Giữ cho 'mắt sáng - lòng trong'

Từng có dịp trò chuyện với cây đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam - cố nhà báo Hữu Thọ, chúng tôi mới phần nào thấm thía cái gọi là sự trăn trở, tâm huyết với nghề của lớp nhà báo cha anh. Ông nói: 'Người viết hiện nay có nhiều phương tiện hiện đại để hỗ trợ tác nghiệp, song anh ta nhất định không thể quên một điều rằng, nhà báo nắm chân lý từ thực tiễn. Bởi, bài báo nếu có nhiều mồ hôi thì những vấn đề được tác giả đề cập đến sẽ cựa quậy ghê gớm trên con chữ'. Và hơn hết, với người làm báo, phải giữ cho được 'mắt sáng, lòng trong, bút sắc' như giữ gìn chính phẩm giá con người mình vậy!

Ngày nay, cùng với sự thay đổi sâu sắc và toàn diện của đất nước, hoạt động báo chí nói chung, tác nghiệp của nhà báo nói riêng, cũng có nhiều thay đổi cũng như đặt ra yêu cầu mới. Đồng thời, yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Song thực tế hoạt động báo chí hiện nay cho thấy, sự sa sút đạo đức nghề báo đang có dấu hiệu phát sinh trong một bộ phận phóng viên, nhà báo xuất phát từ mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi tiện ích công cụ truyền thông và đặc biệt là sự “thống trị” của mạng xã hội khiến “ai cũng có thể thành nhà báo”, đã đặt ra áp lực rất lớn đối với các cơ quan báo chí và người làm báo.

Trong lịch sử phát triển của Báo Thanh Hóa suốt 60 năm qua, con người - nguồn nhân lực, đóng vai trò quyết định. Mỗi phóng viên, nhà báo của cơ quan báo Đảng luôn luôn tự ý thức trau dồi kỹ năng, kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là luôn giữ mình và giữ cho ngòi bút của mình hướng tới độc giả và nhận được sự tôn trọng từ phía bạn đọc. Chính sự nghiêm cẩn trong cách viết, tâm huyết trong nghề nghiệp, sự sắc sảo trong thể hiện đã và đang góp phần khẳng định được vị thế của tờ báo và nhà báo. Chính vì lẽ đó, trong bối cảnh báo chí đứng trước nhiều thách thức, thì vấn đề đạo đức người làm báo càng được đề cao, coi trọng hơn bao giờ hết.

Phóng viên Báo Thanh Hóa tác nghiệp tại Sư đoàn 390 - nơi thực hiện cách ly công dân để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Tô Hà

Có người cho rằng, chất lượng báo chí được tạo bởi ba yếu tố chính là chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng nghề nghiệp. Điều đó được thể hiện tương đối rõ nét trên các trang báo Thanh Hóa hơn một thập kỷ trở lại đây. Nắm chắc cây gậy chức năng là “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể”, đồng thời bám sát đời sống, những người làm báo đã nắm bắt từng sự chuyển biến trong tư duy đến những cách làm cụ thể trong thực tế để cổ vũ và góp phần nhân rộng cách làm hay, đồng thời phát hiện để giúp các cơ quan chức năng, các nhà quản lý kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc. Đi từ diện đến điểm, từ những bài viết có tính định hướng chung đến những bài phản ánh cụ thể, Báo Thanh Hóa đã đem lại cho người đọc cái nhìn liên tục, nhiều chiều về tiến trình đổi thay của quê hương. Với vai trò nòng cốt là tiếng nói của Đảng bộ địa phương, Báo Thanh Hóa chưa khi nào xa rời tôn chỉ là tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần xây dựng nền tảng chính trị vững mạnh làm cơ sở trọng yếu đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của xã hội.

Phóng viên Báo Thanh Hóa phỏng vấn vận động viên tham gia Giải việt dã Báo Thanh Hóa “Chạy vì sức khỏe cộng đồng” lần thứ XXV - năm 2021.

