Giữ lửa hạnh phúc gia đình trẻ
Theo số liệu của Tòa án nhân dân Tối cao, hơn 500.000 vụ ly hôn được thụ lý năm 2022, trong số đó có 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30. Vậy cách nào giữ lửa hạnh phúc gia đình trẻ?
Nhiều thách thức trong gia đình trẻ thời hiện đại
Mới đây, diễn đàn xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc với chủ đề “Chạm để yêu thương” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, gia đình trẻ tiêu biểu có tầm ảnh hưởng.
Các báo cáo tại diễn đàn cho thấy, năm 2022, cả nước có gần 27 triệu gia đình, trong đó số hộ tạm gọi là gia đình trẻ khoảng hơn 16 triệu, chiếm gần 60%.
Một thống kê khác từ Tòa án nhân dân Tối cao, năm 2022, cả nước có hơn 500.000 vụ ly hôn được thụ lý, trong đó 70% số vụ ly hôn xảy ra tại các gia đình trẻ từ 18-30 tuổi, với nguyên nhân xuất phát từ rất nhiều loại mâu thuẫn như bất đồng quan điểm về lối sống, xung đột, môi trường và hoàn cảnh khác nhau...
Theo ông Khuất Văn Quý, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay hầu hết các gia đình cơ bản có sự chuyển biến, thay đổi. Tuy nhiên, gia đình trẻ lại có biểu hiện rõ nét hơn, nhất là về quan niệm hôn nhân và gia đình theo hướng đề cao tính tự do, tính cá nhân, chấp nhận các hiện tượng hôn nhân và gia đình mới cũng như các vấn đề bình đẳng giới. Hiện nay, bên cạnh những người có quan niệm tích cực về hạnh phúc hay hạnh phúc gia đình, thì một số bạn trẻ lại có cái nhìn phiến diện, lệch lạc.
Cụ thể hơn, sự phát triển của xã hội đã khiến không ít người trẻ rơi vào nhịp sống của sự ăn chơi, hưởng thụ, coi những thú tiêu khiển là niềm hạnh phúc thực thụ mà quên rằng, niềm vui chỉ có thể tạo nên từ sự nỗ lực, cố gắng trong đời sống thực tế, hoặc coi hạnh phúc là thứ mua được bằng tiền cùng quan điểm "mọi người phải vì mình".
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đưa ra thực trạng hiện nay, một số bạn trẻ yêu nhau sớm, kết hôn sớm nhưng ly hôn… cũng sớm. Ông cho rằng yêu nhau thôi chưa đủ, mà chỉ là một trong những yếu tố góp phần làm nên hạnh phúc lứa đôi chứ không quyết định 100%.
"Trước kia, đời người có 3 điều quan trọng: Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Thế nhưng, trong xã hội hiện nay, chúng ta có nhiều vấn đề cần quan tâm hơn như công việc, phát triển bản thân, chăm chút các mối quan hệ bên ngoài... Một phần vì đó mà nhiều bạn trẻ có được thành công sớm, nhưng lại ít quan tâm tới vấn đề hạnh phúc lứa đôi. Cộng thêm các yếu tố khác, điển hình là việc một số người trẻ sở hữu trình độ, kỹ năng, lại thêm "cái tôi" lớn... khiến sự gắn kết trong tình cảm đôi lứa có phần ngày càng lỏng lẻo", ông Đinh Đoàn nói.
Theo chuyên gia Đinh Đoàn, các bạn trẻ có hai xu hướng: Kết hôn sớm và khá từ từ. Nhiều người nghĩ lấy chồng, lấy vợ là việc lớn, sớm ổn định, cũng như mơ mộng yêu là cưới. Tuy nhiên, yêu chưa đủ, chỉ là một trong những yếu tố để gia đình hạnh phúc. Ngược lại, xu hướng kết hôn muộn khi xã hội phát triển, con người có nhiều thứ quan tâm như nghề nghiệp, việc làm, sống với đam mê, trải nghiệm... còn việc lấy chồng, lấy vợ cứ từ từ.
Gia đình trẻ có không ít thách thức, trong đó có việc vợ - chồng đề cao tính cá nhân khiến cuộc sống gia đình giống hai người độc thân sống cùng nhà, không có sự trao đổi, gắn kết. Còn ở nông thôn, nhất là những nơi khó khăn thì gia đình trẻ có sự ly tán để mưu sinh, như vợ hoặc chồng xuất khẩu lao động, làm ăn xa...
