Giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc

Sáng 14/9, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi Bắc bộ năm 2023, bà Lồ Lài Sửu, Nghệ nhân ưu tú dân tộc Bố Y thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai kiến nghị Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đưa nội dung phổ biến ngôn ngữ, văn hóa dân tộc vào trường học và mời các nghệ nhân am hiểu văn hóa của từng dân tộc vào giảng dạy.

Bà Lồ Lài Sửu, Nghệ nhân ưu tú dân tộc Bố Y thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai phát biểu tại Hội nghị.

Bà Lồ Lài Sửu, Nghệ nhân ưu tú dân tộc Bố Y thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai phát biểu tại Hội nghị.

Nhắc tới việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa, bà Lồ Lài Sửu chia sẻ, hiện nay, một số nét đẹp văn hóa và các hình thức sinh hoạt như trò chơi dân gian và các bài hát dân ca có tình trạng lãng quên và mai một; các trang phục bị thay đổi, không còn nguyên vẹn so với đặc trưng văn hóa của vùng. Mặt khác, các em học sinh từ nhỏ đã làm quen với môi trường giáo dục hiện đại, tiếp xúc với tiếng Việt từ nhỏ nên ít có cơ hội tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ… Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nét đẹp văn hóa của dân tộc bị mất dần, vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đưa nội dung phổ biến ngôn ngữ, văn hóa dân tộc vào trường học và mời các nghệ nhân am hiểu văn hóa của từng dân tộc vào giảng dạy; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng việc vận động nhân dân dân tích cực, chủ động tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc.

Từ thực tế tại địa phương, bà Lồ Lài Sửu cho rằng, cần tiếp tục mở thêm các tuyến đường nội đồng và bê tông hóa đường giao thông nông thôn bởi vẫn còn một số tuyến đường nội đồng là do nhân dân tự mở bằng công cụ thô sơ với mong muốn để xe máy đi lại được dễ dàng. Tuy nhiên, những con đường tự mở này sẽ gặp khó khăn khi mưa lũ ập đến, việc vận chuyển của bà con đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

“Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm xóa nhà tạm cho hộ nghèo, tuy nhiên việc triển khai giải ngân còn chậm tiến độ nên đã gây khó khăn cho các hộ nghèo trong việc đối ứng kinh phí, vì vậy, Đảng, Nhà nước cần bố trí giải ngân kinh phí xóa nhà tạm kịp thời cho những hộ được phê duyệt danh sách”, bà Lồ Lài Sửu kiến nghị.

Đề cập tới lĩnh vực giáo dục, bà Lồ Lài Sửu cho biết, do ảnh hưởng của Nghị quyết 861 của Chính phủ và một số Nghị quyết khác, ở các xã về đích nông thôn mới không còn được hưởng các chính sách về giáo dục như: chính sách học sinh bán trú không được hỗ trợ trong khi đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; địa hình, khí hậu ảnh hưởng tới việc đi lại của các em học sinh khi khoảng cách di chuyển tới trường từ 6-7km. Bởi vậy, Đảng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bán trú cho học sinh để các em yên tâm đến trường.

Vũ Mạnh - Quang Vinh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giu-gin-bao-ton-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc-5728350.html