Đảng ta đã giao cho báo chí chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện. Cùng với báo chí cả nước, Báo Thanh Hóa ngày càng phát huy tốt vai trò là diễn đàn chính trị của Đảng và Nhân dân. Với hai chiều phản ánh không chỉ mang lại sự phong phú, sinh động về thông tin, góp phần tạo nên sức hấp dẫn đồng thời nâng cao chất lượng tờ báo, mà qua đó còn giúp Báo Thanh Hóa đi sâu thực hiện một trong những chức năng quan trọng nhất của báo chí là phản biện xã hội. Phản biện một cách công khai, vô tư chính là cuộc đấu tranh loại bỏ cái không phù hợp, cái trì trệ để bảo vệ cái mới, cái tiến bộ. Phản biện ấy dựa trên tinh thần cầu thị và đầy tính xây dựng. Khi Đảng ta coi báo chí là một trong bốn hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên thì yêu cầu tố chất của “người giám sát” phải công bằng, dũng cảm và có năng lực. Trong khả năng của mình, Báo Thanh Hóa rất coi trọng nhiệm vụ đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; những biểu hiện xuống cấp trong đạo đức, lối sống con người; dấu hiệu và hành vi tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên... qua đó góp phần ngăn chặn và loại bỏ dần cái xấu ra khỏi hành trình xây dựng một xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.

Cũng như mỗi trang báo thời chiến “đầy mùi thuốc súng”, mỗi trang báo thời CNH, HĐH này cũng thấm những mồ hôi. Từ bản người Khơ Mú của Mường Chanh (Mường Lát) đến điểm tiếp giáp tỉnh bạn Nghệ An, Báo Thanh Hóa và những người làm báo đã đến rồi đi không biết bao nhiêu lần, để mỗi chuyến đi là mỗi lần đất, người và cuộc sống lại ngồn ngộn trên trang viết. Bởi “nắm chân lư từ thực tiễn” nên báo chí chính là tấm gương hiện thực nhất, phản chiếu một cách sinh động, trung thành từng bước tiến, từng khoảng ngừng của đời sống xã hội. Báo Thanh Hóa, diễn đàn sâu rộng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa, hơn ai hết, càng gần với vai trò ấy. Trong nghề báo, điều quý nhất chính là sự tin cậy của người đọc đối với tên tờ báo. Điều đó chỉ có thể có được từ giá trị của lao động, của văn hóa cũng chính là của chất nhân văn mà xã hội luôn luôn đòi hỏi đối với nghề này.

Phóng viên Báo Thanh Hóa điện tử dẫn chương trình trực tiếp tại hiện trường.

Là lớp nhà báo “xung trận” vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, như thế hệ trước, chúng tôi được răn phải vững niềm tin lý tưởng, luôn biết vươn tới những kiến thức mới và cần hiểu biết thực tiễn một cách sâu sắc. Đội ngũ những người làm báo của Báo Thanh Hóa hôm nay không chỉ đông đảo, đủ sức đi và viết, mà còn ngày càng “chuyên”, càng đủ độ nhạy bén để đối diện, nắm bắt thực tiễn, đủ tri thức để cụ thể hóa thực tiễn ấy trên trang viết. Như lời một nhà báo lão thành đã nói, trên mảnh đất khô cằn thường chỉ có cây dại nảy nở, điều quan trọng nhất để người làm báo phát huy tốt sở trường và tài năng là phải xây dựng được một môi trường làm việc hài hòa. Đặc biệt, với người làm báo thế hệ sau, khi mà những giới hạn hay “vùng trắng” của hiểu biết ngày càng thu hẹp, sự tự do và nhu cầu được khám phá luôn quẫy đạp, thôi thúc thì một môi trường làm việc phù hợp lại càng cần thiết. Môi trường ấy, chừng một thập kỷ trở lại đây luôn được lãnh đạo Báo Thanh Hóa quan tâm, tạo dựng.

Không dám so sánh, nhưng chắc chắn ở mỗi thời, trong nghề báo lại nảy sinh những cái khó mới và giai đoạn này cũng không là ngoại lệ. Khi mà kỹ thuật tiên tiến hơn, cơ sở vật chất phục vụ đời sống tốt hơn thì tác nghiệp của nhà báo cũng trở nên dễ dàng hơn. Được đào tạo bài bản và có trí tuệ, những người làm báo dễ dàng tiếp cận được cái mới đang hằng ngày phát sinh trong cuộc sống. Duy có điều, sự cám dỗ và sự tự hài lòng lại như sợi xích vô hình níu chân không ít người, cũng như cái tâm, sự chân thành và lòng trung thực không cùng lúc đồng hành với ngòi bút vậy. Đó là cái khó tự trong mỗi người mà nảy nở ra. Và cùng với nó là những cái khó do khách quan mang lại, mà dù có tri giác được người ta vẫn phải đặt trước nó một dấu chấm hỏi. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với những quy định về đạo đức người làm báo được xem như mấu chốt để xây dựng đội ngũ những người làm báo “vừa hồng, vừa chuyên” hiện nay. Đó cũng là định hướng trong phát triển con người, hoàn thiện đội ngũ của Báo Thanh Hóa hiện nay và những năm tiếp theo.

