Theo các bậc cao niên, không ai biết chính xác làng rèn Minh Khánh có từ bao giờ, họ chỉ biết cụ tổ nghề có gốc gác phía Bắc. Hơn 3 thế kỷ trước, cụ tổ cùng gia đình di cư vào Nam và chọn mảnh đất sát bên bờ sông Trà để khai hoang, lập nghề, lập làng. Kể từ đó, những lò rèn luôn đỏ lửa trên mảnh đất này.
Theo những người thợ, nghề rèn là nghề vất vả, đòi hỏi tính kiên nhẫn, sự bền bỉ và sức lực… chịu được cái nóng của lửa, bụi bặm. Từ những miếng sắt, thép thô, người thợ phải rất kỳ công để tạo thành các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng và tinh xảo.
Mỗi công đoạn sản xuất đều yêu cầu sự khéo léo rất cao của người thợ, nhất là phải biết “canh” nhiệt độ nhằm xác định thời gian tôi trong bễ là bao lâu để đưa ra sản phẩm đạt chất lượng.
Ông Nguyễn Tòng (66 tuổi) ở thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh đã có hơn 50 năm theo nghề thợ rèn. Cũng như các cao niên khác, ông Tòng cũng không rõ nghề có từ bao giờ. Ông chỉ biết ông là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm lò rèn.
Mỗi năm làng rèn Minh Khánh sản xuất ra khoảng hơn 200 nghìn sản phẩm, chủ yếu là rựa, liềm, dao, xẻng, cuốc, búa...
Sản phẩm của làng rèn Minh Khánh có nét riêng, sắc sảo khiến người dùng ưa thích. Các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được xuất đi các tỉnh phía nam và Tây Nguyên.
Trước đây, các công đoạn đều được làm thủ công và đòi hỏi người thợ rèn phải có sức khỏe. Những năm trở lại đây, hầu hết người dân làng rèn Minh Khánh chuyển dần từ làm thủ công sang máy móc. Những chiếc máy dập thép, máy mài, máy cắt... được đầu tư tạo năng suất cao hơn nhiều nên được sử dụng phổ biến.
Làng rèn Minh Khánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tỉnh Quảng Ngãi công nhận đây là làng nghề truyền thống. Sản phẩm từ làng nghề cũng đạt OCOP 3 sao.
Là nghề truyền thống, song đến nay không còn nhiều gia đình gắn bó với nghề rèn. Tuy nhiên, làng nghề Minh Khánh chưa bao giờ tắt lửa. Hiện nay còn có khoảng 60 hộ gắn bó với nghề rèn.
Thực hiện: MINH NGỌC