Giữ gìn nét văn hóa ngày Xuân

Tết Nguyên đán còn gọi là Tết âm lịch, Tết cổ truyền, đánh dấu kết thúc chu kỳ 1 năm. Đây không chỉ là ngày lễ quan trọng trong năm mới, mà còn là dịp để người dân tôn vinh những giá trị truyền thống, gắn kết gia đình và xã hội.

Học sinh hào hứng ở góc triển lãm sách

Học sinh hào hứng ở góc triển lãm sách

Tất bật với công việc ngày cuối năm, nhưng chị Nguyễn Thanh Vân (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) vẫn thu xếp dẫn con đi dạo chợ. Với chị, những thói quen nhỏ trong nếp sống gia đình, đặc biệt vào những ngày lễ, Tết cũng có giá trị giáo dục con cháu. “Nhớ hồi nhỏ, mỗi năm phải đợi Tết đến tôi mới được sắm đồ mới. Cảm giác mong chờ đếm từng ngày để được thử áo mới đặc biệt khó tả! Tôi dẫn các con đi dạo chợ, mua đồ mới, chọn hoa đẹp về trưng nhà, rồi cả gia đình gói bánh tét, cuốn chả giò, làm dưa món… để tận hưởng không khí Tết về. Những khoảnh khắc đó, người già hay kể “chuyện đời xưa”, nhắc cho con cháu hiểu về một thời khó khăn, dạy dỗ các lễ nghi đầu năm mới, những chuyện nên và không nên làm” - chị Vân chia sẻ.

Không chỉ những người thuộc thế hệ như chị Vân quan tâm đến chuyện gìn giữ văn hóa của Tết xưa, mà giữa dòng chảy của nhịp sống hiện đại, những giá trị truyền thống dường như luôn được trân trọng và phục hồi. Theo dõi các hội thi dành cho trẻ em, anh Phạm Thành An (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) dành thời gian “ôn bài”, tìm hiểu các thông tin cùng con trai để tham gia các sân chơi ngày Xuân do trường và Thư viện tỉnh tổ chức. Anh cho biết rất thích những hội thi này, vì nội dung các sân chơi gần gũi, thiết thực cho học sinh. Qua các câu chuyện kể, bài hát, bài thơ, các em hiểu rõ hơn ý nghĩa của bánh tét, lễ dựng nêu, hạ nêu, cúng ông Táo, cúng Giao Thừa, tục xin chữ, tục lì xì, đi chùa đầu năm… Không gian văn hóa nghệ thuật như biểu diễn âm nhạc, múa lân, múa rồng, hội chợ Tết, đờn ca tài tử… Cả những sắc màu đặc trưng của hầu hết đồ vật ngày Tết như đỏ, vàng, xanh đều có yếu tố văn hóa trong đó.

Năm nào cũng vậy, giáp Tết, nhận diện đầu tiên là chợ hoa xuống phố, chợ quê đông hơn, cảnh bày trí khắp nơi lộng lẫy, tiếng trống lân thùng thình, tạo không khí nôn nao lòng người. Tết được gìn giữ qua những bộ áo dài truyền thống, khi các bạn trẻ đua nhau chụp ảnh đầu năm. Tết được tái hiện bức tranh quê thân thuộc với cuộn rơm, cây chuối, tràng pháo, hàng bông vạn thọ, ông Địa, ông Lân. Tết như níu kéo mọi người xích lại gần nhau quanh bàn tặng chữ thư pháp, gian hàng truyền thống tổ chức trong trường học, các cơ quan… Mong muốn giữ gìn không gian Tết xưa, những năm gần đây, một số cơ quan, đơn vị, trường học thường tổ chức các hoạt động đón Tết ý nghĩa, đậm sắc màu văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ thêm hiểu biết và trân trọng nét đẹp lâu đời của dân tộc.

Hội thi viết chữ thư pháp ngày Xuân

Hội thi viết chữ thư pháp ngày Xuân

Dù Tết nay đã có nhiều điểm khác biệt so với Tết xưa bởi tính thời đại, nhưng nét cổ truyền vẫn hiện hữu trong mọi nếp sống, nét sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, có rất nhiều chuỗi hoạt động trải nghiệm như ngày hội lớn. Từ trang trí cây hoa mai, hoa đào, gói bánh tét, trang trí mâm ngũ quả, sáng tạo thiệp chúc Tết, sinh hoạt trò chơi dân gian, thiết kế họa tiết trên áo dài truyền thống, triển lãm sách… luôn thu hút đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi tham gia. Ý nghĩa hơn, ngày Tết hầu như ai cũng mong ước có được cuộc sống ấm no, đủ đầy để khởi đầu năm mới thêm nhiều động lực và niềm tin. Những ngày này, nơi đâu cũng tổ chức các hoạt động từ thiện, san sẻ khó khăn với người nghèo, từ những phần quà nhỏ như thực phẩm, bánh, gạo, đến những công trình giá trị như nhà ở, phương tiện sinh kế. Nghĩa cử cao đẹp trao nhau, vun đắp và lan tỏa tình người, tình cảm trong cộng đồng.

Với người Việt, ngày Tết vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, trào dâng cảm xúc của những người con xa gia đình, xa quê hương, chờ đợi giây phút đoàn viên. Ngày nay, công nghệ hiện hữu ở mọi nơi, thời gian gắn kết thật sự của mọi người cũng ít hơn, thì những giây phút ôn lại truyền thống càng thêm quý giá. Câu chuyện làm thế nào để giữ được nét truyền thống ngày Tết cổ truyền mà vẫn phù hợp với dòng chảy thời đại là điều mà nhiều người quan tâm, bày tỏ quan điểm. Nhưng đáng mừng là, khi những giá trị tốt đẹp được khơi dậy, tái hiện, có không gian sinh hoạt phù hợp, thì thế hệ nào cũng luôn trân trọng đón nhận và mong muốn giữ gìn.

Có người hoài niệm Tết xưa, có người háo hức với những điều mới lạ của Tết hiện đại. Tết vẫn mang ý nghĩa đặc biệt, là dịp để con người hướng về cội nguồn, gắn kết với gia đình, bè bạn và cùng nhau đón chào năm mới an lành, hạnh phúc.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/giu-gin-net-van-hoa-ngay-xuan-a413818.html