Giữ gìn, tiếp nối truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn'

Những năm qua, các hoạt động 'đền ơn đáp nghĩa' đầy tính nhân văn đã trở thành nét đẹp tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội; từ đó góp phần giữ gìn, tiếp nối truyền thống 'uống nước nhớ nguồn' đến tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”; “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.

Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” đầy tính nhân văn đã trở thành nét đẹp tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” đầy tính nhân văn đã trở thành nét đẹp tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ghi nhớ lời căn dặn của Người, để giúp học sinh hiểu thêm về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thời gian qua, Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) đã triển khai đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh.

Đặc biệt, cứ mỗi dịp tháng 7, nhà trường lại tổ chức dâng hương; thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng; thăm hỏi, tặng quà các gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác, cũng như đã nghỉ hưu có người thân là liệt sĩ, thương bệnh binh có công với Cách mạng… Qua những buổi thăm hỏi, những câu chuyện xúc động về tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường, bất khuất của “Bộ đội Cụ Hồ” cùng những cống hiến thầm lặng của các gia đình chiến sĩ được kể lại chân thực, sinh động, từ đó giúp mỗi người thấm thía hơn về giá trị của những mất mát, hi sinh trong chiến tranh…

Khi tới thăm gia đình thầy giáo Phan Cự Đại (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ), thầy trò nhà trường được thầy tặng một món quà quý giá - đó là trang hồi kí về những ngày không thể nào quên trong quân ngũ của thầy. Trang hồi kí được thầy viết cẩn thận, kể lại câu chuyện về một cậu học trò lớp 10 năm ấy, viết đơn tình nguyện ra chiến trường cùng với ký ức về khoảnh khắc cái chết tưởng như cận kề nhưng lý tưởng cách mạng, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ và tình đồng chí đồng đội chính là điểm tựa cho người lính vượt qua hiểm nguy, gian khó...

Đại diện Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn Trường THCS Nguyễn Công Trứ thăm hỏi, tặng quà các gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác cũng như đã nghỉ hưu có người thân là liệt sĩ, thương bệnh binh có công với Cách mạng.

Đại diện Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn Trường THCS Nguyễn Công Trứ thăm hỏi, tặng quà các gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác cũng như đã nghỉ hưu có người thân là liệt sĩ, thương bệnh binh có công với Cách mạng.

Trang hồi kí của thầy Đại có đoạn: “Lúc ấy tôi đang học lớp 10 (tức là lớp 12) cũng háo hức được gia nhập quân đội, xong không thấy gọi nhập ngũ, tôi quyết định viết một lá thư bằng máu gửi khu đội Ba Đồng, tình nguyện lên đường ra chiến trường. Và tháng 12/1965 ước nguyện ấy trở thành hiện thực”. Hay “Và một lần đơn vị hành quân đi công tác, tôi đã bị một quả mìn nổ rất gần, tiếng nổ và tia chớp khủng khiếp bao trùm lên toàn thân thể. Quần áo rách toang, người be bét máu, tự nhiên từ bản năng tôi kêu lên: Mẹ ơi! Con chết rồi… và tôi đã nằm xuống trên mảnh đất đầy bom đạm, rồi anh em cho tôi lên cáng đưa về phía sau. Tôi lơ mơ thấy đồng đội mở cáng ra xem và nói: Thằng Đại chết rồi… Nhưng sức mạnh của tuổi trẻ đã cho tôi giành lại sự sống, rồi tôi được đưa ra Bắc an dưỡng với vô vàn vết thương, mất 61% sức khỏe.”

Đọc những dòng chữ ấy, thầy trò nhà trường đã hiểu thêm về những thử thách, những nỗi đau mà người lính trong chiến tranh phải đối mặt, đồng thời thêm cảm phục lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì Tổ quốc.

