'Giữ lửa' cho nghề làm hương truyền thống
Trong hành trình 30 năm kế thừa và gắn bó với nghề làm hương bài, ông Phạm Văn Tề (xã Yên Thái, huyện Yên Mô) đã nắm giữ bí quyết tạo ra những thẻ hương thơm ngát, chất lượng, an toàn với sức khỏe, được thị trường ưa chuộng.
Chiều cuối năm, gia đình ông Tề bận rộn luôn tay luôn chân để làm hàng Tết. Bước vào nhà, một mùi hương đặc biệt ngập tràn khắp không gian, không sực nức mà thơm dịu, phảng phất hương vị nồng nàn của vỏ quế và ngai ngái mùi cỏ cây khô. Mùi thơm khiến bất cứ người lạ nào cũng bất giác hít một hơi đầy lồng ngực để cảm nhận hết hương vị ngọt dịu, vừa có chút lạ lẫm lại vừa thân thuộc ấy.
Gia đình ông Tề là một trong số ít hộ còn giữ được nghề làm hương bài truyền thống trong vùng. Ông chia sẻ: Không biết nghề làm hương có từ bao giờ, chỉ biết từ khi tôi còn rất nhỏ đã thấy bố mẹ mình làm. Nghề làm hương cực kỳ vất vả, giá trị kinh tế của hương không cao nhưng cha ông vẫn cố giữ lấy nghề. Khi đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, gia đình tôi phải dừng sản xuất một thời gian dài, cho đến khi tôi đi làm ăn xa ở nhiều nơi, tìm hiểu được cách làm và chủ động trong nguyên liệu, nghề dần được khôi phục...
Ông Tề cho biết, mỗi nén hương mỏng manh như vậy nhưng để làm ra là cả một nghệ thuật. Công đoạn quan trọng nhất của làm hương là làm bột. Nguyên liệu làm bột hương mỗi nơi mỗi khác. Gia đình ông làm bột hương từ nhựa cây trám trộn với than. Loại than trộn cùng không phải than thông thường mà là than được lấy từ rễ cây hương bài. Hương bài là cây thảo dược lá dài xanh mượt, có bộ rễ chùm khỏe khoắn, đem phơi khô sẽ tỏa ra hương thơm mát. Sau khi rễ khô sẽ đem đốt thành than, lọc sạch tạp chất, trộn thật kĩ với nhựa trám cho nhuyễn thành bột hương. Quá trình làm nguyên liệu quan trọng nhất là nấu bột đạt độ chín để dậy mùi thơm. Những người làm nghề lâu năm mới cảm nhận và ước lượng được khoảng thời gian đun nóng bột đạt đến độ thích hợp để tạo độ dẻo dính vừa phải.
Để có thể “mục sở thị” kỹ nghệ nấu bột, se hương bằng tay điêu luyện, tôi theo chân ông Tề tới khu nhà xưởng. Một chiếc bàn nhỏ hơn 1 mét trải đầy bột hương. Nguyên liệu làm hương được hấp nóng trong nồi cơm điện cho dẻo, 5-6 thợ đang se miệt mài. Ông Tề lấy một nắm nguyên liệu màu đen từ than và nhựa trám, vuốt một lượng bột ra que hương, rồi dùng tay lăn đi lăn lại trên chiếc bàn gỗ đã để sẵn bột quế. Những que hương nhanh chóng được hình thành trong lòng bàn tay nhanh nhẹn, thành thục của ông, tròn đều như nhau, không khác gì se máy.
Vài năm trở lại đây, khi máy móc hiện đại xuất hiện, nhiều xưởng sản xuất đã thực hiện se hương bằng máy, sản lượng đạt gấp nhiều lần so với se hương thủ công. Nhưng theo ông Tề, se hương bằng tay người thợ trau chuốt từng que hương, giúp que hương không bị nứt vỡ và đặc biệt để se bằng tay thì hương không được thêm hóa chất. Bởi vậy, đôi tay người thợ se hương lúc nào cũng bị ám đen từ bột hương. Nhưng dù vậy, vẫn không hề đáng ngại bởi ông Tề cho biết, tất cả nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không độc hại với sức khỏe, dù tiếp xúc trực tiếp bằng da tay hay ngửi hương thơm mỗi ngày vẫn an toàn.
Tuy nhiên, lăn hương cũng được coi là công đoạn vất vả nhất vì bụi và đòi hỏi người làm phải thật khéo và nhanh tay trước khi bột hương bị khô lại. Việc làm hương thường phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, nếu quá lạnh bột hương nhanh khô, không se được, nếu nắng nóng người làm sẽ ra mồ hôi nhiều ảnh hưởng đến quá trình lăn hương. Công đoạn cuối cùng là đem phơi dưới nắng, tùy vào thời tiết, nếu ngày nồm ẩm thời gian phơi sẽ kéo dài 5-6 ngày, ngày nắng đẹp chỉ 1-3 ngày.
“Khoảng 10 năm trước đây, gia đình tôi vẫn làm hương hoàn toàn thủ công, chưa có bất cứ máy móc nào phụ trợ. Vất vả nhất là khâu trộn bột vì bột từ nhựa cây nên rất dính, mất nhiều sức để trộn. Thời điểm ấy có khi suốt tháng 3 chỉ làm được 200 kg nhựa, tương đương với hơn 100 nghìn que hương thành phẩm. Đến nay, nhờ có máy trộn bột, chỉ cần pha tỉ lệ chuẩn và đổ vào máy, đã rút ngắn thời gian đáng kể, năng suất gấp vài chục lần” - ông Tề cho biết.
Ông Tề đưa tôi một nắm cỏ hương bài đã khô, có mùi thơm dịu nhẹ, khẽ tiết lộ “bí kíp” riêng của gia đình để giúp những que hương có được mùi thơm đặc trưng, hương khô, cứng, cháy đượm, khi đốt tỏa ra mùi thanh khiết. Có lẽ cũng chính vì vậy mà sau nhiều năm, gia đình ông vẫn sản xuất duy nhất loại hương bài truyền thống, không pha tạp hương liệu, có thể bảo quản vài năm vẫn giữ nguyên được mùi thơm ngào ngạt như lúc ban đầu.
Được xem là "sợi dây" kết nối, thể hiện lòng thành kính của con cháu với tổ tiên, những que hương truyền thống làm từ vỏ, thân, lá cây quen thuộc đã trở thành nét đẹp văn hóa riêng không thể thiếu trong văn hóa người Việt, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về. Đáp ứng nhu cầu thị trường, cuối năm cũng là mùa sản xuất chính của gia đình ông Tề. Hiện xưởng sản xuất của gia đình ông tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập cao nhất là 350 nghìn đồng/người/ngày.
Bà Phạm Thị Toan, người lao động tại xưởng cho biết: Công việc không nặng nhọc, khi đã làm quen tay, người thợ lành nghề như tôi có thể se trên 500 que hương mỗi ngày. Làm hương không chỉ là một nghề kiếm sống mà còn là tâm huyết, tâm tình dồn vào từng que hương để mang không khí ấm cúng đến cho mọi nhà.
Trong tiết trời se lạnh của mùa xuân mới, với sự thanh khiết, dịu ngọt vốn có, mỗi nén hương bài chắt chiu cả mùi vị của cỏ cây hoa lá, gió trời thênh thang và sự tỉ mỉ, tinh khéo của người thợ lành nghề, góp phần gìn giữ nghề truyền thống lâu đời.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-giu-lua-nghe-lam-huong-truyen-thong-540477.htm