Giữ cho muôn đời sau

Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, được Nhà nước bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Là địa phương có đến 15 Bảo vật quốc gia, Hà Nội mang niềm tự hào to lớn, nhưng cũng đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc bảo quản, giữ gìn và quan trọng nhất là làm thế nào để phát huy giá trị của bảo vật trong cộng đồng.

Là hiện vật gốc, độc bản, Bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt trong đời sống xã hội. Song, trên thực tế, thường chỉ những bảo vật trưng bày tại các bảo tàng mới được bảo quản theo quy định nghiêm ngặt và người dân được trực tiếp thưởng lãm; còn những bảo vật đang gắn với các cơ sở tôn giáo, di tích thì việc bảo quản, bảo vệ gặp không ít khó khăn, do thiếu kinh phí, thiếu cán bộ chuyên môn. Có nơi, bảo vật thường được cất kỹ vừa giữ tránh bị hư hỏng, vừa để bảo đảm an toàn. Ngược lại có chỗ bảo vật vẫn bị khách tham quan xâm hại, dù có nội quy và người nhắc nhở.

Trước thực tế này, đáng mừng là gần đây, ngành Văn hóa Thủ đô đã yêu cầu các địa phương xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cũng như ưu tiên kinh phí để phát huy tốt giá trị các bảo vật. Cùng với đó là có nhiều chương trình quảng bá Bảo vật quốc gia gắn với việc tuyên truyền bảo vệ và phát huy giá trị hiện vật.

Tuy nhiên, công việc này chưa được thực hiện đồng đều nên bảo vật chưa phát huy được giá trị trong cộng đồng như mong muốn. Điều này khiến bảo vật phần nào chỉ có "sức sống" trên lý thuyết hay mỗi khi địa phương có kỳ cuộc, mà chưa thật sự được sống bền vững và có "tiếng nói" trong đời sống xã hội. Do đó, bảo vật phải được "sống", được lan tỏa giá trị trong cộng đồng là yêu cầu quan trọng hiện nay.

Muốn vậy, việc giới thiệu đến công chúng về những Bảo vật quốc gia phải là việc làm thường xuyên, liên tục. Bởi chỉ khi hiểu được giá trị, ý nghĩa của hiện vật, người dân mới có ý thức giữ gìn, lưu giữ và tìm cách trao truyền cho thế hệ sau.

Tùy thuộc bảo vật đang được lưu giữ ở đâu, theo cách thức nào mà chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có cách tuyên truyền riêng để bảo vật tự mình có thể nói lên giá trị của mình. Theo đó, với bảo tàng, những hoạt động trưng bày, giáo dục thông qua di sản cần được tăng cường đến nhiều tầng lớp nhân dân; đồng thời, có chương trình phục dựng những sự kiện, các tích sử liên quan đến bảo vật để làm hiện vật sống lại trong tiềm thức người xem... Còn với cơ sở thờ tự, di tích, cần tuyên truyền, có kế hoạch tổ chức các chương trình tôn vinh để người dân địa phương hiểu giá trị có một không hai của bảo vật... Khi người dân hiểu, chắc chắn việc lưu giữ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật sẽ huy động được sức dân cùng tham gia.

Thực tế, do còn nhiều khó khăn nên không phải bảo vật nào cũng được như Luật Di sản văn hóa yêu cầu là “bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”. Vì thế, mỗi địa phương dù chưa có kinh phí để triển khai ngay, nhưng cũng phải xây dựng được kế hoạch, chương trình bảo quản, lưu giữ hiện vật; có kịch bản để huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc bảo quản, gìn giữ, lan tỏa giá trị hiện vật trong đời sống cộng đồng ở mỗi địa phương.

Về lâu dài, bảo vật phải được lưu giữ theo đúng quy định pháp luật. Ngoài việc đầu tư thỏa đáng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo vệ, bảo quản thì ngay từ bây giờ, nguồn nhân lực phục vụ công tác này cần được quan tâm đào tạo để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cấp thẩm quyền, cơ quan chuyên môn cần có hướng dẫn cụ thể để các cơ sở lưu giữ, bảo quản hiện vật hiệu quả nhất.

Được lan tỏa vào đời sống xã hội, được "sống" trong tiềm thức cộng đồng thì giá trị của Bảo vật quốc gia mới thật sự có thể trường tồn và trao truyền được đến muôn đời sau.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/957856/giu-cho-muon-doi-sau