Giữ chân giáo viên mầm non

Công việc nhiều, áp lực lớn, cường độ lao động cao, thời gian nghỉ ngơi eo hẹp, thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống… đã khiến cho nhiều giáo viên hợp đồng dạy mầm non nghỉ việc, tiềm ẩn nguy cơ thiếu giáo viên ở bậc học mầm non. Thực trạng này đang rất cần giải pháp tháo gỡ kịp thời, hữu hiệu từ các các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp...

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui của các bé Trường mầm non Hoa Hồng (Cẩm Khê)

Việc nhiều, lương thấp

6h30“sáng, chúng tôi có mặt tại Trường mầm non Sơn Tình, huyện Cẩm Khê khi những lớp sương mù đặc quánh vẫn bao phủ ngọn núi trước mặt, cũng là lúc các cô giáo mầm non lục tục mở cửa đón trẻ. Một em, hai em…sau 15 phút các lớp đông dần. Có những bé mới đi học được vài buổi vẫn còn lạ cô lạ bạn khóc í éo, có bé còn đang ngái ngủ, bé thì cầm nắm xôi thi thoảng cô lại đút cho ăn… Trường Mầm non Sơn Tình có hai khu, khu chính và khu lẻ với hơn 300 học sinh. Toàn trường có 24 giáo viên, trong đó có chín cô là giáo viên hợp đồng. Mặc dù là xã thuần nông, nhưng nhiều năm nay lực lượng lao động trong xã đi làm ăn xa hoặc làm ở các khu, cụm công nghiệp đông, nênn con cái để nhà cho ông bà chăm, hoặc phải ra lớp sớm để bố mẹ kịp vào ca... Vì vậy, các cô giáo mầm non thường đón trẻ đến trường bắt đầu từ 6h30” và kết thúc vào 17h hàng ngày, nhưng có những lúc bố mẹ, ông bà chưa kịp đón, các con lại theo cô về nhà…

Do đặc thù công việc, giáo viên mầm non luôn đi sớm, về muộn, ngoài thực hiện chuyên môn theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra, các cô như người mẹ thứ hai, chăm chút các con từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc vệ sinh cá nhân, lo lắng khi các con hắt hơi sổ mũi. Ngày làm việc luôn tất bật từ sáng sớm cho đến khi chiều muộn, thậm chí hết giờ làm việc vẫn đèo học sinh về nhà do gia đình chưa thể đến đón. Cô Hà Thị Kim Thanh- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những giáo viên trong biên chế thu nhập từ lương, phụ cấp đảm bảo cuộc sống, còn những cô giáo hợp đồng cuộc sống rất khó khăn, do thu nhập thấp”.

Trong số các cô giáo hợp đồng ở Trường mầm non Sơn Tình, hoàn cảnh của cô Nguyễn Thị Lan rất vất vả. Sau những giờ tan làm cô phải nhanh chóng cho kịp chuyến đò sang bên kia sông về thị xã Phú Thọ với gia đình. Cô Lan đã gắn bó với trường, với lớp, với các bạn nhỏ nơi đây đã được sáu năm. Cô yêu nghề, mến trẻ lắm mới trụ được đến ngày hôm nay. Cô chia sẻ: “Ban đầu lương em được 1,3 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ bảo hiểm, không có nguồn thu nhập nào khác. Được sự hỗ trợ từ ngân sách huyện, hiện chúng em có mức lương 2,8 triệu đồng/tháng. Từ tháng 10/2022, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng tham gia chăm sóc trẻ ngoài giờ, góp phần tăng thu nhập ngoài lương. Đến nay mỗi tháng chúng em được thêm khoảng 500.000 -700.000 đồng/tháng”. Lan trăn trở: “Lương thấp nhiều lúc em cũng muốn bỏ nghề về thị xã vào khu công nghiệp làm để được gần chồng, con nhưng chưa thể vì vẫn vương vấn với nghề. Hiểu tâm trạng của vợ, ông xã em động viên đã cố được sáu năm rồi, cố thêm thời gian nữa nhỡ đâu chính sách thay đổi, lúc đó uổng công học tập, cống hiến… Chúng em mong muốn được nâng lương theo định kỳ và được vào biên chế để cống hiến với nghề, cho sự nghiệp giáo dục mầm non xã nhà”.

