Giữ hay bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu?

Thời gian qua, những sai phạm liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn liên tiếp diễn ra. Một số doanh nghiệp dù đã bị nhắc nhở về việc không kết chuyển số dư quỹ bình ổn giá vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, vẫn cố tình không nộp phạt. Vấn đề giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục được đưa ra.

Cửa hàng xăng dầu của Trung Linh Phát. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn.

Cửa hàng xăng dầu của Trung Linh Phát. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn.

Từ tháng 11/ 2021, Công ty TNHH Trung Linh Phát bị phạt hành chính 120 triệu đồng do không kết chuyển số dư quỹ bình ổn vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, theo quyết định của Thanh tra Bộ Tài chính, công ty cũng được yêu cầu thực hiện nộp lại 26 tỷ đồng vào quỹ bình ổn xăng dầu, song đến nay vẫn không thực hiện. Bộ Tài chính cũng đã có 19 quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ 33 tài khoản của công ty này. Số tiền bị khấu trừ hơn 26,3 tỷ đồng, gồm tiền xử phạt vi phạm và khắc phục hậu quả.

Mới đây, Bộ Công thương lại yêu cầu Công ty Trung Linh Phát đề nghị các ngân hàng, chi nhánh chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính. Nếu công ty không thực hiện trong thời hạn 15 ngày, các ngân hàng có trách nhiệm chuyển từ các tài khoản của công ty đến tài khoản tạm giữ.

Liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu, thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, không nên giữ quỹ này nữa vì tồn tại nhiều góc khuất.

Từ năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp về việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá; Việc quản lý, điều hành giá xăng dầu; Việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường. Có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, với số tiền là 7.927 tỷ đồng… Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với Công ty Thiên Minh Đức, Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà…

Vấn đề giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục được đặt ra. Tại Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công thương đề xuất, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phân tích về quỹ bình ổn giá xăng dầu, TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) nói Quỹ bình ổn giá được lập ra với mục đích ổn định giá, kìm hãm đà tăng đột ngột, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Những bất cập không đến từ mục đích này mà đến từ việc thiếu minh bạch, khó dự báo bởi việc trích, xả quỹ không theo công thức nào.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Tiến Thỏa thì cho rằng, phải cải tiến việc trích lập và chi quỹ bình ổn giá. Tức là phải quy định rõ về thu mua để trích lập, chỉ thu để trích lập quỹ bình ổn giá khi giá thị trường xuống thấp và chi thì không nên vừa chi lại vừa trích lập Quỹ.

Trong khi đó ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, cần phải bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thay thế điều tiết bằng thuế, phí, bởi việc duy trì Quỹ sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp chiếm dụng vốn và cũng sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, trong khi tác động lại không rõ ràng, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giu-hay-bo-quy-binh-on-xang-dau-10276142.html