Giữ liêm chính trong công vụ
Sự kiện ngày 19-8 năm xưa luôn nhắc nhở chúng ta rằng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chỉ có gắn bó chặt chẽ với lợi ích của nhân dân và dân tộc, thực sự liêm chính thì chính quyền mới có cơ sở chính đáng để tồn tại. Chỉ có phụng sự nhân dân thì chính quyền mới thực sự là 'của dân, do dân và vì dân'.
Cách đây 78 năm, ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, nhân dân Hà Nội đã đồng lòng tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tổ chức tuần hành, mít tinh và tuyên bố giành lại chính quyền từ tay các lực lượng cai trị thực dân, nửa phong kiến.
Thắng lợi cách mạng tại Hà Nội đã có sức lan tỏa và truyền cảm hứng sục sôi đến mọi miền của đất nước. Làn sóng cách mạng dâng cao, nhân dân các địa phương trong cả nước đã hoàn thành việc giành chính quyền mà không phải đổ máu. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, tuyên bố thiết lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Tình huống nhân dân cả nước kết đoàn, chung một ý chí và sự bất lực của hệ thống chính quyền thực dân, nửa phong kiến cho thấy sự cạn kiệt tính chính danh của các lực lượng cầm quyền thời điểm đó. Khi tính chính danh đã rơi đến điểm tới hạn, nhân dân không còn thấy lý do nào đúng đắn và chính đáng cho sự tồn tại của chính quyền và điều này trở thành động lực để nhân dân kiên quyết hướng tới một hình thái chính quyền mới với kỳ vọng chính quyền sẽ gắn bó mật thiết với nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.
Là sản phẩm từ cao trào cách mạng, hình thái chính thể “Dân chủ cộng hòa” phản ánh sự hòa đồng giữa khát vọng của nhân dân, lợi ích của dân tộc và ý chí của các lực lượng lãnh đạo cách mạng. Đó là hệ thống chính quyền do nhân dân lập ra, hoạt động vì lợi ích của nhân dân và dân tộc.
Sau nhiều biến động lịch sử, đất nước được giải phóng và thống nhất, cho dù đã chuyển thành chính thể “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” thì hệ thống chính quyền vẫn giữ nguyên bản chất “nhân dân” từ những ngày đầu thành lập. Đảng Cộng sản Việt Nam, trong vị thế và vai trò lãnh đạo đất nước, vẫn vẹn nguyên khát vọng phụng sự lợi ích của nhân dân và dân tộc, thể hiện qua các mục tiêu “xã hội chủ nghĩa”.
Tuy nhiên, sau những thành tích ấn tượng trong hai thập kỷ đầu đổi mới, một bộ phận cán bộ, công chức trong hệ thống chính quyền cũng bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu “xa dân”. Là một trong những biểu hiện “xa dân” nghiêm trọng nhất, vấn nạn tiêu cực, tham nhũng không chỉ làm thất thoát các nguồn lực phát triển đất nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ mà trên hết là sự phản bội niềm tin của nhân dân trong một bộ phận cán bộ chính quyền.
Mới đây, Thành ủy Hà Nội lần đầu tiên chỉ ra 25 biểu hiện vi phạm về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm công vụ nhằm chấn chỉnh các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; không ngừng nâng cao tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, hiệu quả đối với công việc được giao.
Công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo và thực hiện quyết liệt trong hai nhiệm kỳ gần đây chính là nỗ lực gia cố tính chính danh cho chính quyền thông qua việc dứt khoát trừng trị một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất.
Đó là những người được thừa hưởng di sản cách mạng nhưng hành động của họ lại quay lưng với niềm tin và lợi ích của nhân dân. Không thể phủ nhận thực tế rằng những kết quả rõ nét trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng thời gian gần đây đã khôi phục lòng tin của nhân dân với tiến trình vun đắp tính liêm chính cũng như định hình lại sứ mệnh phụng sự nhân dân của chính quyền. Trong các nhóm biện pháp xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng về đạo đức gắn với văn hóa liêm chính là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Sự kiện ngày 19-8 năm xưa luôn nhắc nhở chúng ta rằng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chỉ có gắn bó chặt chẽ với lợi ích của nhân dân và dân tộc, thực sự liêm chính thì chính quyền mới có cơ sở chính đáng để tồn tại. Chỉ có phụng sự nhân dân thì chính quyền mới thực sự là “của dân, do dân và vì dân”.
TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giu-liem-chinh-trong-cong-vu-739227