'Giữ lửa' nồi cháo yêu thương cho bệnh nhân nghèo

Nhiều năm nay, có một mô hình nấu cháo cấp phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo được 'giữ lửa' bền bỉ bởi một chi hội phụ nữ cơ sở với những thành viên tâm huyết. Đó là mô hình 'Nồi cháo yêu thương' của Chi hội Phụ nữ Khu phố 2, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Từ tấm lòng của chị em, đã có hàng chục nghìn suất cháo nghĩa tình, bổ dưỡng đến với bệnh nhân, thân nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chị em Chi hội Phụ nữ Khu phố 2 tham gia phát cháo cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Đ.V

Chị em Chi hội Phụ nữ Khu phố 2 tham gia phát cháo cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Đ.V

Khởi phát ý tưởng thành lập mô hình “Nồi cháo yêu thương” là chị Hồ Thị Diễm Châu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 2. Chị Châu cho biết, bản thân vốn rất quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội. Năm 2020, chị Châu được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 2 và kiêm nhiệm một số công việc đoàn thể khác ở địa phương.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết của mình, ngay từ đợt đầu COVID-19, chị đã cùng tham gia nhiều hoạt động thiết thực như nấu cơm chia sẻ với người dân ở vùng dịch phía Nam trở về quê; nấu cơm hỗ trợ bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện ở TP. Đông Hà khi dịch bùng phát; vận động, hỗ trợ rau củ quả, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly...

“Thực ra, tôi đã ấp ủ và bàn với chị em trong chi hội tổ chức mô hình “Nồi cháo yêu thương” từ trước nhưng COVID xảy ra nên gián đoạn một thời gian. Sau khi dịch qua đi, chúng tôi đã tổ chức ra mắt mô hình “Nồi cháo yêu thương” của Chi hội Phụ nữ Khu phố 2 và duy trì đều đặn cho đến nay. Cuối tháng 10/2024 là tròn 3 năm nồi cháo đỏ lửa”, chị Châu cho biết.

Toàn chi hội có khoảng 90 - 100 hội viên, trong đó nhóm nòng cốt tham gia nồi cháo khoảng 10 chị. Nguồn kinh phí để duy trì nồi cháo chủ yếu đến từ sự ủng hộ của hội viên, trong đó đóng góp thường xuyên là từ nhóm chị em nòng cốt trong chi hội. Ngoài ra, nồi cháo cũng nhận được sự sẻ chia, ủng hộ từ các hội viên, các chi hội phụ nữ, hội phụ nữ trong và ngoài phường.

“Có chị hỗ trợ 10.000, 20.000, 50.000 đồng, cũng có chị ủng hộ 100.000, 200.000 đồng/tháng. Chị em hỗ trợ kinh phí hay trực tiếp tham gia nấu cháo cũng đều xuất phát từ tấm lòng của mình với mong muốn góp phần nhỏ công sức sẻ chia với những bệnh nhân khó khăn. Mỗi bát cháo trao đến người bệnh kịp thời, giúp họ có sức khỏe để điều trị bệnh khiến chị em chúng tôi rất vui và có thêm động lực để duy trì công việc ý nghĩa này”, chị Châu chia sẻ.

Đều đặn từ 3 năm nay, mô hình “Nồi cháo yêu thương” của Chi hội Phụ nữ Khu phố 2 luôn đỏ lửa với 2 - 3 lần/tháng. Chi phí mỗi lần nấu khoảng 2,5 triệu đồng. Sau khi chị em đi chợ với đầy đủ nguyên liệu tươi ngon và nấu cháo xong thì đưa cháo đến phát cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh với khoảng 250 - 300 suất/lần.

Ngoài ra, theo chị Châu, thỉnh thoảng được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chị em cũng tiến hành nấu và cấp phát cháo cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải. Việc duy trì mô hình dù còn nhiều khó khăn, vất vả song mỗi lần nấu cháo chị Châu cũng như các thành viên đều rất vui vì thấy việc làm của mình có ý nghĩa.

“Tôi và các thành viên khác sẽ tiếp tục công việc ý nghĩa này với mong muốn chia sẻ, giảm bớt phần nào khó khăn cho các bệnh nhân, giúp họ yên tâm điều trị bệnh”, chị Châu nói.

Chủ tịch Hội LHPN phường Đông Thanh Hồ Thị Mơ cho biết, mô hình “Nồi cháo yêu thương” của Chi hội Phụ nữ Khu phố 2 có ý nghĩa thiết thực và nhân văn. Tấm lòng của các chị đã góp phần chia sẻ khó khăn với rất nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong lúc đau ốm.

“Mô hình cũng đã góp phần tạo sức lan tỏa những việc làm ý nghĩa, tử tế trong các chi hội, hội viên. Mong rằng, các thành viên sẽ tiếp tục duy trì tốt mô hình và ngày càng có thêm nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đồng hành, ủng hộ để có thêm nhiều bệnh nhân được chia sẻ những suất cháo nghĩa tình”, chị Mơ cho biết.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giu-lua-noi-chao-yeu-thuong-cho-benh-nhan-ngheo-189168.htm