Giữ hồn cho phố (Kỳ 2: Cuộc 'giằng co' giữa bảo tồn và phát triển!)
Hơn 20 năm qua, kể từ ngày thành phố trực thuộc Trung ương, tốc độ đô thị hóa tại Đà Nẵng rất nhanh, không gian đô thị tăng lên gấp nhiều lần. Nhiều chuyên gia khẳng định, về phát triển kinh tế như vậy là rất đáng ghi nhận; thế nhưng, việc có một số di tích, công trình văn hóa, lịch sử trên địa bàn bị tác động, ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa này là một đánh đổi không đáng có. Đây cũng là bài học đắt giá, không nên lặp lại dù với bất cứ lý do gì...
Ngoài được giao trọng trách quản lý chuyên ngành về văn hóa, thì ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng còn được biết đến là một người đầy tâm huyết, am hiểu sâu về nền văn hóa, lịch sử thành phố. Với ông, quá trình đô thị hóa khiến bộ mặt thành phố đổi mới, phát triển hiện đại là điều đáng mừng, nhưng kéo theo đó là thành phố phải trả một cái giá không hề nhỏ khi nhiều di tích văn hóa, lịch sử bị lấn át, vùi lấp. Đơn cử như khu căn cứ cách mạng K20. Ông Hùng cho rằng, đây là di tích lịch sử cấp quốc gia quan trọng, nhưng do đô thị hóa nên không gian bị lấn át, dồn vào một chỗ rất nhỏ hẹp, bức bí và thậm chí biến dạng. Một dẫn chứng sinh động không kém là quần thể di tích làng nước mắm Nam Ô. Ở đây có một quần thể di tích, từ lăng Ông, miếu Bà Liễu Hạnh, giếng Chăm, mộ Tiền hiền, nghĩa trũng... Khi thành phố đồng ý cho doanh nghiệp khai thác, xây dựng khu du lịch đã chưa lường hết được giá trị của cụm di tích ở đây. Chỉ đến khi doanh nghiệp tiến hành xây dựng thì mới lộ ra nhiều vấn đề, trong đó rất có thể một loạt di tích sẽ bị xâm hại, thậm chí bị xóa sổ. Hay như di tích Nghĩa trũng Phước Ninh (nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương cũ - P.V), để mở đường Nguyễn Văn Linh, thành phố gần như xóa sổ địa danh rất quan trọng, được ví như nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của cả nước - nơi mai táng các nghĩa sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đầu chống Pháp...
Cho rằng, quan điểm của những người làm văn hóa, kể cả bản thân ông thì giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di tích, phải xét trên từng trường hợp cụ thể. “Chúng ta không quá máy móc, cái gì cũng bảo tồn, cái gì cũng giữ nguyên trạng thì làm sao phát triển được. Nhưng phát triển một cách ồ ạt, không chú trọng đến bảo tồn di tích thì chúng ta đã vi phạm pháp luật (cụ thể là Luật Di sản) và về mặt đạo lý, chúng ta cũng có vấn đề”, ông Hùng nhìn nhận. “Vấn đề” ở đây theo ông Hùng, di tích là nơi kết tinh, gắn bó với máu xương, công sức của bao nhiêu thế hệ tiền nhân. Nếu xâm phạm, về đạo lý, chúng ta đã không làm tròn, còn về pháp luật, chúng ta đã vi phạm.
Thế nên, theo ông Hùng, tùy trường hợp cụ thể. Ví dụ, có những trường hợp chúng ta phải nhân nhượng, bên bảo tồn cũng phải nhân nhượng cho sự phát triển; và có những lúc phát triển, cũng phải lưu ý đến bảo tồn. “Đơn cử như Nghĩa trũng Phước Ninh, thôi thì di tích này nằm ngay giữa lòng thành phố, nơi yên nghỉ của các nghĩa sĩ giữa lòng thành phố, trong khi thành phố đang phát triển, đô thị hóa rầm rộ thì có thể chuyển dịch đi chỗ khác yên tĩnh, rộng rãi hơn. Việc làm này xét cho cùng cũng vi phạm đấy, nhưng có thể khả dĩ chấp nhận được”, ông Hùng phân tích.
