Giữ gìn 'hồn cốt' đô thị
Việc quản lý, phân loại các căn biệt thự từ trước năm 1975 của TP Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn, do chưa có sự thực hiện đồng bộ giữa các sở, ngành, thủ tục pháp lý phức tạp. Nhiều biệt thự, công trình kiến trúc cổ dần biến mất theo tốc độ đô thị hóa của thành phố.
Việc quản lý, phân loại các căn biệt thự từ trước năm 1975 của TP Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn, do chưa có sự thực hiện đồng bộ giữa các sở, ngành, thủ tục pháp lý phức tạp. Nhiều biệt thự, công trình kiến trúc cổ dần biến mất theo tốc độ đô thị hóa của thành phố.
Theo UBND quận 1, địa phương có 230 căn biệt thự xây dựng từ trước năm 1975, trong đó có những căn hơn 100 năm tuổi, mang nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Tuy nhiên, qua rà soát, một số trường hợp đã bị sửa chữa, không còn là biệt thự cổ, một số công trình đã xây dựng thành công trình mới, một số đã tách chủ quyền. Để giữ lại những biệt thự cổ này, UBND quận 1 đang tiến hành rà soát lại các biệt thự cũ, báo cáo cụ thể từng trường hợp lên Viện Nghiên cứu phát triển và UBND thành phố Hồ Chí Minh để tìm hướng bảo tồn, duy tu, tránh bỏ sót hay xếp nhầm danh sách. Tương tự, quận 3 có 266 căn biệt thự cổ thuộc trục đường Tú Xương và khu T78. Đến nay, quận 3 đã phân loại 96 biệt thự trên địa bàn gồm: 40 biệt thự nhóm 1, 39 biệt thự nhóm 2, 17 biệt thự nhóm 3. Theo Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Thanh Bình, các công trình là biệt thự và có nguồn gốc biệt thự đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giải quyết cấp phép xây dựng, sửa chữa cải tạo trước đây đã phân chia biệt thự cho nhiều hộ sử dụng, có ranh giới và không gian không đồng nhất. Điều này vô tình đã phá vỡ hình thức sử dụng kiến trúc biệt thự, gây khó khăn trong việc bảo tồn cũng như xây dựng mới.
Không chỉ biệt thự, theo ông Bình, công tác bảo tồn các công trình thuộc cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn quận cũng gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, quận 3 đang có 12 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng. Và thời gian qua, quận cũng đưa tám công trình vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử bao gồm: Nhà nguyện Tòa tổng giám mục, Nhà thờ Tân Định, Nhà thiếu nhi, Bệnh viện Mắt, Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Chantarangsay, Mộ ông Binh bộ kiểm duyệt Ty thừa vụ lang họ Trần, Chùa Khánh Hưng. Trong quá trình xem xét công nhận di tích, ý kiến giữa các cơ quan nhà nước và chủ sở hữu các công trình chưa đồng nhất với nhau khiến các di tích chậm được bảo vệ.
Báo cáo mới nhất của Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) TP Hồ Chí Minh về kết quả giám sát việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố cho thấy, đến nay Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (thuộc Sở QHKT) đã tập hợp được danh sách khoảng 1.550 địa chỉ biệt thự cũ, tăng thêm 323 biệt thự so với danh sách ban đầu. Trong số này, trung tâm đã kiểm kê được 1.058 địa chỉ, chuyển 500 hồ sơ cho Hội đồng phân loại biệt thự để đánh giá phân loại theo Bộ tiêu chí. Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Thanh Nhã cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các khó khăn khi sắp xếp, phân loại biệt thự cũ, trong đó có trở ngại khi thực hiện khảo sát kiểm kê công trình. Lực lượng chức năng không được vào trong nhà, không được hợp tác. Một số trường hợp không thể xác định được vị trí do địa chỉ đã thay đổi so với danh sách địa phương cung cấp. Có hiện tượng chủ nhà tự ý phá hủy hoặc tháo dỡ công trình mà chưa được cơ quan chức năng cho phép, dẫn đến việc kiểm kê, đánh giá có sự thay đổi ở từng thời điểm. Đơn cử như thời điểm Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thực hiện kiểm kê công trình vẫn còn nhưng một thời gian sau hoặc thời điểm Hội đồng phân loại xem xét đánh giá thì công trình đã bị tháo dỡ.
Để làm tốt công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố, Sở QHKT đã kiến nghị UBND thành phố ban hành các cơ chế chính sách kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch. Đối với các biệt thự được phân loại vào nhóm 1 có giá trị và số lượng không nhiều, cần có chủ trương thu hồi hoặc trưng mua (nếu của tư nhân), nghiên cứu chính sách hỗ trợ về kinh phí duy tu, bảo dưỡng, giao đất với chế độ ưu đãi… Đồng quan điểm, PGS,TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia về đô thị học và quản lý đô thị cũng cho rằng, Nhà nước và tư nhân cần ngồi lại bàn phương án khai thác các biệt thự cần bảo tồn. Khi đó, biệt thự sẽ được giữ gìn mà người dân và Nhà nước đều kinh doanh có lợi. Việc hợp tác này không phải đơn lẻ mà cần liên kết trong một tổng thể chung. Tức là đặt các biệt thự vào trong chuỗi phát triển, chuỗi du lịch, theo kiểu giới thiệu các khu vực theo từng tuyến nội dung. “Một thành phố không có các di sản, di tích thì giống như khuôn mặt người không có nếp nhăn và như con người không ký ức”, do vậy chúng ta phải giữ lấy hồn cốt ấy.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/giu-gin-hon-cot-do-thi-617942/