Bây giờ, trở về trong cuộc sống đời thường, thầy giáo Phan Cự Đại chia sẻ: “Tôi vẫn biết ơn cuộc đời và luôn tâm niệm “Hãy sống tốt đẹp xứng đáng với những người đã hy sinh cho chúng ta có được ngày hôm nay”. Trong đó có rất nhiều người bạn, đồng đội thân yêu của tôi. Cầu chúc cho linh hồn của các bạn được thanh thản nơi vĩnh hằng. Chiến tranh đã đi qua, nhưng tôi mong rằng, các thế hệ trẻ hãy đừng bao giờ quên về một quá khứ đau thương và vô cùng oanh liệt của cha anh để luôn luôn phấn đấu tu dưỡng, trở thành người có phẩm chất đạo đức, có ích cho Tổ quốc”.

Tương tự, vào tháng 7 hằng năm, Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) đều tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ; tổ chức trao tặng quà đến gia đình, giáo viên, nhân viên nhà trường là vợ, con của liệt sĩ, thương binh… Tại buổi gặp mặt, tặng quà, lãnh đạo nhà trường đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh xương máu và cống hiến cho sự nghiệp bảo về đất nước của người thân trong gia đình giáo viên, nhân viên; qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền, công đoàn tới giáo viên, nhân viên nhà trường.

Thông qua các hoạt động nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Thông qua các hoạt động nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Trường Tiểu học Đống Đa (quận Đống Đa) cũng tổ chức chuỗi hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn phường và các gia đinh cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường là con thương binh, liệt sĩ với tình cảm chân thành và sự tri ân sâu sắc.

Theo cô giáo Lê Anh Vân (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa), ngày 26/7, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, phụ huynh của trường đã tham dự Lễ dâng hương tri ân tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm liệt sĩ cùng các đoàn thể chính trị xã hội phường Kim Liên trong khí trang nghiêm và tấm lòng thành kính. Bên cạnh đó, nhà trường đã kết hợp cùng Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Kim Liên tới thăm hỏi, động viên và tặng quà tri ân 17 gia đình chính sách tiêu biểu, gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn phường.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm chia sẻ, động viên các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ; thể hiện tấm lòng tri ân đối với thế hệ đi trước đã hi sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước; đồng thời giáo dục lòng biết ơn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” cho các thế hệ. Thông qua hoạt động cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Đại diện Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) đến thăm và tri ân thầy giáo Nguyễn Đạo Thành.

Đại diện Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) đến thăm và tri ân thầy giáo Nguyễn Đạo Thành.

Tại Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình), vừa qua, thay mặt tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, Ban Giám hiệu cùng Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường đã đến thăm hỏi, kính chúc sức khỏe và động viên 3 thầy cô giáo - nguyên là giáo viên nhà trường, đồng thời cũng là những thương, bệnh binh hoặc đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là: Thầy giáo Nguyễn Đạo Thành (nguyên giáo viên Tổ Tự nhiên 1), cô giáo Lê Thị Bích Đào (nguyên giáo viên Tổ Xã hội) và thầy giáo Nguyễn Văn Thuyên (nguyên giáo viên Tổ Tự nhiên 1).

Trong không khí đầm ấm, các cán bộ, giáo viên nhà trường ai cũng rưng rưng niềm xúc động khi được nghe các thầy cô kể lại quãng thời gian tham gia cách mạng trong quân đội và sự hy sinh cống hiến của những anh hùng liệt sĩ.

Dù chỉ là việc làm nhỏ, nhưng đã thể hiện sự quan tâm của Trường THCS Thành Công tới các thế hệ nhà giáo đi trước, có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; từ đó góp phần giáo dục lòng biết ơn, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường.

Thấm nhuần truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn quan tâm đến công tác “đền ơn đáp nghĩa” đối với các nhà giáo là thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, góp phần bù đắp, sẻ chia phần nào những đau thương, mất mát chiến tranh gây ra.

Đây vừa là tình cảm, sự tri ân, vừa là trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong ngành đối với các thế hệ nhà giáo đi trước, có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giu-gin-tiep-noi-truyen-thong-uong-nuoc-nho-nguon-174258.html