Giữ hồn nghề truyền thống, mở lối thoát nghèo ở Bắc Ninh
Bắc Ninh – mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, không chỉ là quê hương của dân ca quan họ mà còn là nơi lưu giữ và phát triển nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, vang danh cả nước. Giữa nhịp sống hiện đại, các HTX đã và đang trở thành 'trụ cột' trong việc gìn giữ bản sắc nghề, đồng thời mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những làng nghề trăm năm tuổi tại Bắc Ninh vẫn ngày đêm "đỏ lửa", tấp nập người ra vào như làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (TP. Từ Sơn), làng tranh Đông Hồ (thị xã Thuận Thành), làng đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình), hay làng mộc Phù Khê (TP. Từ Sơn)...
“Thắp lửa” làng nghề
Tuy nhiên, sự phát triển chóng mặt của công nghiệp và xu hướng tiêu dùng hiện đại từng khiến các làng nghề đối mặt với nguy cơ mai một. Trước thực trạng đó, nhiều HTX đã ra đời, đóng vai trò là “nhạc trưởng” trong công cuộc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đưa kỹ thuật mới, thiết kế hiện đại, ứng dụng thương mại điện tử để giúp sản phẩm làng nghề không chỉ sống khỏe mà còn vươn xa.

Nghề truyền thống được nâng tầm giúp tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo ở Bắc Ninh.
HTX Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ là một ví dụ điển hình cho sự chuyển mình của các làng nghề Bắc Ninh. Thành lập từ năm 2015, đến nay HTX có hơn 60 thành viên chính thức và tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động tại địa phương với thu nhập trung bình từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Để có được thành công như hiện tại, ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định, muốn giữ nghề thì phải đổi mới. HTX đầu tư vào máy móc hiện đại như máy CNC, máy cắt lazer, kết hợp với đào tạo tay nghề và thiết kế mẫu mã mới.
Đồng thời, HTX xây dựng website, sàn thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, HTX ưu tiên nhận lao động có hoàn cảnh khó khăn, người chưa có tay nghề để đào tạo và tạo việc làm bền vững.
Nhờ định hướng đúng đắn, doanh thu của HTX năm 2024 đạt gần 25 tỷ đồng, trong đó khoảng 60% từ thị trường trong nước và 40% xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Điều đặc biệt, HTX cũng là “bệ đỡ” cho nhiều hộ gia đình trong vùng chuyển từ làm ăn nhỏ lẻ sang sản xuất bài bản, có thương hiệu.
Từ hồi sinh đến phát triển bền vững
Tương tự, HTX Gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng (phường Châu Khê, TP Từ Sơn) cũng nổi bật qua những hoạt động tích cực và hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, đóng góp quan trọng vào thành tựu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Năm 2014, dưới sự tư vấn, hỗ trợ vốn của Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh, HTX Gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng chính thức được thành lập. Từ đó đến nay, HTX vẫn hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực chế tác và kinh doanh các sản phẩm từ gỗ - nghề truyền thống tại quê hương.
Tiền thân của HTX vốn là một xưởng sản xuất tư nhân. Trong quá trình học hỏi và tiếp xúc với các nghệ nhân tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phù Khê (Bắc Ninh) cùng quá trình dạy nghề cho lao động tự do tại địa phương, Nghệ nhân ưu tú, Giám đốc HTX Nguyễn Trần Hiệp quyết tâm xây dựng một mô hình kinh tế hợp tác với tiêu chí cốt lõi là lan tỏa "lửa nghề" về lâu về dài.
Cũng chính vì thế, xuyên suốt 10 năm xây dựng mô hình, HTX thành công chuyển mình "từ làm công sang làm chủ", đồng thời tập trung vừa sản xuất, vừa đào tạo nghề.
Theo đó, đối với người lao động mới, HTX đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm, cầm tay chỉ việc theo từng khâu... Đối với thợ đã có tay nghề, HTX tạo điều kiện để họ tiếp cận những trang thiết bị máy móc hiện đại, tạo cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cùng quy trình sản xuất hiện đại.
Những ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên và 18 lao động, nhưng đến nay đã thu hút hơn 40 lao động làm việc thường xuyên, trong đó chủ yếu là lao động tại địa phương với nhiều độ tuổi và đầu việc khác nhau. Lao động trẻ sẽ học nghề và làm nghề tại xưởng, lao động lớn tuổi phụ trách các công việc thời vụ nhân lúc nông nhàn, tạo điều kiện tận dụng tối đa nguồn lao động dôi dư, giúp họ có thêm thu nhập.

Các HTX, người dân làng nghề ở Bắc Ninh đang thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng.
Đồ gỗ mỹ nghệ của HTX Hiệp Thắng hiện có giá bán khá cao, tập trung quanh 3 phân khúc từ trung bình, cận cao cấp đến cao cấp, dao động trong khoảng vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Đặc biệt, đối với những sản phẩm được đặt làm riêng với kích thước lớn, thiết kế và độ tinh xảo cao, mức giá có thể lên đến hàng tỷ đồng. HTX có nhiều đơn đặt hàng từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước, đồng thời xuất khẩu sang nước ngoài.
Việc xây dựng thương hiệu và kinh doanh tương đối thuận lợi giúp HTX đạt doanh thu khoảng 5 tỷ đồng/năm. Mức lương của các lao động tại HTX hiện cũng được đảm bảo ở mức tốt nhất, bình quân từ 4,8 - 8,6 triệu đồng mỗi tháng với nhóm lao động thường, từ 12 - 15 triệu đồng mỗi tháng với nhóm lao động tay nghề cao.
Gìn giữ hồn xưa, dựng xây đời sống mới
Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 170 HTX hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, trong đó trên dưới 70% HTX hoạt động hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập ổn định. Nhiều HTX đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ và số hóa để thích nghi với thị trường mới.
Thành công của các HTX không thể không nhắc đến những chương trình đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh, thông qua nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các HTX trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam đã tích cực phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh trong việc tư vấn, hướng dẫn thành lập mới các HTX. Bên cạnh đó, chương trình kết nối cung – cầu "Vì sự phát triển bền vững của HTX" đã được triển khai, giúp các HTX tại Bắc Ninh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản và làng nghề truyền thống.
Ngoài ra, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và thành viên HTX về ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Điều này giúp các HTX nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường hiện đại.
Với sự đồng hành và hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, các HTX tại Bắc Ninh đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Tựu trung lại, nghề truyền thống ở Bắc Ninh không chỉ là di sản, mà còn là sinh kế, là “cần câu cơm” cho hàng nghìn hộ dân. Việc phát huy vai trò của HTX trong phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm và nâng cao thu nhập là bước đi chiến lược để vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển kinh tế địa phương. Trên hành trình ấy, các HTX không chỉ giữ hồn làng nghề mà còn là “bà đỡ” giúp người dân vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương mình.