Giữ gìn văn hóa truyền thống của người Lô Lô

Trước thực trạng văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một, người Lô Lô thôn Cờ Tảng, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã bàn nhau thành lập tổ khâu thêu, mở lớp truyền dạy múa, hát để bảo tồn văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Sự hứng khởi, đồng lòng của người dân là điều kiện thuận lợi để các hoạt động trên phát huy hiệu quả trên thực tế, lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa từ ngàn đời của người Lô Lô.

Lớp truyền dạy múa hát dân gian truyền thống được rất nhiều người dân nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: Vân Thi

Lớp truyền dạy múa hát dân gian truyền thống được rất nhiều người dân nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: Vân Thi

Thôn Cờ Tảng có 32 hộ, 161 khẩu, 100% người Lô Lô. Như nhiều dân tộc khác sinh sống ở vùng núi đá Hà Giang, người Lô Lô có bề dày lịch sử với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, văn hóa đặc sắc. Ấn tượng đầu tiên đối với mỗi người khách khi đến đây là trang phục truyền thống của phụ nữ. Bởi những bộ trang phục này có màu sắc bắt mắt, được cắt, khâu, thêu rất cầu kỳ và trang trí bởi hàng nghìn họa tiết, hoa văn đa dạng, tinh xảo.

Chúng tôi gặp cô Lù Thị Nhinh, 60 tuổi ngay tại cuộc họp triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của thôn Cờ Tảng. Tranh thủ giờ giải lao, người phụ nữ này lấy trong túi đeo bên mình ra một tấm vải và thêu. Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng là cô Nhinh không dùng khung và chỉ cầm miếng vải để thêu. Dù đã lớn tuổi, nhưng đường kim, mũi chỉ của cô rất khéo léo. Cô Nhinh giới thiệu: “Đây là chiếc khăn đội đầu của phụ nữ. Thông thường, một bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ dân tộc Lô Lô gồm khăn, yếm, áo, quần hoặc váy. Trang phục của nam giới gồm có áo thân dài đến trên đầu gối, xẻ tà hai bên, cài cúc bên nách phải, khăn đội đầu và quần. Tất cả trang phục đều do phụ nữ chúng tôi tự tay làm”.

Phụ nữ Lô Lô ngay từ khi còn nhỏ đã được bà và mẹ dạy thêu và khâu vá trang phục để khi về nhà chồng phải có trang phục truyền thống mang theo. Cô Nhinh kể: “Tôi được mẹ dạy khâu, thêu từ năm 11 tuổi. Ban đầu, mẹ dạy tôi khâu vải và thêu những họa tiết đơn giản. Khi đã thuần thục rồi, mẹ mới hướng dẫn tôi thêu những họa tiết phức tạp. Người Lô Lô sử dụng 5 màu sắc cơ bản trên váy áo bao gồm trắng, đỏ, vàng, tím, đen. Khó nhất là kết hợp hài hòa các màu chỉ”.

Vải dùng may quần áo của người Lô Lô là vải bông, ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Cô Nhinh kể: “Thế hệ bà và mẹ tôi thường tự dệt vải rồi tự cắt may. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nghề dệt dần mai một. Bây giờ, chúng tôi không tự dệt mà mua vải từ bên Cao Bằng”.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Dùng Thị Vân, Bí thư chi bộ thôn Cờ Tảng tự hào cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về trang phục của dân tộc mình vì nó là kết tinh sự khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo của người phụ nữ”. Tiếp lời chị Vân, cô Nhinh chia sẻ: “Mỗi bộ trang phục của chúng tôi được làm rất cầu kỳ. Để may một bộ quần áo cần khoảng 10m vải, bao gồm 2m để may khăn, 1,2m may yếm, gần 5m may áo và gần 3m may quần. Việc may trang phục truyền thống mất nhiều thời gian nhất ở công đoạn thêu. Họa tiết chủ đạo của chúng tôi là hình con rồng, hoa hồi, hình tam giác, hình quả trám, con chim... Mất khoảng 5 ngày, tôi mới làm xong một chiếc yếm”.

