Giữ gìn và phát huy tín ngưỡng hầu Đức Thánh Trần

Theo cuốn Thần tích Thần sắc Hà Nam, các di tích thờ Trần Hưng Đạo phổ biến ở xứ Nam và xứ Đông Bắc Bộ, trong đó các di tích nổi tiếng, như: đền Cố Trạch (nằm trong quần thể các đền thờ nhà Trần tại phường Lộc Vượng, TP Nam Định (Nam Định); đền Trần Thương, Xã Trần Hưng Đạo, Lý Nhân (Hà Nam); đền Kiếp Bạc, Xã Hưng Đạo, TP Chí Linh (Hải Dương) và đền Thánh (nằm trong khu đền thờ và lăng mộ các vua Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Đây đều là các di tích cấp quốc gia đặc biệt. Các di tích thờ Trần Hưng Đạo cùng gia quyến và các bộ tướng của ông chính là nhằm tưởng nhớ công ơn trừ giặc, cứu dân, cứu nước của cha ông; thể hiện đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' của dân tộc ta. Nhưng khác với các vị phúc thần, những anh hùng dân tộc khác, Trần Hưng Đạo còn được thờ như vị thần chủ của một dòng tín ngưỡng khác - thờ Đức Thánh Cha. Trong tâm thức dân gian, Đức Thánh Trần – Đức Thánh Cha đáp ứng nhu cầu tâm linh bình dị của muôn dân. Ngoài cầu mùa, người dân còn cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, cầu an. Để những điều cầu thành hiện thực, người dân tin rằng phải có một sức mạnh siêu phàm giúp đỡ và Đức Thánh Trần là vị tướng tài ba, người sau khi mất hiển Thánh, được mọi người tin tưởng gửi gắm.

Theo cuốn Thần tích Thần sắc Hà Nam, các di tích thờ Trần Hưng Đạo phổ biến ở xứ Nam và xứ Đông Bắc Bộ, trong đó các di tích nổi tiếng, như: đền Cố Trạch (nằm trong quần thể các đền thờ nhà Trần tại phường Lộc Vượng, TP Nam Định (Nam Định); đền Trần Thương, Xã Trần Hưng Đạo, Lý Nhân (Hà Nam); đền Kiếp Bạc, Xã Hưng Đạo, TP Chí Linh (Hải Dương) và đền Thánh (nằm trong khu đền thờ và lăng mộ các vua Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Đây đều là các di tích cấp quốc gia đặc biệt. Các di tích thờ Trần Hưng Đạo cùng gia quyến và các bộ tướng của ông chính là nhằm tưởng nhớ công ơn trừ giặc, cứu dân, cứu nước của cha ông; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Nhưng khác với các vị phúc thần, những anh hùng dân tộc khác, Trần Hưng Đạo còn được thờ như vị thần chủ của một dòng tín ngưỡng khác - thờ Đức Thánh Cha. Trong tâm thức dân gian, Đức Thánh Trần – Đức Thánh Cha đáp ứng nhu cầu tâm linh bình dị của muôn dân. Ngoài cầu mùa, người dân còn cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, cầu an. Để những điều cầu thành hiện thực, người dân tin rằng phải có một sức mạnh siêu phàm giúp đỡ và Đức Thánh Trần là vị tướng tài ba, người sau khi mất hiển Thánh, được mọi người tin tưởng gửi gắm.

Ban tổ chức Chương trình thực hành nghi lễ hầu Thánh năm 2023 trao giấy chứng nhận cho các thanh đồng. Ảnh: Bình Nguyên

Câu chuyện truyền tụng đưa Trần Hưng Đạo có vị thế đặc biệt trong tâm thức dân gian, đó là câu chuyện về Phạm Nhan. Phạm Nhan – người Tàu là một phù thủy với nhiều biến hóa khôn lường, được vua Nguyên sai làm hướng đạo đánh Nam quốc. Hắn đã gây nhiều phiền nhiễu, quấy rối, lung lạc ý chí của quân đội ta, Trần Hưng Đạo sai người đi bắt nhưng cứ hễ chém đầu này hắn lại mọc đầu khác. Chỉ khi đích thân Hưng Đạo Đại Vương cầm kiếm chém thì Phạm Nhan mới chịu thua. Nhưng sau khi chết, hồn hắn vẫn luôn gây họa cho dân lành. Người dân thường đến đền thờ Trần Hưng Đạo cầu khấn, mọi điều đều hiệu nghiệm khiến người dân cảm nhận được anh linh của Trần Hưng Đạo tôn ông là Đức Thánh Cha. Nếu như ở phủ Mẫu người ta cầu lộc, cầu tài, thì ở điện thờ Đức Thánh Trần người ta cầu phúc, cầu an. Cầu phúc ở đây là cầu con cháu, cầu sức khỏe, cuộc sống bình an. Vì thế, trong các phủ Mẫu đều có ban thờ Đức Thánh Trần hoặc có đền điện thờ riêng và hình thành lên các giá hầu đồng Đức Thánh Trần Triều.

