Giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa trong trường học

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhiều năm nay, các đơn vị trường học trên địa bàn chú trọng giáo dục truyền thống cho học sinh bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao ý thức cho các em trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi sau tiết 2, học sinh Trường PTDT nội trú tỉnh nhanh chóng tập trung tại sân trường, xếp hàng ngay ngắn, chuẩn bị cho hoạt động thể dục giữa giờ. Tuy nhiên, thay vì thực hiện bài thể dục, các em học sinh khoác trên mình những bộ trang phục dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường, Khơ Mú…, tự tin, say sưa thể hiện từng động tác "Vũ điệu kết đoàn" uyển chuyển, tinh tế, vừa khỏe khoắn, sinh động và đẹp mắt.

Hoạt động thể dục giữa giờ bằng bài múa "Vũ điệu kết đoàn" của Trường PTDT nội trú tỉnh.

Hoạt động thể dục giữa giờ bằng bài múa "Vũ điệu kết đoàn" của Trường PTDT nội trú tỉnh.

Em Lò Thị Ngọc Lê, Lớp 11C, Trường Trường PTDT nội trú tỉnh, phấn khởi: Mỗi lần được mang trên mình trang phục truyền thống của dân tộc Thái, em thấy rất tự hào. Ngoài “Vũ điệu kết đoàn”, chúng em còn được học và thể hiện các điệu xòe Thái, điệu múa au eo của người Khơ Mú và múa hái bông của người Mường…, giúp chúng em thêm yêu mến, trân trọng bản sắc của dân tộc mình cũng như hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc khác của các dân tộc trên địa bàn.

Chị Hoàng Thị Ngọc, Bí thư Đoàn Trường PTDT nội trú tỉnh, thông tin: Từ năm học 2022-2023, nhà trường bắt đầu triển khai hoạt động thể dục giữa giờ bằng bài múa đồng diễn “Vũ điệu kết đoàn”. Qua đó, giúp học sinh nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc tại địa phương.

Hiện nay, Trường PTDT nội trú tỉnh có gần 800 học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Xinh Mun, Khơ Mú, Kháng, La Ha, Dao... Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo đời sống, vật chất cho học sinh, nhà trường luôn tạo điều kiện để các em thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thầy Nguyễn Danh Tân, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú tỉnh, cho biết: Hằng năm, nhà trường tổ chức các hội thi trang phục dân tộc, hội trại văn hóa, hội thi trưng bày các gian hàng truyền thống; thành lập CLB sáo Mông, CLB di sản văn hóa; phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức tham quan, trải nghiệm, mở các lớp truyền dạy di sản văn hóa các dân tộc… Qua đó, vừa giúp học sinh gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, vừa xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, đoàn kết.

Học sinh Trường PTDT nội trú tỉnh tham gia lớp truyền dạy di sản văn hóa các dân tộc.

Học sinh Trường PTDT nội trú tỉnh tham gia lớp truyền dạy di sản văn hóa các dân tộc.

Còn tại Trường Đại học Tây Bắc, hơn 20 năm qua, nhà trường luôn duy trì việc học sinh, sinh viên mặc trang phục dân tộc vào thứ năm hằng tuần, những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, là tiêu chí đánh giá công tác thi đua giữa các lớp. Bên cạnh quy định mặc trang phục, sinh viên nhà trường còn được trang bị những kiến thức thông qua học phần “Văn hóa Tây Bắc” gồm 2 tín chỉ với 30 tiết. Đây là học phần tự chọn chung cho các chương trình đào tạo của nhà trường, sinh viên được tìm hiểu, nghiên cứu và thuyết trình về các chủ đề, gồm địa danh văn hóa, lịch sử nổi tiếng của vùng Tây Bắc; dân số và địa bàn phân bố các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc; các ngành nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực Tây Bắc và một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc.

Sinh viên trường Đại học Tây Bắc mặc trang phục dân tộc vào thứ năm hằng tuần.

Sinh viên trường Đại học Tây Bắc mặc trang phục dân tộc vào thứ năm hằng tuần.

Tại Trung tâm nghiên cứu văn hóa các dân tộc, Trường Đại học Tây Bắc thiết kế phòng trưng bày, lưu giữ các trang phục thiểu số tỉnh Sơn La và các vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La, là nơi sinh viên được tham quan, trải nghiệm thực tế.

Em Vũ Thị Huyền Trang, lớp K62, Đại học sư phạm tiếng Anh B, Trường Đại học Tây Bắc, chia sẻ: Em là người dân tộc Kinh, nhưng khi được tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm về các trang phục dân tộc, chúng em còn trao đổi trang phục với các bạn trong lớp. Khoác lên mình bộ trang phục truyền thống với hoa văn, màu sắc đặc trưng riêng biệt của bạn học là dân tộc Mông, em thấy rất trân trọng sự tỉ mỉ, cẩn trọng của của người phụ nữ Mông khi làm ra bộ trang phục.

Bằng việc đưa giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp với đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, các hoạt động của nhà trường đã góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương, giúp các em tự tin, tự hào về bản sắc, truyền thống của dân tộc mình.

Thu Trà

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/giu-gin-truyen-thong-ban-sac-van-hoa-trong-truong-hoc-BtnrjCISg.html