Giữ gìn đa dạng sinh học vùng Di sản

Được ví như 'bảo tàng địa chất ngoài trời', Quần thể danh thắng Tràng An có hệ sinh thái động thực vật phong phú, độc đáo. Việc bảo tồn, gìn giữ đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch bền vững là yêu cầu cấp bách, đặc biệt là trước những tác động của biến đổi khí hậu và tốc độ phát triển du lịch nhanh chóng như hiện nay.

Một góc Quần thể danh thắng Tràng An-Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Ảnh: Trường Huy

Một góc Quần thể danh thắng Tràng An-Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Ảnh: Trường Huy

Quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích 12.251 ha. Nơi đây có hệ thống hang động xuyên thủy gồm gần 100 hang khô và hang nước nối liền với nhiều thung ngập nước tạo nên sự tuyệt diệu khó nơi nào sánh được. Nơi đây được xem là "bảo tàng địa chất ngoài trời" với hệ sinh thái động thực vật phong phú.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, đa dạng sinh học nơi đây được thể hiện ở thành phần loài, nguồn gen với nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm. Về thực vật, đến nay đã thống kê được 134 họ với 384 chi, 577 loài, trong đó có tới 10 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ và 7 loài lần đầu tiên ghi nhận cho hệ thực vật Việt Nam. Ngoài ra còn có 311 loài thuộc 240 chi, 105 họ thực vật bậc cao có mạch, có thể dùng làm thuốc như bình vôi, vương tùng, kim ngân, hoàng nàn, mài núi, huyết giác…

Bên cạnh hệ thực vật phong phú, Tràng An cũng rất đa dạng về các loài động vật, trong đó, động vật thủy sinh gồm 30 loài nổi, 40 loài đáy. Động vật trên cạn chưa có thống kê đầy đủ nhưng hiện nay vẫn gặp nhiều loài động vật quý, hiếm như khỉ, sơn dương, cầy đổi màu, tê tê, tắc kè, rái cá, mèo rừng, sáo, vẹt, le le… Tại đây có loài rắn mào đầu, phượng hoàng đất và rùa cổ sọc được coi là những loài động vật rất quý, hiếm cần được bảo vệ.

Đồng chí Bùi Việt Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Với vị trí địa lý đặc biệt, là nơi giao thoa của nhiều loài động, thực vật, khu vực Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ của các loài và hệ sinh thái, tạo nên sự đa dạng sinh học cao mang tính đặc thù và tiêu biểu cho hệ sinh thái núi đá vôi của Việt Nam. Sự đang dạng sinh học đã tạo nên môi trường cảnh quan tươi đẹp, đóng góp quan trọng trong phát triển du lịch sinh thái cũng như nghiên cứu khoa học. Từ đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Người dân thu gom rác trên sông tại Thung Nắng, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Ảnh: Hoàng Hiệp

Người dân thu gom rác trên sông tại Thung Nắng, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Ảnh: Hoàng Hiệp

Để bảo tồn đa dạng sinh học ở di sản Tràng An, trong những năm qua, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn các giá trị sinh học, hạn chế tối đa những hoạt động có thể gây ra tác động xấu đến môi trường như: Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện kịp thời và xử lý những hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; nhân giống, tái thả một số loài đặc hữu, quý, hiếm để nuôi, trồng bổ sung, hạn chế nguy cơ tuyệt chủng.

Ngoài ra, Ban Quản lý phối hợp với các nhà khoa học khảo sát, nghiên cứu, đánh giá những địa điểm có giá trị đa dạng sinh học cao, tiến hành khoanh vùng quản lý, bảo vệ với điều kiện riêng. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ giá trị văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học của Tràng An.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, du lịch phát triển nhanh trong khi hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt trước những thách thức của tốc độ đô thị hóa, tác động của biến đổi khí hậu có thể kéo theo các hệ lụy về mặt kinh tế, xã hội và đặc biệt là ô nhiễm môi trường, suy giảm sinh thái trong khu vực Di sản. Trước tiên là việc đầu tư cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên của khu Di sản làm thay đổi cảnh quan, giảm giá trị cảnh quan, nơi ở của các loài sinh vật bị mất đi, thoái hóa đất.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh các dịch vụ du lịch tại khu Di sản đã làm xáo trộn cấu trúc xã hội, cuộc sống của cộng đồng địa phương, gia tăng áp lực đối với những loài bị đe dọa do hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, trong đó rừng nguyên sinh và rừng đặc dụng che phủ chiếm 30% tổng diện tích tại Quần thể danh thắng Tràng An. Ngoài ra, hoạt động du lịch tại khu Di sản sẽ phát sinh lượng lớn rác thải, nước thải, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, đe dọa môi trường sống của các loài động thực vật.

Để phát huy bền vững, hiệu quả giá trị đa dạng sinh học của Di sản phục vụ du lịch và phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương, công tác bảo tồn cần được các cấp, các ngành, địa phương, các khu, điểm du lịch và những người làm du lịch đặc biệt chú trọng.

Theo ông Lê Anh, đại diện khu du lịch sinh thái Tràng An, tiếp đón 1,2 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2024 là con số không nhỏ đối với khu du lịch. Song nhờ việc thường xuyên nâng cao nhận thức cho đội ngũ chèo đò và du khách; đồng thời duy trì tốt hiệu quả Tổ vệ sinh môi trường nên mặc dù lượng khách đông, song môi trường cũng như đa dạng sinh học tại khu du lịch luôn được đảm bảo. "Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là phấn đấu ghi tên vào bản đồ du lịch xanh của thế giới. Vì vậy bên cạnh nỗ lực của khu du lịch, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị trong việc triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, giữ gìn đa dạng sinh học tại đây", ông Lê Anh cho biết.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An Bùi Việt Thắng cho rằng, trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, đa dạng sinh học. Phát huy hiệu quả mô hình mỗi người dân là một hướng dẫn viên, tuyên truyền viên về bảo vệ Di sản và môi trường. Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tiến tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tiếp tục thực hiện điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường Di sản theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường để dự báo các tác động xấu, đưa ra các giải pháp phục hồi, bảo vệ, bảo tồn các giá trị của thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ ở khu vực Di sản.

Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giu-gin-da-dang-sinh-hoc-vung-di-san/d20240822082117618.htm