ngày càng tăng. Để thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực cải cách thủ tục hành chính bằng nhiều giải pháp hiệu quả. Nổi bật là ứng dụng công nghệ thông tin đối với thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển trong công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện xuất, nhập cảnh, quá cảnh. Cấp các loại giấy phép tại cửa khẩu cảng; giám sát khu vực, thủ tục theo cơ chế một cửa, một dấu. Nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin thực hiện thành công “Khai báo biên phòng điện tử qua hộp thư điện tử”...
Theo Thượng tá Trần Ngọc Biên, Chính trị viên Biên phòng cửa khẩu cảng thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đảm nhiệm bảo vệ an ninh cửa khẩu cảng và thực hiện công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh với địa bàn dọc theo hạ lưu các sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp... Thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2019, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện kiểm soát các loại giấy phép cho hành khách xuống, rời tàu bằng công nghệ in mã vạch 2D, đảm bảo chính xác, đầy đủ thông tin trong lưu trữ, truy xuất dữ liệu.
Theo Đại tá Trần Thanh Đức, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Hồ Chí Minh, đây là bước đột phá nhằm minh bạch, công khai, hiệu quả trong công tác thủ tục biên phòng; vừa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, vừa đảm bảo thông thoáng về thủ tục cũng như yêu cầu của công cuộc hội nhập và phát triển.
Còn Ông Trương Hoàng Thanh, Giám đốc Công ty đại lý hàng hải Sea Line cho biết: "Trước kia, doanh nghiệp, đại lý làm thủ tục cho tàu biển phải trực tiếp đến cơ quan cảng vụ hàng hải và xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục. Sau khi triển khai biên phòng điện tử, trước khi tàu cập cảng, chúng tôi đã có thể nhận được xác nhận hoàn thành thủ tục".
Phát huy vai trò nòng cốt trong khu vực cửa khẩu, cảng biển
Vừa trở về sau khi làm thủ tục cho tàu Seven Seas Explorer, quốc tịch Marshall Islands, Thiếu tá Phạm Xuân Huân, Đội Thủ tục, Biên phòng cửa khẩu cảng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tàu Seven Seas Explorer đi từ cảng Sihanoukville, Campuchia đến khu vực phao số 0 lúc 4 giờ 8 phút, ngày 12/2/2025. Để tạo điều kiện thông thoáng cho tàu, ngay từ lúc đó, chúng tôi đã có mặt và tiến hành các thủ tục nhập cảnh cho 545 thuyền viên (gồm 44 quốc tịch). Đến 8 giờ cùng ngày, tàu đã đến cảng Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh)".

Cán bộ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ, Biên phòng cửa khẩu cảng thành phố Hồ Chí Minh tuần tra bảo vệ địa bàn. Ảnh: Đức Thắng
Thiếu tá Huân bổ sung: "Trong ngày, ngoài 545 thuyền viên nhập cảnh, chúng tôi còn làm thủ tục cho 705 hành khách nhập cảnh (gồm 19 quốc tịch). Lượng khách, tàu thuyền đông, nhưng nhờ áp dụng thủ tục điện tử nên mọi thủ tục xuất nhập cảnh được giải quyết rất nhanh chóng, mang lại sự hài lòng cho du khách".
Từ khi công tác thủ tục Biên phòng điện tử được kết nối với Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm trong thủ tục Biên phòng điện tử, nhờ đó đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhân lực trong thực hiện nhiệm vụ. Từ năm 2018 đến nay, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện 12 thủ tục Biên phòng điện tử đối với tàu thuyền đến, rời cảng. Thủ tục Biên phòng điện tử được thực hiện 24/7, kể cả ngày lễ, Tết; người làm thủ tục có thể thực hiện khai báo và nhận kết quả hoàn thành thủ tục Biên phòng ở bất cứ nơi nào có mạng internet bằng máy tính, điện thoại thông minh.
Theo Thượng tá Trần Ngọc Biên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục Biên phòng điện tử đã rút ngắn thời gian tàu thuyền, hành khách chờ hoàn thành thủ tục. Việc chủ động phối hợp lực lượng Hải quan, Cảng vụ hàng hải triển khai Cổng thông tin một cửa quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tàu, chủ hàng; đảm bảo công khai, minh bạch về thủ tục hành chính; tránh phiền hà, chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tại cảng...
Đại tá Trần Thanh Đức cho biết, những năm gần đây, hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; buôn lậu sản phẩm động vật quý hiếm, gỗ, xăng dầu, khoáng sản; vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại có nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế, việc quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự khu vực biên giới biển trên địa bàn thành phố, nhất là tuyến cửa khẩu cảng là vấn đề đặt ra cấp thiết. Trước thực trạng trên, cùng với việc đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực cửa khẩu cảng, biển của thành phố trong tình hình mới.