Giữ lấy làng nghề!

Lần đầu tiên, những làng nghề tiêu biểu của các vùng quê Quảng Nam – Đà Nẵng hội tụ tại Bảo tàng Đà Nẵng, trong sự kiện liên hoan làng nghề xứ Quảng. Để góp mặt trong sự kiện này, mỗi làng nghề đã trải qua bao thăng trầm và có những người vẫn đau đáu gìn giữ nghề truyền thống quê hương.

Lần đầu tiên, những làng nghề tiêu biểu của các vùng quê Quảng Nam – Đà Nẵng hội tụ tại Bảo tàng Đà Nẵng, trong sự kiện liên hoan làng nghề xứ Quảng. Để góp mặt trong sự kiện này, mỗi làng nghề đã trải qua bao thăng trầm và có những người vẫn đau đáu gìn giữ nghề truyền thống quê hương.

Du khách tham quan Làng lụa Hội An. Ảnh: S.T

Du khách tham quan Làng lụa Hội An. Ảnh: S.T

Bà Dương Thị Thông (trú thôn Cẩm Nê) mang những chiếc chiếu đẹp nhất của làng chiếu Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) đến tham dự liên hoan làng nghề xứ Quảng. Cùng vài người thợ khác, bà Thông chỉ dẫn cho du khách cách thức và những bí quyết để làm ra được một chiếc chiếu Cẩm Nê nổi tiếng một thời. Bà Thông bảo, hiện chẳng còn mấy người trong làng Cẩm Nê làm chiếu, thế nên bà tham gia liên hoan này để giới thiệu về nghề truyền thống của làng và để mọi người biết đến làng chiếu Cẩm Nê. “Ngày trước cả làng Cẩm Nê nhà nào cũng làm chiếu, sản phẩm được tiêu thụ ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Nhưng bây giờ thì rất hiếm người còn gắn bó với nghề. Nếu tôi không yêu thích nghề truyền thống của làng, chắc tôi cũng bỏ làm lâu rồi”, bà Thông tâm sự. Tài liệu xưa ghi lại, rằng nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa (Thanh Hóa), được truyền vào đây vào khoảng thế kỷ XV. Một thời, làng chiếu Cẩm Nê nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc, bởi chiếu được người thợ đan tỉ mẩn, bền và đẹp. Nhưng rồi, giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, chiếu Cẩm Nê không thể cạnh tranh được với nhiều sản phẩm khác nên lần lượt người dân từ bỏ nghề, nghề truyền thống của làng vì thế mà mai một dần. “Làm chiếu Cẩm Nê mất công lắm, 1 người giỏi lắm chỉ đan được 1 chiếc chiếu một ngày thôi, mà mỗi chiếc chiếu chỉ bán từ hai đến ba trăm nghìn đồng. Vì cực quá nên lớp trẻ không muốn làm nghề nữa. Còn tôi bây giờ vẫn làm, một phần vì thỉnh thoảng có người tìm đến nhà hỏi mua, một phần vì muốn giữ gìn nghề truyền thống của ông cha”, bà Thông nói.

Những người thợ làm chiếu Cẩm Nê thể hiện kỹ năng làm chiếu của làng mình.

Những người thợ làm chiếu Cẩm Nê thể hiện kỹ năng làm chiếu của làng mình.

Không riêng gì làng chiếu Cẩm Nê, bao làng nghề truyền thống khác của xứ Quảng dần mai một trong xu thế phát triển của xã hội. Chị Nguyễn Thị Cúc (thôn Zara, xã Tà Bhing, H. Nam Giang) kể, nếu như không có hỗ trợ của một tổ chức nước ngoài, thì có lẽ đến bây giờ sẽ không có thương hiệu “làng dệt thổ cẩm Zara”. “Là nghề truyền thống nhưng trước đó mình và nhiều phụ nữ khác trong làng không biết làm đâu. Sau chính quyền tổ chức dạy thì mình mới biết làm. Bây giờ, nhiều chị em làng Zara có thể làm nhiều sản phẩm thổ cẩm khác nhau để bán cho du khách”, chị Cúc cho biết. Dù đã phục hồi làng nghề thổ cẩm, nhưng mỗi tuần phụ nữ ở thôn Zara chỉ làm một hay hai hôm, sau đó phải đi làm rẫy, bởi việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Tiêu thụ sản phẩm, là vấn đề nan giải của nhiều làng nghề truyền thống. Chính vì vậy, để tìm lại chỗ đứng, nhiều làng nghề đã thay đổi. Cũng từng lâm vào cảnh hắt hiu, nhưng bây giờ làng đúc đồng Phước Kiều (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đang hồi sinh mạnh mẽ. Anh Dương Ngọc Tiển, nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều kể, từ việc chuyên đúc cồng chiêng thì nay làng đúc đồng Phước Kiều chuyển sang thực hiện nhiều sản phẩm đồng về mỹ thuật và nghệ thuật. “Đúc tượng nghệ thuật hay những bức tượng đồng lớn, rồi đại hồng chung đã mở ra hướng phát triển cho làng nghề. Vì thế mà làng nghề Phước Kiều không bị mai một”, ông Tiển tâm sự. Còn đối với làng nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng), chất lượng của sản phẩm đã phục hưng thành công danh tiếng làng nghề. Ông Trần Ngọc Minh, chủ tịch hội làng nghề nước mắm Nam Ô kể, từng có thời gian rất ít người dân gắn bó với nghề thì nay ở Nam Ô có 54 hộ làm nước mắm, sản phẩm của làng đã có mặt trên nhiều địa phương trên cả nước. “Từ khi nghề làm mắm được phục hồi, mỗi năm làng Nam Ô sản xuất hơn 100.000 lít nước mắm, thu nhập của người dân vì thế rất khá. Có được như vậy là vì làng nghề làm mắm theo cách truyền thống, đảm bảo chất lượng của nước mắm Nam Ô”, ông Minh nói.

Ông Trần Ngọc Minh giới thiệu về nghề làm nước mắm Nam Ôcho du khách tham quan liên hoan làng nghề xứ Quảng.

Ông Trần Ngọc Minh giới thiệu về nghề làm nước mắm Nam Ôcho du khách tham quan liên hoan làng nghề xứ Quảng.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng được tổ chức, quy tụ 13 làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. “Liên hoan, quy tụ nhiều làng nghề tiêu biểu của xứ Quảng như bánh khô mè Cẩm Lệ, điêu khắc đá Non Nước - Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, rượu cần Phú Túc, làng mộc Kim Bồng, hay nón lá Duy Xuyên... Không chỉ nhằm bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống ở xứ Quảng, liên hoan muốn khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của các làng nghề truyền thống dân tộc”, ông Thiện nói. Không đơn thuần là chỉ là một nghề kiếm sống, làng nghề còn chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa truyền thống về mỗi vùng đất khác nhau. Đó là kho tàng các kinh nghiệm, kỹ thuật, bí quyết nghề nghiệp từ việc sử dụng nguyên vật liệu, kỹ thuật chế tác đến chủ đề sáng tạo cho từng sản phẩm của mỗi làng nghề. Trong mỗi sản phẩm của làng nghề xứ Quảng là kinh nghiệm, là bí quyết của người thợ và họ còn thổi vào sản phẩm ấy cả tâm hồn và ý niệm. Chính vì vậy, mà mỗi làng nghề xứ Quảng đều chứa đựng trong mình những giá trị văn hóa riêng biệt, mà ta cần phải trân quý và giữ gìn.

HOÀNG ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_174906_xay-du-ng-mo-t-chau-a-tha-i-bi-nh-duong-pho-n-vinh.aspx