Ông Đinh Đoàn cho rằng gia đình không bền vững, không hạnh phúc vì vợ và chồng đều quá độc lập với nhau, ít gắn kết, ít "chạm" - yêu thương với nhau. Mỗi người cần lui cái tôi cá nhân, tăng nhiều cái chung, chia sẻ. Chia sẻ là dấu hiệu của yêu thương.
Bí quyết để gia đình hạnh phúc
Theo chuyên gia Đinh Đoàn, lấy chồng, lấy vợ là việc quan trọng, nghiêm túc, nhưng giấy chứng nhận kết hôn chỉ là sự xác nhận từ mặt chính quyền, còn hai người khi xác định gắn kết với nhau phải xây dựng "phụ lục" - thỏa thuận với nhau, thống nhất quan điểm chung.
"Các bạn độc lập là điều tốt, nhưng ít nhất phải có ba thứ chia sẻ với nhau. Đó là chia sẻ trách nhiệm, tránh việc phân chia rạch ròi việc chồng, việc vợ; chia sẻ tài chính; chia sẻ cảm xúc. Việc chia sẻ giống như đinh vít gắn kết hai người, cũng như dây chun buộc càng nhiều vòng càng chặt. Tăng cường chia sẻ là một trong những bí quyết để gia đình hạnh phúc. Phải xác định lấy vợ, lấy chồng, xây dựng gia đình là việc nghiêm túc. Giấy chứng nhận hôn nhân là "bản hợp đồng" chung sống được sự chứng thực của cơ quan pháp luật, còn vợ chồng phải xây dựng những "phụ lục" là những thỏa thuận để đính kèm. Điều này tránh tình trạng không có thỏa thuận, cứ đụng đến việc gì cũng tranh luận, cãi nhau và nhiều lần cãi nhau thì chán không muốn nói nữa...", chuyên gia Đinh Đoàn gợi mở.
Bà Trần Vân Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững chia sẻ thêm, công cụ của "chạm" và chia sẻ là giao tiếp. Giao tiếp có thể bằng lời nói, cử chỉ, hành động... nhưng đều cần đảm bảo các yếu tố: Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, tôn trọng. Trong giao tiếp, người nói phải có người nghe, việc nghe rất quan trọng. Chỉ khi lắng nghe với tinh thần tích cực, có sự chia sẻ thì mới chạm được yêu thương.
Theo anh Nguyễn Hữu Tú, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, dù có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc và hạnh phúc gia đình, nhưng để tìm kiếm hạnh phúc chân chính và thực thụ, chúng ta cần kế thừa, phát huy giá trị hạnh phúc của gia đình truyền thống, đồng thời xác lập những quan niệm đúng đắn về hạnh phúc, đó là nỗ lực, cố gắng tự tạo ra niềm vui cho bản thân, gia đình mà không trông chờ, ỷ lại, hy vọng vào việc được nhận lại hạnh phúc từ người khác. Đặc biệt, thế hệ trẻ cần rèn luyện lối sống lành mạnh, tích cực và tránh xa lối sống ăn chơi, hưởng thụ để không sa vào các tệ nạn xã hội.
Tại diễn đàn, các bạn trẻ và các gia đình trẻ đã lắng nghe sự tư vấn từ các chuyên gia, nhà quản lý, những gia đình trẻ tiêu biểu có tầm ảnh hưởng để từ đó có kỹ năng khéo léo xử lý các tình huống bất đồng trong đời sống hằng ngày, giải quyết những mâu thuẫn thường gặp của vợ chồng trẻ. Những kinh nghiệm thực tế ấy cùng với việc đề cao sự yêu thương, tôn trọng là nền tảng cốt lõi để xóa mờ những hiểu lầm, kết nối và vun đắp tình cảm, gắn kết vợ chồng, lan tỏa giá trị tích cực để những gia đình trẻ tiếp tục giữ lửa hạnh phúc. Xây dựng các giá trị cốt lõi về hạnh phúc là thông điệp của diễn đàn, cũng là mục tiêu của chiến dịch truyền thông xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc mà Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai thực hiện.
KHÁNH MINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giu-lua-hanh-phuc-gia-dinh-tre-745014