Giá hầu Đức Thánh Trần triều.

Giá hầu Đức Thánh Trần triều.

Đền Trần Thương hiện còn lưu giữ và bảo tồn khá tốt các giá hầu đồng Đức Thánh Trần. Thanh đồng Phạm Hải Hưng (Đồng đền đền Trần Thương) cho biết, các vị thánh được thờ trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần bao gồm Vương phụ, Vương mẫu, Đức Thánh Trần, Vương phi phu nhân; thầy dạy văn, võ; quan Nam Tào, Bắc Đẩu; tứ vị vương tử, nhị vị vương cô, lục bộ Trần triều (6 vị tướng tài của Trần Hưng Đạo, trong đó có con rể Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng); Đức Trần Bình Trọng, Đức Thái Bình công chúa (con nuôi của Đức Thánh Trần); Cô bé Cửa Suốt, Cậu bé Cửa Đông (hàng cháu của Trần Hưng Đạo).

Cũng theo thanh đồng Phạm Hải Hưng, cách thức hầu các giá thánh Trần cơ bản giống với hầu Tứ Phủ, cả về âm nhạc, múa thiêng, cũng cầm khăn phủ diện mới thần linh nhập vào người hầu… Còn theo như các giá hầu đồng trước đây, khi về đồng, Đức Thánh Ông thường làm phép để sát quỷ trừ tà. Quy trình thực hiện lễ sát quỷ trừ tà được diễn ra rất độc đáo, chỉ có ở công đồng Trần Triều, chỉ có người đội lệnh ông mới làm được, đó là nghi thức “lên đai thượng”. Nghi thức này nghĩa là cầm một dải lụa đỏ thắt cổ. Tiếp theo đó là nghi thức rạch lưỡi, nghĩa là dùng con dao hay vật nhọn rạch lưỡi người hầu để lấy máu sau đó phun ra tờ giấy hoặc là rượu (có người sẽ xin giấy này về hộ thân trừ tà, có người bị tà ma quấy nhiễu thì lại xin rượu có máu, uống để trục tà). Ngoài ra, còn một số nghi thức khác, như uống dầu sôi hay là nung nóng bàn cuốc rồi đặt lên chân… Tuy nhiên, những nghi thức hầu đồng cổ này đã ít dần và nhiều nghi thức đã bị loại bỏ.

Giá hầu Vương cô đệ nhị.

Giá hầu Vương cô đệ nhị.

Cũng như trong lễ thức thờ Mẫu, các hoạt động hầu bóng ở lễ hội Đức Thánh Trần đã có tác dụng bảo tồn hình thức diễn xướng dân gian truyền thống hát chầu văn, múa thiêng và cách trình diễn của loại hình sân khấu tâm linh. Trong lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2023, để quảng bá di sản văn hóa phi vật thể này, Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức chương trình Thực hành nghi lễ hầu Thánh. Chương trình đã thu hút đông đảo các nghệ nhân, nghệ sỹ, thanh đồng, đạo quan tham gia, cũng như thu hút rất đông con nhang đệ tử, những nhà nghiên cứu dân gian và du khách có nhu cầu tìm hiểu về nghi thức tâm linh độc đáo này. Trong những ngày diễn ra lễ hội, những giai điệu đặc sắc của hát văn cũng như diễn xướng độc đáo của các nghệ nhân, thanh đồng, giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn giá trị của loại hình nghệ thuật trình đồng, hầu giá trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa tinh thần của nhân dân.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các giá văn chầu Thánh được thể hiện trong đền Trần Thương là những giá văn Trần Triều hiển Thánh, ca ngợi công đức của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, sau đó là hát chầu Thánh nữ trong Tứ phủ... Hát văn và diễn xướng chầu văn đã trở thành những nét văn hóa đặc trưng của đền Trần Thương, diễn ra không chỉ vào những ngày lễ hội, mà tuần tiết quanh năm. Hát múa chầu văn khơi dậy trong tâm thức con người lòng ngưỡng mộ với thánh thần, tình yêu quê hương, đất nước. Thực hành nghi lễ hầu Thánh được tổ chức ngay trong không gian tâm linh của đền Trần Thương, giúp nhân dân và du khách có thể tận hưởng trọn vẹn tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan qua các giá đồng tiêu biểu đặc sắc. Chương trình thực hành nghi lễ hầu Thánh đồng thời cũng đem đến cho nhân dân và du khách một cái nhìn đúng đắn, sâu sắc hơn về các nghi thức trong tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc, qua đó góp phần đẩy lùi những quan điểm chưa đúng về nghi lễ hầu đồng cũng như thêm khẳng định được vị trí, vai trò của nghi lễ này trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/giu-gin-va-phat-huy-tin-nguong-hau-duc-thanh-tran-105464.html