Huyện Cẩm Khê hiện có 642 giáo viên mầm non, trong đó có 250 giáo viên hợp đồng với mức thu nhập bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng. Năm học 2022-2023, toàn huyện đã huy động được 9.133 trẻ đến trường.

Cùng với Cẩm Khê, Thanh Sơn cũng là địa phương có số giáo viên hợp đồng khá nhiều. Cô Hà Thị Năng, giáo viên Trường Mầm non Văn Miếu, huyện Thanh Sơn cho biết, lương giáo viên hợp đồng quá thấp, khoảng gần 3,6 triệu đồng/tháng, trong khi đó gia đình cô có hai con nhỏ, chồng làm tự do. Chi phí chăm lo cho các con còn phải tằn tiện, không một đồng dư dả. Mức lương thấp nhưng cô không thể làm thêm để tăng thu nhập. Nhiều lần, cô Năng có ý định nghỉ việc để kiếm công việc khác đỡ vất nhưng ở quê cũng không có nhà máy, xí nghiệp hay công việc phù hợp để cô làm. Gần 40 tuổi, 15 năm làm giáo viên mầm non cô vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng. Cô mong muốn sớm được tuyển dụng vào biên chế để yên tâm công tác.

Cô Hoàng Thị Thanh Hà- Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn Miếu cho biết: “Hiện toàn trường có 49 giáo viên, trong đó có 12 giáo viên trong diện hợp đồng của tỉnh và của huyện, nhiều cô giáo đã có thời gian làm việc cả chục năm hợp đồng như cô Năng, cô Văn... Trong ba năm gần đây, do thu nhập quá thấp, bốn cô giáo của trường xin nghỉ việc và chuyển công tác”.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Thanh Sơn, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có 24 giáo viên hợp đồng xin thôi việc, ngoài số này thì nguy cơ bỏ việc của giáo viên mầm non còn rất cao do áp lực công việc và thu nhập quá thấp. Toàn huyện có 758 giáo viên đang làm việc tại 50 điểm trường, trong đó trên 218 giáo viên trong diện hợp đồng, chiếm trên 30%. Số giáo viên hợp đồng theo diện của huyện là 173 giáo viên đang nhận mức lương 2,48 triệu đồng/tháng và mức phụ cấp từ 500.000-700.000 đồng tùy từng trường, nhưng không được tăng lương theo quy định. Số hợp đồng theo diện của tỉnh là 45 giáo viên với mức lương 3,57 triệu đồng/tháng và được tăng lương theo quy định. Từ năm 2014 đến nay toàn huyện chưa có giáo viên mầm non nào được tuyển dụng vào biên chế của ngành.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong hai năm 2021-2022 toàn tỉnh có 121 giáo viên mầm non nghỉ việc, chuyển việc, trong đó số giáo viên công lập nghỉ việc là 64 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 57 người.

Học sinh lớp 5 tuổi trường Mầm non Hoa Hồng (Việt Trì) làm quen với bảng màu, chữ cái

Áp lực thiếu giáo viên

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh dân số phát triển và nhu cầu gửi trẻ cũng tăng theo. Trẻ tăng, số lượng giáo viên lại giảm khiến cho tình trạng thiếu giáo viên mầm non xảy ra ngày càng nhiều và kéo dài từ nhiều năm nay.

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện tại tổng số giáo viên mầm non biên chế có mặt là 4.383 người, đạt tỷ lệ 1,38 giáo viên/lớp, trong khi đó nhu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 7.154 giáo viên, đảm bảo tỷ lệ 2,2 giáo viên/nhóm lớp mẫu giáo và 2,5 giáo viên/nhóm trẻ. Theo đó, hiện nay tỉnh đang thiếu so với nhu cầu 2.779 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non so với chỉ tiêu xảy ra ở hầu hết các huyện, thành, thị, trong đó nhiều nhất là thành phố Việt Trì thiếu 285, huyện Cẩm Khê thiếu 337, Đoan Hùng thiếu 313, Thanh Sơn thiếu 288, Thanh Ba thiếu 237, Phù Ninh thiếu 226, Hạ Hòa thiếu 225…