Tiếp tục câu chuyện, cô Nhinh kể: “Chúng tôi tự khâu thêu quần áo phục vụ cho nhu cầu ăn mặc của cá nhân. Thời gian gần đây, có khách du lịch tìm đến thôn tôi khám phá văn hóa. Một số người tỏ ra rất thích văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục của dân tộc tôi, họ ngỏ ý muốn mua. Ngoài những bộ đã mặc, tôi làm thêm một số bộ trang phục mới để khi khách có nhu cầu sẽ bán lại”.

Cứ rảnh rỗi là cô Nhinh lại tự tay khâu, thêu trang phục truyền thống để mặc và để bán khi có người mua. Ảnh: Bích Nguyên

Cứ rảnh rỗi là cô Nhinh lại tự tay khâu, thêu trang phục truyền thống để mặc và để bán khi có người mua. Ảnh: Bích Nguyên

Mỗi bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô là kết tinh của mồ hôi lao động, thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Lô Lô. Họ phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn chỉnh được một bộ quần áo với hàng trăm chi tiết tỉ mỉ, vì thế, giá thành rất cao. Nhiều du khách đã bỏ ra tới cả chục triệu đồng để có được một bộ trang phục truyền thống với rất nhiều họa tiết độc đáo này. “Tôi đã tự tay làm và bán được 5 bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô. Mỗi bộ có giá 18 triệu đồng” - cô Nhinh kể.

Quay trở lại câu chuyện về ý tưởng phát triển nghề khâu thêu trang phục truyền thống của người Lô Lô, chị Dùng Thị Vân chia sẻ: “Dân tộc Lô Lô là một trong số những dân tộc có số dân dưới 10.000 người, được Đảng và Nhà nước rất quan tâm bảo tồn, phát triển. Tuy nhiên, trước tác động của nhiều yếu tố, nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc tôi đã bị mai một. Tôi mong muốn làm được điều gì đó để lưu giữ văn hóa của dân tộc mình nên đã suy nghĩ và khởi xướng chị em thành lập tổ khâu thêu từ năm 2019. Từ nhiều nguồn vận động, chúng tôi mua sắm được máy may, máy vắt sổ để ở điểm trường mầm non của thôn. Hiện, tổ khâu, thêu có 35 chị em phụ nữ. Tại các buổi sinh hoạt chung, chúng tôi hướng dẫn nhau kỹ thuật thêu, đặc biệt các họa tiết khó cũng như cách cắt ghép những miếng vải nhỏ trang trí cho trang phục”.

Không chỉ bảo tồn nghề khâu thêu trang phục, người Lô Lô ở Cờ Tảng còn bảo nhau phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Hiện, thôn Cờ Tảng được trang bị 2 chiếc chiêng để dùng và các dịp lễ hội. Bà con cũng lưu giữ một trống đồng cũ để dùng trong tang ma và các việc sinh hoạt cộng đồng. Từ sự thành công của việc khôi phục lại nghề khâu thêu, năm 2022, thôn Cờ Tảng tiếp tục tổ chức lớp truyền dạy múa, hát dân gian truyền thống. Theo đó, thôn tập hợp những người già thuộc các bài hát và điệu múa truyền thống của người Lô Lô truyền dạy cho lớp người trẻ. Chị Vân cho biết: “Mọi người trong thôn đều nhiệt tình hưởng ứng hoạt động này. Hiện, chúng tôi đã thành lập được một đội múa truyền thống gồm 10 người cả nam và nữ. Mọi người đã biểu diễn thuần thục các điệu múa mô tả hoạt động trồng ngô, vun ngô, quấn chỉ...”.

Rời thôn Cờ Tảng, tôi đem theo ước vọng nghề khâu thêu trang phục truyền thống của người Lô Lô sẽ phát triển, sản phẩm của những người phụ nữ dành rất nhiều công sức làm ra sẽ được trưng bày, giới thiệu để nhiều người biết đến. Hy vọng, mong muốn tạo ra các sản phẩm thổ cẩm đẹp có giá trị cao của người dân nơi đây sẽ được hỗ trợ quảng bá, tạo thành sinh kế bền vững cho người dân.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-gin-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-lo-lo-post460294.html