Giữ lửa đam mê đờn ca tài tử
Hội thi Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ 3 năm 2024 khép lại với nhiều cảm xúc. Các thí sinh đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với nhiều độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có chung niềm đam mê dành cho ĐCTT.
1. 20 tuổi, tài tử Nguyễn Đình Khang (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) có 7 năm chơi ĐCTT. Khang thông thạo đờn cò, đờn bầu, biết thổi kèn lá, chơi đờn nguyệt, đờn ghita phím lõm. Khang kể, bắt đầu học đờn cò từ năm 13 tuổi trong lớp dạy đờn ở chùa để phục vụ các nghi thức cúng tế trong tôn giáo. Thấy con trai bộc lộ năng khiếu, cha Khang đến xin Nghệ nhân Ưu tú Tấn Khoa nhận Khang làm học trò. Từ đó, Khang theo thầy Tấn Khoa học đờn và chính thức chơi ĐCTT.
Đêm trao giải Hội thi ĐCTT Nam bộ tỉnh Long An lần 3, Khang bước lên sân khấu với bộ áo dài ngũ thân đen và cây đờn cò, thả hồn mình theo điệu khúc Nam ai đang thể hiện. Giai điệu buồn man mác theo tiếng đờn quyện vào không gian, làm say lòng khán giả. Trong hội thi, Khang là một trong số những thí sinh đờn nhỏ tuổi và cũng là người đoạt giải cao nhất bảng C (đờn độc tấu).
Cũng như những người chơi tài tử khác, khi đờn, Khang nhấn nhá chữ đờn tùy theo cảm xúc buồn, vui và độ “phiêu” thời điểm đó. Với Khang, đó là cảm giác thu hút rất lạ mà chỉ khi cầm đờn, chơi ĐCTT anh mới cảm nhận được.
Càng học càng say nên bất cứ khi nào rảnh rỗi, ở nhà, Khang lại đem đờn ra tập, vừa học cách chơi đờn, vừa gửi cảm xúc của mình vào từng tiếng tơ ngân. Khi thông thạo đờn cò, Khang được thầy dạy chơi thêm nhiều loại đờn khác.
Khang kể, ngày mới bắt đầu học đờn cò, chưa bao giờ nghĩ sẽ say mê và theo đuổi bộ môn ĐCTT Nam Bộ bởi như bao bạn trẻ khác, Khang thích nhạc hiện đại, trẻ trung hơn là những giai điệu ngũ cung trầm bổng. Vậy nhưng, càng tiếp cận, càng học hỏi, Khang lại càng muốn dấn thân vào ĐCTT. Hiện anh là thành viên của một nhóm nhạc lễ tại huyện Thủ Thừa nên ngoài các nhạc cụ truyền thống, Khang cũng chơi được organ. Tuy nhiên, niềm say mê vẫn nghiêng về ĐCTT.
Khang chia sẻ: “Tôi không dám nói trước bất cứ điều gì ở tương lai nhưng hiện tại, tôi say mê ĐCTT. Các nhạc cụ truyền thống như đờn cò, đờn nguyệt có một sức hấp dẫn rất lạ với tôi. Cái hay nổi bật của ĐCTT chính là người đờn có thể biến hóa chữ đờn tùy vào tâm trạng, tài năng của mình trong lúc đờn. Điều đó khiến cho bản đờn luôn mới mẻ, thú vị. Được học ĐCTT với tôi là một cơ duyên, được trở thành học trò của các thầy là may mắn và giải thưởng trong Hội thi ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An vừa qua như một sự khích lệ, động viên tôi cố gắng”.
2. Cũng là thí sinh tham gia Hội thi ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ 3 năm 2023, ở bảng C, tài tử Đỗ Văn Điểm (ông Tư Điểm, khu phố 3, thị xã Kiến Tường) được trao giải thí sinh lớn tuổi nhất. Bắt đầu học đờn năm 15 tuổi, đến nay, ông Điểm theo đuổi ĐCTT được gần 60 năm. Suốt 60 năm ấy, dù làm bất cứ nghề gì, ở đâu, ông cũng không “rời” cây đờn. Tiếng đờn, lời ca giúp ông giải khuây sau những giờ làm nông vất vả.
Ông Điểm kể: “Từ thời còn đi học, tôi đã mê ĐCTT, thường nghe trên đài phát thanh rồi lẩm nhẩm hát theo. Từ ngày được đi học đờn là tôi không “dứt” ra được. Cứ xong hết việc nhà, rảnh rỗi là ôm cây đờn ra đờn ca. Dù quá nửa đêm cũng phải đờn ca một chút rồi mới đi ngủ được”.
Ông Điểm chơi được đờn ghita, đờn sến, đờn kìm và ông cũng biết ca. Những giai điệu du dương, trầm bổng, giàu cảm xúc của ĐCTT thu hút ông bởi từng phím đờn, lời ca có thể giúp giãi bày tâm sự. Buồn, vui, mệt mỏi đều có thể gửi vào “3 Nam, 6 Bắc”.
Gần 60 tuổi, ngọn lửa đam mê ĐCTT trong lòng ông Điểm vẫn âm ỉ. Khi Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT thị xã Kiến Tường được thành lập, ông là một trong những thành viên đầu tiên tham gia và trở thành nòng cốt cho đến bây giờ. Mỗi dịp địa phương cần CLB hỗ trợ phục vụ văn nghệ, hầu như không khi nào vắng thầy đờn Tư Điểm.
“Tôi chơi ĐCTT cả đời vẫn không thấy chán. Ngày trước, không có điều kiện, tôi chơi một mình, bây giờ có CLB lại càng vui. Mà vui hơn nữa là thỉnh thoảng CLB có thêm thành viên mới. Anh chị em giao lưu, sinh hoạt, học hỏi lẫn nhau, cốt để vui là chính, cùng nhau giữ gìn nghệ thuật truyền thống của ông bà” - ông Tư Điểm nói.
Khi kể về CLB, ông Tư Điểm đặc biệt hào hứng, vui vẻ nhắc về lần CLB được mời vào trường học nói về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và biểu diễn cho học sinh xem. Rồi ông trầm ngâm: “Trong CLB ĐCTT thị xã, người trẻ tuổi nhất cũng ngoài 40. Tôi nghĩ phải giới thiệu cho các em, các cháu biết về ĐCTT, cảm nhận cái hay của nghệ thuật dân tộc để mà theo đuổi, học đờn, học ca. Ở đây, ai có mong muốn học tôi đều sẵn sàng truyền dạy, hoàn toàn miễn phí, cốt để có thêm người biết về ĐCTT. Con trai tôi học đờn từ tôi, bây giờ theo nghề nhạc lễ, tôi rất mừng vì điều đó”. Bén duyên với ĐCTT từ ngày còn niên thiếu, đến bây giờ, khi tóc phai màu, ông Điểm vẫn giữ lòng say mê như trước.
ĐCTT Nam Bộ là nghệ thuật của Nhân dân, sinh ra từ dân và được chính người dân duy trì, phát triển. Trong xã hội hiện đại, nhiều thể loại âm nhạc khác trở nên thịnh hành thì ĐCTT vẫn âm thầm phát triển nhờ những người giữ lửa say mê như ông Tư Điểm, những người trẻ tài năng, yêu mến nghệ thuật truyền thống như Minh Khang. Tất cả tựu trung lại để cùng họa nên bức tranh ĐCTT nhiều màu sắc, để bộ môn nghệ thuật này mãi được lưu truyền, gìn giữ như từ trước tới nay./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-lua-dam-me-don-ca-tai-tu-a177126.html