Giữ ký ức và giá trị đặc biệt qua những tem thư

Trong một căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn ở tổ 8, phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên, có một kho báu đặc biệt mà ít ai ngờ tới, đó là bộ sưu tập tem của ông Nguyễn Hữu Ngọc.

Trong căn nhà nhỏ ở tổ 8, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên), có một kho báu đặc biệt mà ít ai ngờ tới. Đó là bộ sưu tập tem đồ sộ của ông Nguyễn Hữu Ngọc - người đàn ông đã dành gần nửa thế kỷ để theo đuổi niềm đam mê sưu tầm những mảnh giấy nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử…

Hơn nửa thế kỷ trước, khi những lá thư tay còn là phương tiện kết nối gần như duy nhất giữa những người thân yêu ở xa nhau, ông Nguyễn Hữu Ngọc – khi ấy còn là một chàng thanh niên – đã có một sở thích giản dị: ngắm nhìn những con tem nhỏ bé được dán trên phong bì thư. Mỗi con tem không chỉ đánh dấu một bưu gửi, mà còn như một tấm vé mở ra thế giới rộng lớn bên ngoài.

Năm 1971, đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Ngọc khi ấy đang là chiến sĩ tại Tiểu đoàn Pháo 100, Trung đoàn 256, Quân khu 1, nhận được một bức thư từ người bạn phương xa. Trên góc phong bì là con tem in hình danh lam thắng cảnh Việt Nam. Sự tinh tế và nghệ thuật của con tem nhỏ bé ấy đã khơi dậy trong ông một niềm đam mê mãnh liệt.

Ông bắt đầu thu thập từng chiếc tem, không chỉ từ những bức thư của gia đình, bạn bè mà còn từ những người xa lạ, từ các bì thư sau sử dụng của các cơ quan, xí nghiệp...

Trong những năm tháng ấy, sưu tầm tem không chỉ là một thú vui mà còn là một cách để ông lưu giữ những kỷ niệm, những câu chuyện của một thời kỳ đầy biến động.

Khi đất nước vẫn còn chiến tranh, khi phương tiện liên lạc còn thô sơ, những con tem không chỉ là phương tiện bưu chính mà còn là một dấu ấn của thời đại, một minh chứng cho những cuộc hành trình của biết bao lá thư, mang theo nỗi niềm của những con người xa cách, và là những mảnh ghép giúp ông khắc họa lại bức tranh sống động của thời gian và con người.

Hành trình sưu tầm tem của ông Ngọc kéo dài gần nửa thế kỷ, từ những chiếc tem đầu tiên dần dần hình thành một bộ sưu tập đồ sộ với hàng chục nghìn con tem quý hiếm. Mỗi con tem là một câu chuyện, một mảnh ghép của lịch sử và văn hóa chờ được khám phá.

Có những con tem mang hình ảnh Việt Nam thời thuộc địa, khi đất nước còn in dấu chân thực dân Pháp. Có những con tem được phát hành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, mang tinh thần kiên cường của dân tộc. Rồi những con tem quốc tế, từ châu Âu hoa lệ đến châu Phi xa xôi, từ những con tem cổ xưa của Nhật Bản đến những mẫu tem hiện đại của Mỹ, Đức, Anh.

Ông cũng dày công sưu tầm bộ tem về Bác Hồ, cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ẩm thực Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ, các loài sinh vật biển, vẻ đẹp 12 con giáp của Việt Nam và Trung Quốc, trà Thái Nguyên…

Tem có nhiều kích cỡ, khuôn hình. Do công nghệ in ấn ngày càng tân tiến, những con tem cũng được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như giấy, tơ lụa, tre trúc; có quốc gia làm tem bằng nhựa, nhôm, thiếc, bạc,… Ở nước ta, tem phổ biến vẫn in bằng giấy với hình vuông và chữ nhật. Mỗi con tem là một câu chuyện, một dấu ấn của thời gian mà ông vẫn miệt mài tìm kiếm, lưu giữ.

Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, ông Ngọc còn tự tay thiết kế 9 quyển album thủ công để dán tem. Tem nhỏ, lại nhiều, đa dạng nên việc phân loại cần sự tỉ mỉ, công phu, có khi hoàn thành một cuốn album ông phải mất vài ngày không ngơi nghỉ. Bởi vậy, mỗi cuốn album thực sự là một tác phẩm nghệ thuật, được phân loại theo chủ đề, thời kỳ, quốc gia.

Giờ đây, khi những lá thư viết tay dần bị thay thế bởi email và tin nhắn, những con tem không còn phổ biến trong cuộc sống như xưa, ông Nguyễn Hữu Ngọc vẫn tiếp tục giữ lửa đam mê của mình. Mỗi ngày ông đều dành thời gian chăm sóc bộ sưu tập, lau chùi, phân loại và tìm kiếm những con tem mới để bổ sung vào kho tàng đặc biệt ấy.

Ông Ngọc chia sẻ: Chơi tem có nhiều cách, có người chỉ tìm kiếm và sưu tầm tem chết (tem đã được đóng dấu đi - đến của bưu điện), có người lại thích sưu tầm tem sống (tem chưa đóng dấu bưu điện, còn lưu hành và chưa qua sử dụng). Để tìm được những con tem quý và lạ bổ sung vào bộ sưu tập, những người “nghiện” tem như chúng tôi phải kỳ công tìm kiếm ở những địa chỉ đấu giá tem, giao lưu với các hội viên để trao đổi hoặc tình cờ phát hiện những lá thư được dán vài con tem quý của cha ông để lại, hay bạn bè, người thân gửi tặng.

Bà Nguyễn Thị Ngà (em gái ông Ngọc) nhớ lại: Sau cơn bão Yagi, nước lũ bất ngờ dâng cao trong đêm, anh Ngọc tất tả chạy đến tủ sách để cứu những quyển album tem của mình. Anh cẩn thận nhấc từng quyển album lên chỗ cao, cố gắng bảo vệ những con tem khỏi bị nước lũ cuốn trôi. Một quyển album không may bị hỏng do nước ngấm vào. Thay vì tiếc nuối, anh tôi xem đó như một phần của hành trình sưu tầm, là động lực để tiếp tục tìm kiếm những con tem mới.

Gần 50 năm gắn bó, ông Ngọc hiểu rằng chơi tem không chỉ là một thú vui cá nhân mà còn lưu giữ một phần ký ức của thời đại. Chính vì vậy, ông không ngần ngại dành thời gian hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sưu tầm và cách phân loại tem một cách khoa học cho những người cùng đam mê, bạn bè và cả những ai chưa biết đến thế giới phong phú của tem thư.

Trên những trang album cũ, những con tem vẫn lặng lẽ nằm đó, giữ lại những mảnh ký ức của một thời đã qua. Và trong trái tim người sưu tầm, niềm đam mê vẫn luôn cháy mãi. “Sống chậm”, sưu tầm những con tem cũng chính là cách mà ông Nguyễn Hữu Ngọc lưu giữ, bảo tồn và thể hiện tình yêu của mình với những giá trị văn hóa, lịch sử của nhân loại.

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202502/giuky-uc-va-gia-tri-dacbiet-qua-nhung-tem-thu-57713c0/