Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở Đá Bàn 2

Thôn Đá Bàn 2, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) chủ yếu là đồng bào Dao quần trắng sinh sống. Để bản sắc văn hóa không bị mai một, những người tâm huyết trong thôn đã thành lập Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Trong đó, duy trì nghề thêu, may trang phục truyền thống, tập luyện hát Páo dung và các điệu múa của dân tộc.

Các thành viên trong CLB tập múa.

Các thành viên trong CLB tập múa.

Là người khéo tay và có nhiều sáng tạo trong may trang phục truyền thống của dân tộc, bà Đặng Thị Thu, thành viên Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao thôn Đá Bàn 2 (CLB) chia sẻ, ngày trước, trang phục của người Dao quần trắng ít có các hoa văn trang trí, chỉ để thêu cũng không được đẹp và nhiều màu sắc như bây giờ. Vốn yêu thích nghề may từ xưa, nhưng do bận nhiều công việc, những năm gần đây, bà Thu mới có thời gian để tập trung cho việc may trang phục truyền thống và thêu trang trí trên trang phục.

Để có nguyên liệu đẹp cho bộ trang phục, bà đi chợ tận huyện Bắc Quang (Hà Giang) để mua vải, chỉ thêu. Một bộ trang phục của phụ nữ Dao quần trắng thường có quần, áo dài, yếm, khăn vấn đầu, khăn đội đầu, khăn quấn chân… Áo dài ngày nay đã cách điệu, ngắn hơn để trang phục gọn gàng và năng động hơn. Hoa văn trang trí được thêu nhiều màu sắc, chủ yếu ở dưới vai áo, đường chỉ tay, gấu tay áo, gấu áo tà trước và tà sau. Đai áo cũng được thêu rất cầu kỳ để tạo điểm nhấn cho bộ trang phục. Chiếc yếm mặc trong áo dài cũng chính là điểm nổi bật của trang phục với hoa văn độc đáo được thêu tỉ mỉ, cầu kỳ.

Chiếc khăn quấn đầu được thêu tỉ mỉ, cầu kỳ.

Chiếc khăn quấn đầu được thêu tỉ mỉ, cầu kỳ.

Bà Đặng Thị Quýt, Chủ nhiệm CLB cho biết, thấy trong thôn có người còn biết thêu, người biết hát, biết múa, nên mọi người bảo nhau cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, thôn đã đề xuất với xã thành lập CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Hiện CLB có 39 thành viên, trong đó có cả các thành viên là người ở thôn Đá Bàn 1. CLB sinh hoạt theo quý, không chỉ tập múa, hát, mà còn dạy thêu, may trang phục truyền thống.

Bà Đặng Thị Thu phấn khởi nói, trước đây, hầu như chỉ những người cao tuổi trong thôn mới có trang phục truyền thống, nhưng khi nghề thêu, may trang phục được gìn giữ, hoạt động của CLB được duy trì, thế hệ trẻ cũng có nhiều người học thêu, may trang phục hoặc tự mua cho mình một bộ để diện trong dịp lễ, Tết. Vì vậy, một số thành viên trong CLB không chỉ may trang phục cho con, cho cháu, mà còn may để bán cho những ai có nhu cầu. Qua đó, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Các thành viên trong CLB giữ gìn nghề thêu truyền thống.

Các thành viên trong CLB giữ gìn nghề thêu truyền thống.

Chị Lý Thị Xuân, thành viên CLB cho biết, chị được bà, mẹ dạy thêu từ nhỏ, nên tự tay may trang phục cho mình trong ngày cưới. Nhưng nhiều năm qua không thêu, may lại, giờ tham gia CLB chị lại được làm công việc mình yêu thích. Tranh thủ thời gian rỗi, chị lại may, thêu trang phục cho các con, các cháu trong gia đình. Các thành viên trong CLB hướng dẫn, học hỏi nhau, nên cách thêu, phối màu tinh tế hơn. Hoa văn, hình ảnh trên trang phục cũng phong phú, đa dạng hơn…

Nhìn các bà, các cô, các chị tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ để làm nên bộ trang phục truyền thống, rồi lại ngân vang những bài hát Páo dung, khéo léo trong điệu múa chuông, múa bát... đó chính là cách thiết thực nhất mà mỗi thành viên trong CLB đang góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở địa phương.

Huyền Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dan-toc-mien-nui/phong-tuc-tap-quan/giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-dao-o-da-ban-2!-183854.html