Giữ lửa nghề rèn
Nghề rèn là nghề thủ công truyền thống ở nước ta. Trước đây, nhiều làng quê nhờ tiếng búa, tiếng đe mà trở nên trù phú. Xã hội ngày càng phát triển, các sản phẩm công nghiệp hiện đại đang lấn át các ngành nghề truyền thống và nghề rèn đang ngày một bị thu hẹp. Với tình yêu và ý thức giữ gìn giá trị nghề truyền thống, có một gia đình ở TP. Đồng Xoài vẫn quyết tâm duy trì lửa lò của gia đình suốt hơn 80 năm qua...
Giữa rất nhiều ngôi nhà kiến trúc hiện đại liền kề, một cơ sở lò rèn với vẹn nguyên những nét xưa cũ vẫn đang tồn tại ngay cạnh đường Phú Riềng Đỏ, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài. Chủ nhân của lò rèn này là anh Đoàn Đình Trọng (SN 1996), là con trai của một gia đình có nhiều đời liên tục gắn bó với nghề rèn và anh là đời thứ 4.
Năm 2016, khi đang học năm thứ hai Trường cao đẳng Điện lực TP. Hồ Chí Minh, gia đình anh Trọng gặp biến cố. Ông Đoàn Đình Dũng, bố của anh, không may bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương rất nặng, không còn đủ sức khỏe để tiếp tục công việc. Sau nhiều trăn trở, anh Trọng quyết định gác lại ước mơ cử nhân ngành tự động hóa công nghiệp để về tiếp quản công việc của gia đình, duy trì nghề rèn cho đến nay.
Dõi theo từng bước làm nghề của con, ông Dũng cho biết: Gia đình tôi sinh sống ở Đồng Xoài từ năm 1938, bắt đầu làm nghề rèn và duy trì nhiều đời liên tục cho đến nay. Từ khi tôi bị tai nạn, sức khỏe không còn như trước nên truyền nghề cho con. Thấy con chịu làm, tôi cũng mừng, thỉnh thoảng ra trông nom hướng dẫn thêm cho con.
Hiện đại gia đình anh Trọng còn 2 lò rèn khác do người thân quản lý và duy trì ngay cạnh lò của gia đình anh. Họ quây quần làm nghề bên nhau suốt mấy chục năm qua. Bản thân anh từ nhỏ cũng vừa học vừa phụ giúp bố mẹ giao - nhận hàng và phụ việc trong lò rèn nên khi vào làm anh không bỡ ngỡ nhiều. Tuy có chút nuối tiếc khi con trai phải gác lại ước mơ nhưng bà Trần Thị Chín, mẹ của anh Trọng, luôn động viên con kiên trì với nghề. “Từ ngày về làm dâu, tôi biết gia đình có nhiều đời theo nghề rèn. Do hoàn cảnh nên khi con trai quyết định gác lại việc học về tiếp quản công việc, tôi đã ủng hộ. Hiện con trai làm cũng đủ trang trải chi tiêu trong gia đình” - bà Chín chia sẻ.
Trải qua bao năm tháng, theo sự phát triển của thời đại, những vật dụng được rèn từ lửa lò của nghề rèn để phục vụ đời sống cũng ít dần, hiện chỉ còn mặt hàng dao cạo mủ cao su. Để đáp ứng nhu cầu người cạo mủ ở TP. Đồng Xoài và những vùng lân cận, mỗi ngày anh Trọng làm ra từ 40-45 con dao cạo. Niềm tin của khách hàng gần xa là động lực giúp anh duy trì nghề rèn của gia đình.
Chị Thị Pai, công nhân cạo mủ cao su ở ấp 5, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, dù cách lò rèn gần 10km nhưng 2 năm nay, chị thường xuyên mang dao cạo đến chỉnh sửa hoặc làm mới. Chị Thị Pai chia sẻ: “Tôi biết lò rèn này từ 2 năm nay. Tôi thường xuyên mang dao cạo đến sửa, đầu mùa thì đặt làm mới 5, 6 dao cạo cho nhà dùng và còn mua giùm hàng xóm làm nghề cạo mủ cao su nữa”.
Cuộc sống luôn có nhiều thay đổi và những ngành nghề triển vọng, thời thượng vẫn luôn có sức hấp dẫn với người trẻ, nhưng anh Trọng đã quyết tâm giữ lửa nghề rèn, như một cách giữ gìn truyền thống của gia đình. Để có thể bám trụ với nghề trong thời đại hiện nay, anh đã tự tìm tòi kết hợp kinh nghiệm của gia đình và tư duy bản thân nhằm duy trì, phát triển nghề.
Với nghề rèn thì phải thật nhẫn nại, cẩn thận trong từng sản phẩm. Bố tôi thường dạy muốn thành công với nghề cần sự kiên trì và đầu tư thời gian. Bản thân tôi cũng yêu thích nghề này. Nếu sau này xã hội còn cần, tôi mong muốn thế hệ con cháu của gia đình tiếp tục duy trì nghề.
Anh ĐOÀN ĐÌNH TRỌNG
phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài
Hiện một số nghề thủ công truyền thống đang dần bị mai một. Những gia đình có truyền thống làm nghề và giữ được nghề như gia đình anh Trọng rất đáng quý. Với họ, nghề rèn không chỉ giúp có thu nhập duy trì cuộc sống qua bao thế hệ mà còn là niềm tự hào của một đại gia đình. Để làm được điều đó, họ có sự quan tâm, yêu thương, đoàn kết và cả hy sinh đúng lúc của những thành viên trong gia đình. Đó cũng là cơ sở để họ giáo dục con cháu biết quý trọng và giữ gìn nghề của cha ông nhiều đời truyền lại cũng như để duy trì ánh lửa đỏ của nghề qua thách thức thời gian.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/146601/giu-lua-nghe-ren