Giữ gìn nghề làm trang phục truyền thống

Đồng bào Dao Tiền ở bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, đang chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua phong tục, tập quán và nghề làm trang phục truyền thống.

Phụ nữ bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, thêu họa tiết trên vải.

Phụ nữ bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, thêu họa tiết trên vải.

Bản Suối Lìn hiện có 184 hộ, trong đó đồng bào Dao Tiền chiếm đa số với 143 hộ. Đến bản, dễ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ ngồi quây quần thêu trang phục dân tộc, thể hiện qua đôi bàn tay khéo léo.

Bà Bàn Thị Phong, bản Suối Lìn, chia sẻ: Con gái Dao Tiền ai cũng phải biết thêu trang phục dân tộc. Khi đi lấy chồng, mỗi người phải có từ 4 - 5 bộ. Để hoàn thành một bộ trang phục cần thời gian từ 2 - 3 tháng. Trang phục được làm thủ công hoàn toàn, từ thêu áo, khăn đội đầu, vẽ hoa văn bằng sáp ong trên váy. Một bộ trang phục hoàn chỉnh sẽ gồm: Áo, váy, khăn đội đầu, thắt lưng, vải quấn chân.

Qua tìm hiểu, trang phục của đồng bào Dao Tiền có hai kiểu: Trang phục mặc ngày thường và trang phục mặc vào những ngày lễ, tết. Hai trang phục đều có màu xanh đen làm chủ đạo và được gắn các đồng xu nhỏ. Trang phục mặc ngày lễ, tết thì áo được thêu nhiều hoa văn hơn với các loại chỉ có các màu hồng, trắng, đen và vàng; đối với trang phục ngày thường sẽ được thêu đơn giản hơn với các sợi chỉ màu đỏ, trắng vàng và đen. Váy của đồng bào dân tộc Dao Tiền được tạo hình hoa văn toàn bộ bằng sáp ong trên vải. Đặc biệt “Nghệ thuật tạo hoa văn trên vải của dân tộc Dao” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo chia sẻ của những phụ nữ Dao Tiền ở Suối Lìn, để tạo hoa văn, vải phải được là phẳng, khi in, sáp ong mới ngấm đều và đẹp, không bị loang. Sáp ong được dùng để vẽ phải đun nóng và có độ loãng vừa phải, nếu loãng quá thì khi in hoa văn lên vải sẽ bị nhòe, còn đặc quá thì sáp không ăn vào vải. Sau khi vẽ xong, chờ sáp ong khô rồi mới đem tấm vải đi nhuộm chàm từ 4 đến 5 lần để ra được màu chàm như ý.

Tiếp đó, tấm vải được nhúng vào nước sôi khiến cho sáp ong tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm. Những tấm vải in hoa văn sáp ong với các biểu tượng như đường lên xuống, tượng trưng cho đồi núi và hình các đồng xu hình tròn được phụ nữ Dao Tiền sử dụng để khâu váy; tuy nhìn đơn giản nhưng lại mang nét văn hóa rất độc đáo.

Chị Bàn Thị Lan, bản Suối Lìn, cho biết: Trang phục của chúng tôi phần áo chỉ thêu hoa văn ở tay áo và viền xung quanh áo. Khó nhất khi làm trang phục là phần thêu hoa văn trên vải bó chân, bởi hoa văn phần vải bó chân được thêu bằng chỉ màu đen sợi nhỏ, đòi hỏi người thêu phải làm tỉ mỉ, khéo léo để tránh bị nhầm lẫn các bước.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Dao Tiền, năm 2023, bản Suối Lìn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ xây dựng Nhà bảo tồn văn hóa dân tộc Dao. Đồng thời, hướng dẫn duy trì các phong tục tập quán tốt đẹp, như: Lễ cấp sắc, lễ rước dâu, giữ nghề truyền thống...

Dù có tác động từ cuộc sống hiện đại, nhưng nghề làm trang phục truyền thống vẫn đang được phụ nữ trong bản Suối Lìn duy trì và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, thu hút các hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương.

Bài, ảnh: Phạm Hoa (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/giu-gin-nghe-lam-trang-phuc-truyen-thong-RqVHPZsIg.html