Giữ gìn danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới
Bộ đội Cụ Hồ dù lúc đầu là danh xưng, sau này trở thành danh hiệu. Càng vinh dự thì càng phải phấn đấu không ngừng, không được để những điều xấu ảnh hưởng đến danh tiếng của Bộ đội Cụ Hồ.
Quân đội ta là quân đội của dân, do dân, vì dân, từ Nhân dân mà ra, vì dân mà chiến đấu. Nơi nào khó khăn nhất, nơi nào dân cần là bộ đội có mặt. Danh xưng Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành danh hiệu của Quân đội ta. Sự tôn vinh của Nhân dân chính là sự tôn vinh thiêng liêng và cao quý nhất. Vậy trong tình hình hiện nay, khó khăn, thách thức nào đang đặt ra trong việc giữ gìn danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ và cần làm gì để tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới?
Bộ đội Cụ Hồ: Từ danh xưng đến danh hiệu
Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là hiện tượng độc đáo trong lịch sử, văn hóa Việt Nam. Trên thế giới, hiếm có một quốc gia, dân tộc nào mà nhân dân lại lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt tên cho người lính.
Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết “Tôi nhớ rằng, từ khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang của chúng ta là Bộ đội Ông Ké hay Bộ đội Ông Cụ một cách rất thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình, mà nhiều người lúc đó chưa biết tên. Có lẽ vì thế mà về sau, khi biết tên Người là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam, Nhân dân mới gọi là Bộ đội Cụ Hồ”. Như vậy, tên gọi Bộ đội Cụ Hồ đã xuất hiện từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc và lưu truyền cho tới ngày nay.
Theo nghiên cứu của các nhà sử học, cụm từ Bộ đội Cụ Hồ xuất hiện vào khoảng thời gian cuối năm 1945. Lúc đó, ở Hà Nội có 3 lực lượng mặc quân phục: Trước hết là bộ đội và tự vệ chiến đấu của quân ta. Thứ hai là quân Trung Hoa dân quốc và thứ ba là các phần tử, đảng phái phản động. Lúc đó lính Tưởng và bọn phản cách mạng đến chợ Đồng Xuân với thái độ ngông nghênh, trêu ghẹo phụ nữ, cướp giật, quỵt tiền của Nhân dân, ăn nói sàm sỡ trái ngược hoàn toàn với bộ đội và tự vệ của chúng ta. Vì thế những người dân ở chợ Đồng Xuân bảo với nhau cất giấu những thực phẩm tươi ngon xuống gầm bàn, khi nào Anh Bộ đội Cụ Hồ đến thì mới đưa ra. Như vậy, tên gọi Bộ đội Cụ Hồ được bà con tiểu thương ở chợ Đồng Xuân sử dụng để gọi những chiến sĩ trẻ, đội mũ ca-lô có quân hiệu tròn bằng nỉ màu đỏ, với ngôi sao vàng thêu bằng chỉ. Sau đó, cụm từ này càng được phổ biến trong Nhân dân Thủ đô Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng, Bộ đội Cụ Hồ chính là danh hiệu của quân đội ta. Bởi vì khi mà Nhân dân tôn vinh gọi một cách trìu mến đối với quân đội ta là Bộ đội Cụ Hồ thì đây chính là danh hiệu. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thể hiện sự đánh giá rất cao của Nhân dân ta đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi Nhân dân ta gọi quân đội ta là Bộ đội Cụ Hồ nhằm thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong tất cả các hoạt động, quân đội ta luôn sống, chiến đấu theo tấm gương phong cách Hồ Chí Minh. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đã thể hiện phẩm chất cao quý tốt đẹp của quân đội ta. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một hình thức tôn vinh cao quý của Nhân dân. Bộ đội Cụ Hồ dù lúc đầu là danh xưng, sau này trở thành danh hiệu, thể hiện bản chất tốt đẹp của quân đội ta, quân đội vì Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, vì dân mà phục vụ. Có thể nói rằng danh xưng Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành danh hiệu của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Còn theo Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, từ “chiến sĩ”, “bộ đội” có ngay từ khi chúng ta có quân đội. Lúc đó, chúng ta dùng từ chiến sĩ, từ bộ đội. Cụm từ “Bộ đội Cụ Hồ” rất cao quý. Và chúng ta có thể xác định, đầu tiên đây là cái tên, cái danh, và bây giờ nó đã là danh hiệu. Trong suốt các cuộc kháng chiến và cho đến bây giờ, có thể coi đó là danh hiệu cao quý. Như vậy, tên gọi Bộ đội Cụ Hồ xuất phát chính là từ Nhân dân. Nhân dân đã gọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta là Bộ đội Cụ Hồ.