Năm học 2022-2023, tỉnh có gần 88 nghìn trẻ mầm non đi học, 100% trẻ mầm non học hai buổi/ngày; tỷ lệ trẻ mầm non bán trú đạt 96,8%. Với số trẻ đến trường như trên, một giáo viên mầm non phải đảm đương gần 20 trẻ và phải làm việc 10-12 tiếng/ngày. Mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non, tuy nhiên đội ngũ giáo viên mầm non vẫn không ổn định, số giáo viên mầm non thôi việc chuyển ngành, nghề khác nhiều, nhiều cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục rất khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên. Cùng với đó, việc tiếp tục tinh giản biên chế 10% theo quy định thì những năm tiếp theo, tình trạng thiếu giáo viên các bậc học, nhất là giáo viên mầm non sẽ tiếp tục tăng, càng khó khăn trong việc đảm bảo số giáo viên đứng lớp và gây áp lực cho ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.

Ngoài giờ lên lớp, các cô còn trở thành những thợ xây, thợ điện, làm vườn để học sinh có môi trường vui chơi học tập tốt nhất

Hỗ trợ, ưu tiên tuyển dụng

Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề ra một số giải pháp khắc phục như phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chỉ đạo rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm phù hợp, cân đối giữa các trường. Đồng thời kiến nghị tỉnh bổ sung biên chế giáo viên mầm non để có thể tuyển dần, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên mầm non cũng như bảo đảm công tác dạy và học; đề nghị tỉnh tiếp tục nâng các mức hỗ trợ cho các giáo viên hợp đồng.

Để đảm bảo số lượng giáo viên mầm non đáp ứng tối thiểu cho tổ chức giáo dục, chăm sóc trẻ, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí để địa phương hợp đồng giáo viên đảm bảo tỷ lệ bình quân 2,1 giáo viên/lớp (theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh). Hiện nay tỉnh đã hợp đồng 2.234 giáo viên mầm non, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 2.163 người. Ngoài kinh phí hỗ trợ, các huyện, thành, thị tự cân đối ngân sách để bổ sung kinh phí chi trả giáo viên mần non hợp đồng. Đối với giáo viên hợp đồng tỉnh, mức tiền lương trung bình là trên 3,5 triệu đồng/người/tháng; đối giáo viên hợp đồng huyện mức lương trung bình gần 3,3 triệu đồng/người/tháng sau khi đã trừ các khoản quy định. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc trả lương, thu nhập cũng đảm bảo từ 3,5– 9 triệu đồng/người/tháng cho giáo viên và cán bộ quản lý. Nhờ những chính sách hỗ trợ trên, năm học 2022-2023 tỉnh đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bậc học mầm non. Đến nay toàn tỉnh có 7.498 giáo viên mầm non, trong đó 4.383 giáo viên trong biên chế, duy trì hợp đồng đối với 3.115 giáo viên, đảm bảo tỷ lệ 2,1 giáo viên/1 nhóm, lớp.

Để tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng, vừa qua HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 14/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về việc tạo điều kiện để giáo viên hợp đồng tham gia chăm sóc trẻ ngoài giờ, góp phần tăng thu nhập ngoài lương. Đồng thời UBND tỉnh đã có quyết định giao chỉ tiêu số lượng người làm việc năm 2023, trong đó đã giao bổ sung giáo viên mầm non. Hiện nay, Sở Giáo dục và Dào tạo, Sở Nội vụ đang phối hợp với các huyện, thành, thị rà soát đề xuất tuyển dụng giáo viên các cấp, trong đó có giáo viên mầm non. Như vậy khi tổ chức tuyển dụng, nhiều giáo viên mầm non hợp đồng sẽ được tuyển dụng vào viên chức góp phần yên tâm tâm công tác; các địa phương có điều kiện cũng sẽ tập trung kinh phí, tăng thu nhập cho giáo viên hợp đồng còn lại…

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/giu-chan-giao-vien-mam-non/190925.htm