Giữ gìn vẻ đẹp văn hóa làng

Hiện nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nhưng hầu hết các vùng quê nông thôn ở Phú Thọ vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm chất quê. Những di tích lịch sử - văn hóa, cổng làng, lễ hội, các loại hình văn nghệ dân gian, nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, nếp sống vẫn luôn mang giá trị trong đời sống văn hóa cũng như tâm linh của mỗi người.

Đền Trạng nguyên Duệ, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao được chính quyền và nhân dân địa phương gìn giữ nhằm phát huy truyền thống hiếu học của ông cha.

Ấn tượng đầu tiên khi về xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao là hình ảnh các làng trong xã được xen giữa nét đẹp vừa hiện đại vừa cổ kính, đó là hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hay những công trình bê tông kiên cố, nhưng nét đẹp đáng để khoe nhất đó chính là hình thái không gian, cảnh quan, bản sắc, nếp làng, cốt cách con người... Đây là nền tảng cốt lõi mang giá trị bền vững và là mục tiêu cần được tập trung hướng tới trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Đồng chí Nguyễn Đình Luận- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên địa bàn xã hiện có chín công trình kiến trúc, tâm linh, gồm các đền, chùa, nhà thờ họ giáo, trong đó đền Lời được xếp hạng di tích cấp quốc gia, bốn chùa và một đền được xếp hạng văn hóa cấp tỉnh. Trong quá trình xây dựng NTM, địa phương làm tốt công tác xã hội hóa để góp phần lưu giữ, bảo tồn, tôn tạo hệ thống các di tích, góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần vô giá cho thế hệ con cháu. Trong cuộc sống hiện đại, người dân địa phương luôn trọng lối sống nghĩa tình “tối lửa tắt đèn có nhau”, tình làng nghĩa xóm từ đó cũng càng thêm đầm ấm, gắn kết, đã trở thành một “hương ước bất thành văn” ở thôn quê...

Không chỉ xã Vĩnh Lại, điều dễ nhận thấy ở các làng quê vùng Đất Tổ trong quá trình đô thị hóa vẫn gìn giữ được nét đẹp văn hóa làng, điều này vừa lưu lại những gì thế hệ ông cha dày công vun đắp vừa giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, hồn cốt dân tộc Việt. Từ văn hóa làng đến làng văn hóa và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có ý nghĩa và mối quan hệ khăng khít, gắn bó mật thiết với nhau, tạo điều kiện và song hành cùng bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp đó.

Người dân Đất Tổ gìn giữ truyền thống văn hóa hát Xoan.

Trong văn hóa làng vùng Đất Tổ được thể hiện ở truyền thống hiếu học, trọng người có trí thức; truyền thống tương thân tương ái, tôn trọng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn tôn ty trật tự kỷ cương trong nề nếp gia đình... Các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh cũng khá phong phú về loại hình, gồm nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, tiếng nói, ngữ văn dân gian... Hàng năm ở Phú Thọ có hàng trăm lễ hội truyền thống được tổ chức ở nhiều làng quê. Đặc biệt, Phú Thọ có 2 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Đây là điều kiện thuận lợi để tâm linh con người nhớ về Tổ tiên, tạo động lực tinh thần to lớn, khơi dậy, kết nối cộng đồng và bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho nhân dân...

Ánh Dương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/giu-gin-ve-dep-van-hoa-lang/188216.htm