Giữ gìn danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới: Khó hay dễ?
Tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam chứa đựng trong đó lõi cốt nhân cách văn hóa của người quân nhân. Tác giả của tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là nhân dân Việt Nam, thể hiện tình cảm, niềm tin của nhân dân với bộ đội. Đồng thời, Nhân dân cũng trao niềm vinh dự và trách nhiệm to lớn cho bộ đội khi quân đội được gắn với tên của vị lãnh tụ kính yêu của Đảng và dân tộc. Mặt khác, “Bộ đội Cụ Hồ” cũng đã đem lại niềm tin cho nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy trong tình hình hiện nay, khó khăn, thách thức nào đang đặt ra trong việc giữ gìn danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ?
Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh cho rằng, Nhân dân vinh danh Bộ đội Cụ Hồ, đó là đánh giá cả quá trình lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng danh hiệu cao quý đó không phải có rồi thì sẽ giữ được mãi mãi. Kể cả anh hùng, được phong anh hùng rồi có khi vẫn hư hỏng. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội hôm nay phải thấm nhuần danh hiệu cao quý này, để không ngừng phấn đấu, vươn lên. Đã là quân đội thì phải trung thành. Quân đội trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Thứ hai, quân đội phải giỏi để sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Càng vinh dự thì càng phải phấn đấu không ngừng, không được để những điều xấu ảnh hưởng đến danh tiếng của Bộ đội Cụ Hồ.
Mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động dữ dội đến đời sống xã hội, quân đội cũng không nằm ngoài phạm vi tác động đó. Điều này đặt ra những khó khăn, thách thức trong việc giữ gìn danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Thiếu tướng Hoàng Kiền cho rằng, kinh tế thị trường mang lại những giá trị vật chất, làm cho đời sống của nhân dân tốt hơn nhưng trong môi trường quân đội, vẫn phải thực hiện một chế độ chung. Nếu đã chấp nhận con đường binh nghiệp thì phải chấp nhận khó khăn, gian khổ, phải đi xa, đóng quân ở biên giới, hải đảo, không được gần gia đình, phải có sự hi sinh nhất định. Là Bộ đội Cụ Hồ thì phải là xác định tư tưởng chính trị, phải tiếp tục quán triệt để cho mọi cán bộ, chiến sỹ thông suốt, thấy được trách nhiệm của mình, nghĩa vụ của mình, thấy sự phấn đấu, hy sinh của mình.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, kinh tế thị trường là một hoàn cảnh đặc biệt. Nó đang tác động rất nhiều đến con người và tất cả các tầng lớp trong xã hội. Mọi ngành nghề trong xã hội đều chịu tác động của kinh tế thị trường, trong đó có cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Nguyễn Trãi từng viết thế này: “Non cao, non thấp mây thuộc. Cây cứng, cây mềm gió hay”. Chúng ta chú ý câu thứ hai. Cây cứng, cây mềm gió hay. Cây cứng hay mềm thì phải ở trong gió bão mới biết. Cho nên khi tiếp xúc với hoàn cảnh, nên nhớ rằng, con người cũng giống như cây trước gió bão. Nó phải thể hiện sự cứng cáp của nó. Có cứng hay mềm thì phải vào gió bão mới biết. Kinh tế thị trường là hoàn cảnh đặc biệt. Nó tác động đến con người nhưng không phải ai vào kinh tế thị trường cũng có thể bị thay đổi".
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, cán bộ và chiến sỹ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam cần rèn luyện bản lĩnh của người quân nhân cách mạng. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, chúng ta phải giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phải có lòng tự trọng, danh dự. Và đặc biệt là phải có bản lĩnh, có bản lĩnh thì sẽ vượt qua được những thách thức đến từ kinh tế thị trường. Con người trưởng thành không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Và luôn vững vàng trước những tác động trái chiều của kinh tế thị trường. Nói một cách cụ thể hơn, là cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường, phải vượt qua được những thách thức, những cám dỗ, những tác động trái chiều từ kinh tế thị trường đem đến.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/giu-gin-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-trong-thoi-ky-moi-post1067033.vov