Giữ hồn Việt qua nhạc cụ dân tộc

Những năm qua, nhiều chương trình âm nhạc đã được tổ chức nhằm quảng bá sự đa dạng, độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, động viên đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Đàn đá là một trong những nhạc cụ dân tộc lâu đời nhất ở Việt Nam.

Đàn đá là một trong những nhạc cụ dân tộc lâu đời nhất ở Việt Nam.

Di sản văn hóa

Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người H'Mông tỉnh Điện Biên” do UBND tỉnh Điện Biên vừa tổ chức tại huyện Tủa Chùa vào ngày 14/10/2022.

Khèn (tiếng H'Mông gọi là khềnh, kềnh, kỳ) là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi lễ của người H'Mông. Chế tác và diễn xướng các bài khèn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của người H'Mông trong đời sống hiện nay. Nghệ thuật khèn của người H'Mông tỉnh Điện Biên là di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 65/QĐ-BVHTTDL ngày 12/1/2022.

Tại Lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết, kết quả này không chỉ là niềm vui, tự hào của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, mà sẽ là tiền đề, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và huyện Tủa Chùa nói riêng thực hiện thành công hơn nữa công tác giữ gìn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc, mỗi một dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng, ngôn ngữ riêng, trong đó có nền âm nhạc mang sắc thái riêng, bao gồm kho tàng dân ca, nhạc cụ phong phú gắn liền với đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của đồng bào.

Nhạc cụ của người Thái Tây Bắc gồm bộ hơi: các loại pí – (sáo dọc), khèn bè; bộ dây: đàn tính, nhị và bộ gõ: trống, chiêng, chũm chọe, quả nhạc…; trong đó chủ đạo là bộ gõ và bộ hơi. Bộ gõ này có vai trò rất quan trọng trong đời sống nghệ thuật và tâm linh. Bộ gõ là vật linh thiêng của mỗi bản, không bao giờ được để mất, không để kẻ thù chiếm đoạt, không được đổi chác, mua bán.

Nhạc cụ của người Ê Đê có: cồng chiêng, trống, sáo, khèn, bro, gôc, kni, đàn, đinh năm, đinh ktuk, T’rưng, Ana Kongan được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Hiện nay, tại các vùng có cồng chiêng như ở Tây Nguyên, hàng năm có tổ chức lễ hội cồng chiêng rất lớn.

Nhạc cụ truyền thống của người H’Mông Tây Bắc bao gồm khèn, kèn, trống, chiêng, sáo, cây gậy tiền, đàn nhị, khèn môi, kèn lá. Các nhạc cụ được chế tác tại chỗ, từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của chính những người sử dụng. Mỗi nhạc cụ có một công thức tạo tác và được sử dụng vào mục đích khác nhau. Điểm chung của các nhạc cụ truyền thống ở các bản H’Mông là sự kết hợp tổng hòa của các nhạc cụ trong các nghi lễ cổ truyền sẽ tạo ra những âm điệu độc đáo, riêng biệt trong văn hóa của đồng bào H’Mông nơi đây.

Nguy cơ mai một

Một trong những nhạc cụ dân tộc lâu đời nhất ở Việt Nam phải kể đến đàn đá. Đây là nhạc cụ thô sơ nhất được làm bằng những viên đá với kích thước to nhỏ và độ dày mỏng khác nhau. Khi chơi đàn đá, người chơi dùng gùi gõ vào những viên đá để tạo ra âm vực khác nhau. Những viên đá to, dày mang âm vực trầm lắng, những viên đá nhỏ, mỏng cho âm thanh vang và xa… Bên cạnh đó là các nhạc cụ từ tre, trúc, nứa… là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc anh em, giữa Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới.

Trước đây, ở các bản làng, hầu hết mọi người đều biết hát dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống và trình diễn các bài múa, nhưng đến nay, số nghệ nhân này còn rất ít, phần lớn là những người đã cao tuổi, còn giới trẻ đã không mấy mặn mà với âm nhạc dân tộc. Thậm chí có nơi, người trẻ không biết tiếng của đồng bào dân tộc mình nên không biết hát giao duyên, không biết hát các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc mình, dẫn đến nguy cơ mai một âm nhạc dân tộc.

Trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc Việt, nhạc cụ dân tộc là yếu tố được các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm hàng đầu. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trở nên cấp bách và có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào các dân tộc.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giu-hon-viet-qua-nhac-cu-dan-toc-post455616.html