Phóng viên Báo Thanh Hóa tác nghiệp tại khu vực Nhà giàn DK1 vùng biển phía Nam của Tổ quốc.

Đặc biệt, khi “sức mạnh của một tờ báo nằm ở măngsét và những cây bút có thẩm quyền” - như lời của cố nhà báo Hữu Thọ - nghĩa là truyền thống với những thành tựu và con người là hai yếu tố quyết định nhất đến sự tồn tại và giá trị của tờ báo ấy. Thanh Hóa là tên gọi của văn hóa, của lịch sử, của những niềm tự hào, để rồi vượt ra ngoài cái ý nghĩa ban đầu là nhằm phân biệt tờ báo của các địa phương, “Thanh Hóa” - cái măngsét có sức mạnh từ truyền thống yêu nước và bề dày văn hóa của vùng đất này - có thể xem như lời đảm bảo cho khả năng định hướng thông tin và dư luận của một cơ quan ngôn luận. Song, để khả năng ấy được phát huy thì con người phải được nhìn nhận như là nhân tố căn bản nhất. Nhận thức được điều đó, Báo Thanh Hóa luôn quan tâm đến việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất trong sáng, góp phần nâng cao chất lượng tờ báo cả về hình thức và nội dung.

Cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Thanh Hóa làm việc tại tòa soạn. Ảnh: H.Đ

Lịch sử Báo Thanh Hóa đã được viết 60 năm, qua nhiều giai đoạn, ở những thời kỳ gian khổ nhất. Sự trưởng thành của tờ báo thể hiện trước hết ở những thành tựu trong phát triển cả về hình thức, nội dung, số lượng, chất lượng và thể loại, trở thành công cụ ngôn luận sắc bén, phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền và là cầu nối giữa Đảng và Nhân dân. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ và chú trọng đến lực lượng kế cận vừa là thành tựu, vừa là bài học kinh nghiệm lớn được đúc kết qua hơn nửa thế kỷ. Người làm báo, dù ở giai đoạn nào, thời điểm nào, những phẩm chất căn bản cũng không được thay đổi. Cùng với các loại hình báo chí truyền thống, sự ra đời của loại hình “báo chí không biên giới” - internet - đang đòi hỏi người làm báo nói chung, báo Đảng nói riêng phải giữ được phẩm chất chính trị. Với người làm báo hiện nay, thiết nghĩ đây là điều cần được quan tâm. Tuy nhiên, tạm gác lại những khái niệm có tính hàn lâm, thực tiễn sẽ cho lời giải thích sâu sắc nếu người viết có sự chân thành và trách nhiệm từ nhận thức đến hành động, với thực tiễn và chính mình. Cũng ví như đi chênh vênh giữa một bên là núi cao một bên là thung sâu, con đường đi đến nhận thức một cách rõ ràng hai thái cực tốt - xấu, đúng - sai là không dễ, trong khi chỉ cần đi chệch một bước là hậu quả tai hại. Với người làm báo, nhất là người trẻ, đứng trước thông tin là đứng giữa hai “bờ” nhận thức, điều quan trọng làm được điều đúng đắn, cho nên phải cần đến tri thức và năng lực phân tích thông tin, đồng thời phải trung thực với thông tin như trung thực với người đọc và với ngòi bút của mình.

Có được sự tin cậy của bạn đọc là phần thưởng vô giá với mỗi người cầm bút và cả tờ báo. Muốn tạo niềm tin cho công chúng, đòi hỏi nhà báo phải công tâm và liêm chính, nghĩa là phải đặt lợi ích chung lên trên hết và trước hết, đồng thời phải tự trọng để ngòi bút luôn ngay thẳng. Với Báo Thanh Hóa, khai thác giá trị con người như là chìa khóa cho phát triển cũng chính là hướng đến vun đắp và gìn giữ những điều quý giá ấy.

Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thoi-su/giu-cho-mat-sang-long-trong/23174.htm