Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm hơn 30% dân số. Những năm qua, Sóc Trăng luôn được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó có bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc thành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nhằm ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện tốt chính sách dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Đội ghe ngo chùa Tum Núp (Châu Thành) đã được tân trang (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: TRƯƠNG PHOL

Đội ghe ngo chùa Tum Núp (Châu Thành) đã được tân trang (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: TRƯƠNG PHOL

Châu Thành là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 48,7%. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho đồng bào sinh hoạt các hoạt động văn hóa, thể thao theo truyền thống, đúng pháp luật. Ông Thạch Rít - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Thành cho biết: “Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm đến công tác quản lý nhà nước và di sản văn hóa; hệ thống thiết chế văn hóa gắn với công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; quan tâm phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn huyện. Theo đó, trên địa bàn huyện có 1 chùa được tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh đó là chùa Bốn Mặt (xã Phú Tân) và Lễ that Kon (xã phú Tân) được huyện tổ chức hàng năm theo phong tục đồng bào Khmer (năm nay do tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp cho nên đã ngưng tổ chức)”.

Hiện toàn tỉnh có 14 di tích lịch sử của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 10 di tích lịch sử của đồng bào Khmer (chùa Phật giáo Nam tông Khmer) và 4 di tích lịch sử của đồng bào Hoa; 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận gồm: Nghệ thuật sân khấu dù kê, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm, nghệ thuật trình diễn dân gian múa rom vong, nghệ thuật sân khấu rô băm; các lễ hội phong tục tập quán và lễ hội tôn giáo được tổ chức đúng theo quy định và truyền thống.

Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sôi động, thiết thực chào mừng các ngày lễ của đồng bào Khmer, kỷ niệm và các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh và của đất nước. Nay do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 lây lan cho nên các hoạt động này đã tạm ngưng hoạt động.

TRƯƠNG PHOL

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-50777.html