Giữ lửa tri thức bản địa trong men rượu ngô Bản Phố

Huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) được mệnh danh là 'cao nguyên trắng' giữa lưng trời Tây Bắc. Không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan hùng vĩ và bản làng người H'Mông đặc sắc, nơi đây còn được biết đến với rượu ngô Bản Phố - sản vật độc đáo kết tinh từ hạt ngô núi đá, men lá rừng và đôi bàn tay tài hoa của người bản xứ. Không đơn thuần là một loại thức uống, rượu ngô còn là biểu tượng văn hóa, là di sản của dòng tri thức dân gian bền bỉ được trao truyền qua nhiều thế hệ.

Không ai nhớ chính xác nghề nấu rượu ngô ra đời từ khi nào. Chỉ biết rằng từ bao đời nay, đồng bào H'Mông ở các xã Tả Van Chư, Bản Phố, Tả Củ Tỷ… vẫn đều đặn nhóm lửa trong gian bếp đất, chưng cất từng mẻ rượu thơm nồng. Nghề theo tay người gắn bó chặt chẽ với đời sống lao động, tập quán canh tác tạo nên bản sắc riêng của cộng đồng vùng cao.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Điều làm nên sự đặc biệt của rượu ngô Bản Phố không chỉ là nguyên liệu mà còn là hệ thống tri thức bản địa đã được tích lũy, sàng lọc và trao truyền qua nhiều thế hệ. Từ khâu chọn giống ngô vàng địa phương trồng trên các triền đá Lùng Phình đến kỹ thuật phơi khô tự nhiên trên gác bếp để giữ được độ dẻo, hàm lượng tinh bột, hương vị đặc trưng của hạt ngô khi nấu.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Ngô sau khi tách hạt, đem xay nhuyễn, đồ chín, trộn men lá rồi ủ kín trong chum vại. Men lá là thành phần quan trọng quyết định hương vị rượu ngô, là bí quyết chỉ được trao truyền trong gia đình.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Để làm ra thức men truyền thống này, người H'Mông phải lên rừng hái hàng chục loại lá và những loài thảo mộc mọc trên núi cao. Những nguyên liệu này được rửa sạch, phơi khô, nghiền nhỏ rồi trộn theo công thức bí truyền. Bột men có màu xám nhạt, mùi thơm hăng, cay nồng, ngai ngái chính là “linh hồn” của rượu ngô.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Không gian nấu rượu cũng phản ánh sự hòa quyện giữa kỹ thuật dân gian và bản sắc văn hóa vùng cao. Bếp rượu thường đặt cạnh chái nhà, nơi kín gió và giữ nhiệt tốt. Dụng cụ nấu rượu gồm nồi đồng, ống dẫn hơi bằng tre nứa, chum sành… đều là vật dụng thủ công góp phần tạo nên hương vị riêng biệt cho rượu ngô Bản Phố. Nước suối dùng để nấu rượu nhất thiết phải là dòng nước mát lành chảy từ núi đá vôi.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Có thể nói, nghề nấu rượu là kết tinh của cả một kho tàng tri thức dân gian về thổ nhưỡng, khí hậu đến sinh học, dược học và kỹ thuật thủ công được truyền miệng.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Người nấu rượu không dùng đến máy móc hiện đại, không qua sách vở mà dựa vào cảm quan tinh tế, trải nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm truyền khẩu: nhìn màu rượu trong hay đục, nghe tiếng sôi trong nồi, ngửi mùi lên men để điều chỉnh lửa, canh thời gian ủ men… Mỗi công đoạn đều được thực hiện với sự tỉ mỉ, chỉn chu, bền bỉ cho đến khi ra được thứ rượu ngô đậm đà, thơm nồng.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Không chỉ là sản phẩm ẩm thực, rượu ngô còn là nguồn sinh kế thiết thực đối với nhiều hộ gia đình người H'Mông. Từ chỗ chỉ phục vụ trong cộng đồng, đến nay rượu ngô Bản Phố-Bắc Hà đã trở thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, được cấp nhãn hiệu tập thể.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Một số hộ sản xuất đã chủ động đầu tư bao bì, mã vạch, tem chống hàng giả để phục vụ du lịch và thị trường hàng hóa. Nhờ đó, rượu ngô xuất hiện trong các lễ hội văn hóa, hội chợ ẩm thực, đặc sản vùng miền, sự kiện quảng bá sản phẩm vùng cao và hiện diện ở nhiều nhà hàng, khách sạn.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, rượu ngô Bản Phố là minh chứng cho giá trị lâu bền của tri thức dân gian gắn liền phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa địa phương.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Tỉnh Lào Cai và huyện Bắc Hà đã xây dựng chính sách hỗ trợ làng nghề truyền thống gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tổ chức các lễ hội ẩm thực vùng cao để tôn vinh nghề truyền thống đồng thời xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm này. Đến nay, rượu ngô Bản Phố đã được công nhận đạt chuẩn OCOP bốn sao cùng chè hữu cơ Bản Liền đạt tiêu chuẩn năm sao, trở thành những mặt hàng chủ lực của huyện Bắc Hà.

(Ảnh: VŨ LINH)

(Ảnh: VŨ LINH)

Về lâu dài, hướng phát triển bền vững là gắn nghề nấu rượu với phát triển du lịch cộng đồng. Du khách đến Bắc Hà không chỉ ngắm những rừng mận nở trắng trời, hòa mình trong không khí nhộn nhịp của chợ phiên, thưởng thức nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông… mà còn có thể trải nghiệm các công đoạn trong quá trình nấu rượu ngô Bản Phố, nghe những câu chuyện dân gian về quá trình làm men rượu, thưởng thức rượu ngô ngay bên bếp lửa cùng người dân bản xứ. Những tour du lịch trải nghiệm như vậy không chỉ làm phong phú sản phẩm du lịch mà còn góp phần gìn giữ văn hóa và tạo sinh kế cho người dân.

Trong hành trình bảo tồn văn hóa dân tộc, nghề nấu rượu ngô Bản Phố không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là biểu tượng của tri thức dân gian đóng vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch bền vững.

NGỌC LIÊN VŨ LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giu-lua-tri-thuc-ban-dia-trong-men-ruou-ngo-ban-pho-post879082.html