Giữ chân nhân tài ở nông thôn

Việc giữ chân nhân tài nước ngoài ở vùng nông thôn Nhật Bản đang trở thành một thách thức lớn trước khi hệ thống đào tạo lao động nước ngoài mới được triển khai vào năm 2027.

Khảo sát gần đây của Global Power, đơn vị điều hành trang web tìm kiếm việc làm và tuyển dụng NINJA dành cho lao động và sinh viên nước ngoài có tay nghề cao, cho thấy chưa đến 50% số lao động và sinh viên nước ngoài ở vùng nông thôn Nhật Bản muốn ở lại khu vực hiện tại khi tìm việc. Phân tích dựa trên dữ liệu của 42.000 người dùng đăng ký tính đến tháng 5-2024, tập trung vào địa chỉ hiện tại và địa điểm làm việc mong muốn của họ, cho thấy Tokyo dẫn đầu với 51,7% người dùng muốn ở lại thành phố. Các tỉnh Fukuoka (51,5%), Aichi (49,6%) và Osaka (48,8%) cũng có tỷ lệ cao. Phó Chủ tịch của Global Power Yuji Shinohara cho biết: “Thực tế là nhân tài nước ngoài bị thu hút đến các thành phố lớn với mức lương cao hơn và nhiều cơ hội việc làm”.

Theo quy định hiện tại, những người thuộc một số loại thị thực nhất định như kỹ sư hoặc chuyên gia về khoa học nhân văn/dịch vụ quốc tế (khoảng 370.000 người), hoặc công nhân có tay nghề chuyên môn cao (140.000 người) được phép thay đổi công việc. Tuy nhiên, những người nước ngoài tham gia chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật của Chính phủ (khoảng 410.000 người) sẽ không được phép thay đổi nơi làm việc trong vòng 3 năm vì lý do phải làm việc ở cùng một nơi để có được một số kỹ năng công việc nhất định. Quy định đó đã giúp nhiều công ty địa phương tuyển dụng những thực tập sinh này, vì họ ít có khả năng bỏ việc.

Nhật Bản sẽ thay thế chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật bằng hệ thống “đào tạo và tuyển dụng” sớm nhất là vào năm 2027, cho phép thực tập sinh thay đổi công việc sau khi làm việc 1 đến 2 năm. Quy định mới tạo thuận lợi hơn đối với những người nước ngoài tham gia chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật, tuy nhiên lại đặt ra một bài toán mới về việc giữ chân nhân tài là lao động nước ngoài tại các vùng nông thôn Nhật Bản.

Để ngăn chặn tình trạng di cư của lao động nước ngoài đến các thành phố lớn, chính quyền và các công ty địa phương đang đưa ra các biện pháp như cải thiện mức lương, điều kiện làm việc và tạo cơ hội học tiếng Nhật nhằm hỗ trợ lao động nước ngoài phát triển nghề nghiệp. Như vậy, vùng nông thôn Nhật Bản sẽ có hấp lực hơn đối với nhân tài người nước ngoài.

VIỆT LÊ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giu-chan-nhan-tai-o-nong-thon-post751607.html