Giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của tết Trung thu

Đối với trẻ em, Trung thu là dịp được vui đùa cùng 'chị Hằng, chú Cuội', ăn bánh trung thu, phá cỗ, được tặng lồng đèn đầy sắc màu. Tết Trung thu cũng thể hiện ý nghĩa trẻ em được người lớn yêu thương, được vui chơi và hiểu về nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Cô Diễm An hóa thân thành chị Hằng được các em nhỏ yêu thích

Cô Diễm An hóa thân thành chị Hằng được các em nhỏ yêu thích

Cô giáo hơn 20 năm đóng vai “chị Hằng”

Tết Trung thu đối với cô Phạm Thị Diễm An, giáo viên trường Mầm non Hoa Mai (Tân Biên) là những lần hóa thân thành nhân vật chị Hằng, để được vui chơi, giao lưu cùng các bạn thiếu nhi.

Cô Diễm An kể, năm lớp 4 trong một lần dự thi cuộc thi “Kể chuyện sách” do Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh tổ chức năm 1998, cô tham gia với câu chuyện “Sự tích mặt trăng”, qua nội dung của câu chuyện, cô đặc biệt ấn tượng với nhân vật chị Hằng.

“Năm học lớp 6, tôi được mẹ giao đi phát bánh trung thu cho các em nhỏ ở trường mẫu giáo, nơi mẹ dạy. Mẹ đã tự tay may cho tôi chiếc váy xinh xắn, tôi mặc vào và xuất hiện với vai chị Hằng. Tôi vô cùng thích thú khi được các em nhỏ yêu mến, quấn quýt theo sau.

Cho dù bây giờ cuộc sống đã hiện đại, tiện nghi và sung túc hơn xưa, nhưng đối với tuổi thơ của các em nhỏ vẫn vẹn nguyên câu chuyện trên cung trăng, có chị Hằng, chú Cuội. Đó là vùng trời tuổi thơ tươi đẹp với những điều kỳ bí, lung linh. Có lẽ vì vậy mà tôi đã gắn bó với vai diễn chị Hằng trong suốt hơn 20 năm qua”– cô Diễm An bộc bạch.

Trong ngần ấy năm làm "chị Hằng", cô Diễm An đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, vui có, buồn có và cả những vất vả, gian nan. Cô phải thu xếp việc trường lớp, gia đình, sắp xếp các điểm đến sao cho hợp lý nhất, vì các cơ quan, đơn vị đều tổ chức trung thu cùng giờ, cùng ngày. Cho nên việc sắp xếp chu toàn, hài hòa là một việc rất khó khăn. Thế nhưng cô luôn được gia đình ủng hộ, động viên, để cô có thể hoàn thành tròn vai diễn của mình.

Cô Diễm An đóng vai chị Hằng trong chương trình “Vui hội trăng rằm”

Cô Diễm An đóng vai chị Hằng trong chương trình “Vui hội trăng rằm”

“Mẹ là người truyền cảm hứng và chỉ dạy tôi, ông xã khi thì ở sau hậu đài chăm lo âm nhạc, hiệu ứng, đạo cụ, phục trang; là nguồn cổ vũ mạnh mẽ để tôi làm tốt vai trò chị Hằng trong những đêm trung thu”- cô Diễm An tâm sự.

Anh Lê Chí Hiếu (chồng của cô Diễm An) cho biết: “Mỗi dịp tết Trung thu, tôi luôn đồng hành cùng vợ, đôi khi làm bạn diễn, vợ đóng vai chị Hằng, tôi đóng vai chú Cuội, cùng nhau hoạt náo, giao lưu với các em thiếu nhi”.

“Cô Diễm An đóng vai chị Hằng rất xinh đẹp và dễ thương. Mỗi khi lên sân khấu biểu diễn, cô luôn chăm chút, chuẩn bị trang phục kỹ lưỡng, trang điểm cho chúng con trước khi lên sân khấu. Con rất yêu quý cô, con mong cô có thật nhiều sức khỏe, ngày càng xinh đẹp để mỗi mùa trung thu đến, cô lại hóa thân thành nhân vật chị Hằng”- bé Vũ Đoàn Phương Vy, học sinh lớp 5D, trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP. Tây Ninh chia sẻ.

Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Mặc dù đời sống ngày nay đã có nhiều thay đổi, nét đẹp văn hóa truyền thống trong tết Trung thu cũng khác xưa, nhưng có một điều không thể thay đổi, đó là những chiếc đèn lồng ông sao, đèn kéo quân, là tiếng trống lân rộn ràng, là những chiếc bánh trung thu truyền thống…

Những ngày qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình trung thu cho các em thiếu nhi, như: Mùa trăng biên giới (ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, Tân Châu), Vui hội trăng rằm (phường 3, TP. Tây Ninh), Vui tết Trung thu (xã Thanh Điền, Châu Thành)… trong đó có sự góp sức của các nhà hảo tâm, cùng nhau trao tặng những phần quà, bánh trung thu, học bổng cho trẻ em, đặc biệt là các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Các em học sinh trường Tiểu học Tân Đông (Tân Châu) vui tết trung thu

Các em học sinh trường Tiểu học Tân Đông (Tân Châu) vui tết trung thu

Việc chăm lo cho trẻ em nghèo vui trung thu ngày càng lan tỏa, từ các cơ quan, địa phương cho đến các nhóm từ thiện xã hội. Hầu hết các đoàn, nhóm từ thiện đã vận động, đóng góp chi phí, hiện vật cho trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Bà Nguyễn Thị Kim Phương- Chủ nhiệm CLB Dân vũ, trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh chia sẻ: “Hòa cùng ngày vui của thiếu nhi, Câu lạc bộ trao tặng 100 chiếc lồng đèn ngôi sao, 300 bánh trung thu, 300 ổ bánh mì đến trẻ em ấp Tầm Phô. Nếu có dịp chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng trẻ em vùng biên”.

Báo Dân trí tặng quà trung thu và học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Tây Ninh

Báo Dân trí tặng quà trung thu và học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Tây Ninh

“Chúng tôi mang đến ngày hội trăng rằm những chiếc bánh trung thu do đội ngũ Nha khoa Tây Ninh tự tay làm, mong muốn các bạn nhỏ biên giới có một mùa trung thu trọn vẹn, được phá cỗ cùng chú Cuội và chị Hằng”- chị Trần Thị Thanh Thủy, Quản lý Nha khoa Tây Ninh bày tỏ.

Hoàng Yến

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/giu-gin-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cua-tet-trung-thu-a178753.html