Giữ 'lá phổi xanh' ở cửa ngõ phía bắc thành phố
HNN - Sự chung tay của chính quyền, lực lượng chức năng và cộng đồng địa phương đã tạo nên một 'bức tường xanh' bảo vệ tài nguyên rừng ở cửa ngõ phía bắc thành phố.

Ngành chức năng và người dân tuần tra tháo gỡ các trường hợp đặt bẫy săn bắt động vật rừng
Giữ rừng, tạo sinh kế
Rừng ở phía bắc thành phố Huế phần lớn thuộc phường Phong Điền, Phong Thái với diện tích hơn 53.600ha. Những cánh rừng này không chỉ là “lá phổi xanh” giúp điều hòa khí hậu, mà còn là nguồn sinh kế và như “tấm áo giáp” phòng hộ thiên tai cho người dân nơi đây.
Từ năm 2011 đến nay, thực hiện chủ trương giao rừng cho cộng đồng quản lý, thị xã Phong Điền cũ, (nay là các phường Phong Điền, Phong Thái, Phong Dinh, Phong Phú và một phần của phường Phong Quảng) đã triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đề án như Đề án 430 của UBND tỉnh cũ (nay là thành phố) giai đoạn 2010 - 2014 về giao đất, cho thuê rừng được phê duyệt vào ngày 2/3/2010; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững... giai đoạn 2015 - 2020 và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Đến nay tại khu vực này đã giao hơn 3.900ha rừng cho 13 cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình thuộc hai phường Phong Thái và Phong Điền. Trong đó, những cộng đồng, như: Tân Mỹ, Hạ Long, Khe Trăn, Tân Lập… (phường Phong Điền); Sơn Quả (phường Phong Thái)... là những điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên.
Ông Đặng Văn Nông, thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ (nay là phường Phong Điền) và hơn 200 hộ gia đình khác ở địa phương đã nhận khoán bảo vệ hơn 540ha rừng tự nhiên từ năm 2011. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm thôn nhận hơn 250 triệu đồng từ DVMTR. Từ đó người dân Tân Mỹ đã xem rừng như vườn nhà, đồng tâm hiệp lực bảo vệ, tái sinh, trồng mới… Hàng năm, bà con trong thôn họp bàn đánh giá chất lượng rừng; đồng thời đề ra các mục tiêu, kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.
“Từ khi được giao rừng, chúng tôi thay đổi suy nghĩ, cùng nhau giữ rừng nhằm góp phần đẩy lùi tình trạng khai thác rừng trái phép cũng như giảm số vụ cháy rừng hàng năm và tạo thêm sinh kế mới” - ông Nông nói.

Cộng đồng TDP Tân Mỹ (phường Phong Điền) khảo sát diện tích rừng được giao quản lý
Gắn quyền lợi với trách nhiệm
Bên cạnh chính sách giao rừng, các phường Phong Điền, Phong Thái... còn triển khai Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND ngày 4/12/2015 về tăng cường các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm tăng cường quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Ngành kiểm lâm địa phương đã tham mưu UBND các phường thành lập tổ công tác liên ngành, ban hành kế hoạch hàng năm, chỉ đạo các khu vực, TDP tổ chức cho người dân kê khai đất rừng đang sử dụng, làm cơ sở cho việc kiểm tra, xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Từ đó, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn có xu hướng giảm rõ rệt. Trong giai đoạn 2016 - 2018, chỉ xảy ra 3 vụ phá rừng trái phép với tổng diện tích thiệt hại 1,54ha. Đối với hành vi lấn chiếm đất rừng, năm 2019 ghi nhận 5 vụ tại xã Phong Mỹ (nay thuộc phường Phong Điền) với diện tích hơn 21ha, nhưng đều được phát hiện, xử lý kịp thời.
Từ năm 2017 đến nay, các phường Phong Điền, Phong Thái đã kiểm tra và rà soát hơn 183ha đất rừng do người dân đang sử dụng, chủ yếu là đất do Công ty Lâm nghiệp Phong Điền và BQL rừng phòng hộ Sông Bồ chuyển giao. Riêng tại phường Phong Điền có hơn 116ha đất được người dân kê khai đang sử dụng, cho thấy nhu cầu hợp thức hóa sử dụng đất là rất lớn.
Trong quá trình trên, các phường phối hợp với các chủ rừng như BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và BQL Rừng phòng hộ Bắc Sông Hương nhằm triển khai các hợp đồng giao khoán bảo vệ vùng đệm. Theo đó, các cộng đồng được nhận thêm 400 nghìn đồng/ha/năm từ nguồn khoán bảo vệ rừng; đồng thời được hỗ trợ 50 triệu đồng/năm để đầu tư công trình phúc lợi, như đường bê tông, bể chứa nước, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Mô hình quản lý rừng cộng đồng ở khu vực cửa ngõ phía bắc TP. Huế đang khẳng định hiệu quả bền vững khi gắn kết được lợi ích kinh tế, trách nhiệm pháp lý và nhận thức về việc bảo vệ môi trường. Các cộng đồng không chỉ được chi trả khoảng 500 nghìn đồng/ha/năm từ DVMTR và 205 nghìn đồng/ha/năm từ chương trình chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA), mà còn được thụ hưởng hỗ trợ sinh kế, mở rộng phát triển sản xuất.
Thực tế cho thấy, tại các cộng đồng như Tân Mỹ, Hạ Long, Tân Lập (phường Phong Điền), tình trạng khai thác trái phép gần như chấm dứt. Rừng sau khi được giao được tuần tra đều đặn; xây dựng kế hoạch PCCCR bài bản. Đặc biệt, cộng đồng Tân Mỹ còn thành lập mạng lưới giám sát rừng dựa vào người dân trong thôn, từ đó phát hiện sớm các hành vi xâm hại.
Ông Nguyễn Bá Thạo, Phó Trưởng hạt Kiểm lâm khu vực phía bắc thành phố cho biết, hiện các phường Phong Điền, Phong Thái... có độ che phủ rừng đạt hơn 57%. Khu vực này có thể xem đang nắm giữ một trong những “kho báu xanh” của TP. Huế. Rừng không chỉ là tài nguyên, mà còn là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững ở địa phương. Vì vậy, bảo vệ, gìn giữ và phát triển rừng là nhiệm vụ xuyên suốt mà chính quyền, các ban ngành chức năng và người dân ở đây đang thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.