Đồng thời nêu dẫn chứng, như thủ đô Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long là một di tích đặc biệt quan trọng, là di sản thế giới, nhưng công tác bảo tồn cũng chỉ tương đối. Ở đây chỉ giữ lại nền móng để làm di tích, phần còn lại phải “nhân nhượng” để xây dựng các công trình khác (như Tòa nhà Quốc hội - PV). Hay như Nhà lao Hỏa Lò, một di tích cũng không kém phần quan trọng nhưng do nằm giữa lòng thành phố nên hiện tại chỉ giữ lại một phần không gian nhất định để kỷ niệm... “Nói điều này để thấy, giữa bảo tồn và phát triển cũng phải tùy trường hợp cụ thể mà nhân nhượng lẫn nhau để làm thế nào đó cho hài hòa”, ông Hùng nói.
Trở lại câu chuyện của Đà Nẵng, riêng với Nghĩa trũng Phước Ninh, vì sự phát triển của thành phố thì cũng có thể chấp nhận được. Hay như khu di tích K20, thôi thì cũng tạm chấp nhận bởi di tích này quá lớn, trải rộng trên một khoảng diện tích lớn nên có thể giữ lại phần lõi mà vẫn có thể bao quát được toàn bộ khu di tích. Tuy nhiên theo ông Hùng, với thành Điện Hải, với quần thể di tích Ngũ Hành Sơn, và đặc biệt là Hải Vân quan thì không thể nào chấp nhận được. Nếu không lên tiếng, không cảnh báo, không quyết liệt thì những di tích này sẽ bị biến dạng, thậm chí mất hết. Và lúc bấy giờ, thành phố Đà Nẵng sẽ là nơi không lưu giữ ký ức. “Thành phố phát triển mà không lưu giữ, không có ký ức thì thành phố trở nên vô hồn. Thế nên, những người làm văn hóa, lịch sử, những người yêu mến văn hóa, lịch sử cần có tiếng nói để bảo vệ những di tích ấy, làm nơi lưu giữ ký ức, giữ hồn cho thành phố”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng, ngoài việc bảo tồn, thì công tác phát huy giá trị các di tích, di sản, nói cách khác là làm cho di tích “thức tỉnh”, nói lên được tiếng nói của mình là một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay. “Di tích, di sản, nếu chỉ tập trung vào công tác bảo tồn không thôi thì chưa đủ, mà bên cạnh đó, không những phải làm cho nó sống dậy, trở thành một nguồn năng lượng mới phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng tinh thần, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau”, ông Thiện nhìn nhận.
Cũng theo ông Thiện, hiện tai, Bảo tàng Đà Nẵng đang xây dựng đề án biến thành Điện Hải trở thành trung tâm diễn giải lịch sử, kết nối những di tích, địa danh có liên quan. Ngoài ra, sẽ phục dựng lại gần như nguyên trạng những công trình, hạng mục hệ thống phòng thủ bên trong thành Điện Hải... Nếu thực hiện được điều này, ông Thiện khẳng định, ngoài phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, thành Điện Hải sẽ là nơi giáo dục cho giới trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước của cha ông một cách sinh động, hiệu quả nhất.
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Đà Nẵng hiện có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia và 51 di tích cấp thành phố. Một thời gian dài, các di tích, kể cả di tích rất quan trọng như thành Điện Hải, Hải Vân Quan cùng nhiều công trình văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử khác chưa được quan tâm đúng mức. Nói như Giáo sư tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, thành phố Đà Nẵng có ít di tích có giá trị lịch sử, nhưng không vì thế mà không có áp lực, bởi Đà Nẵng ít di tích hơn các địa phương khác nên việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các di tích là hết sức cần thiết. Đã đến lúc, công tác bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị các di sản, di tích đòi hỏi các địa phương phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm chấm dứt câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”.
DOÃN HÙNG
Kỳ cuối: Làm sao để giữ cân bằng?
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_208333_giu-hon-cho-pho-ky-2-cuoc-giang-co-giua-bao-to.aspx