Giữ lửa Truông Bồn

Những ngày cuối tháng 7, khách thập phương đội nắng nườm nượp đổ về Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An). ''Có ngày hơn 1.000 người đến viếng khu di tích lịch sử Truông Bồn, bọn em quần quật từ sáng đến tối mịt. Mỗi ngày ở Truông Bồn lại thêm một kỷ niệm, thêm nhiều câu chuyện xúc động'', Nguyễn Thị Nhung, hướng dẫn viên kể.

Tháng 7, tìm về ‘‘tọa độ lửa’’

Ngày đang thử việc ở UBND xã Thanh Lâm, Nhung tình cờ đọc được thông báo tuyển dụng nhân sự tại Khu di tích Truông Bồn. ‘‘Tìm cho mình công việc ổn định là một lẽ, nhưng lớn hơn là em muốn thử sức, cống hiến ở môi trường mới, địa danh mà những người trẻ như chúng em đã nhiều lần đặt chân đến, được nghe kể về sự hy sinh anh dũng, quả cảm của các cô các bác thanh niên xung phong (TNXP)’’, Nguyễn Thị Nhung cho hay. Trúng tuyển vào vị trí hướng dẫn viên ở tọa độ lửa năm nào là ngã rẽ lớn trong cuộc đời cô.

Truông Bồn đón màu áo xanh tình nguyện trong cái nắng chói chang, bỏng rát gió Lào mùa hè 2014. Anh Chu Vĩnh Hiệp, người từng nhiều năm gắn bó với phong trào TNXP, được Tỉnh Đoàn Nghệ An cử lên Mỹ Sơn - Đô Lương làm thủ lĩnh ‘‘tiếp quản’’ Truông Bồn khi tọa độ lửa năm nào thành hình hài của một khu chứng tích chiến tranh. Vùng đất heo hút, phờ phạc nắng gió miền Trung bỗng thay da đổi thịt, khoác lên mình tấm áo mới.

Công trình vừa khánh thành, chưa có chỗ ở cho anh chị em, Ban quản lý Truông Bồn phải lấy dãy nhà cấp bốn vừa xây ở cuối dốc ngăn từng phòng nhỏ để mọi người có chỗ tá túc, che mưa trú nắng. Năm 2018, Phan Trọng Lộc - Trưởng ban Đoàn kết TN, Phó chủ tịch Hội LHTN Nghệ An được Tỉnh Đoàn điều động về Truông Bồn thay anh Chu Vĩnh Hiệp.

‘‘Lượng khách du lịch đến Truông Bồn tăng đều qua các năm, đông nhất tập trung vào các ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ tết. Từ tháng 3 đến tháng 7, tháng 10 lượng khách tăng đột biến, có những ngày Truông Bồn đón trên 5.000 lượt khách tham quan’’, Lộc cho biết. Năm ngoái, Ban Quản lý Khu di tích đã tổ chức đón tiếp và phục vụ 3.160 đoàn khách, với hơn 162.800 người; năm 2019 dự kiến có khoảng 175.000 người về thăm viếng Truông Bồn.

‘‘Mỗi ngày túc trực bên phần mộ các anh hùng liệt sỹ TNXP, được nghe nhiều câu chuyện xúc động của một thời trận mạc và thường xuyên được gặp gỡ, tiếp xúc với các bác cựu chiến binh, cựu TNXP thăm lại chiến trường xưa, là mỗi ngày ý nghĩa đối với người làm hướng dẫn viên như em’’, Nguyễn Thị Nhung chia sẻ. Có những câu chuyện, những số phận, những chứng tích bom đạn của một thời chiến tranh được đồng đội cũ của những người đã nằm xuống về thăm lại chiến trường xưa kể lại, Nhung đưa vào bài thuyết minh của mình. Với chất giọng đặc trưng xứ Nghệ, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Thu và các hướng dẫn viên khác khiến không ít du khách rơi nước mắt khi đến viếng nơi một thời là ‘‘tọa độ lửa’’ khốc liệt.

Đài tưởng niệm chiến thắng Truông Bồn

Đài tưởng niệm chiến thắng Truông Bồn

Giữ lửa Truông Bồn

Lặng lẽ, nhiệt huyết, những chàng trai, cô gái trong màu áo xanh tình nguyện đang ‘‘trấn giữ’’ Truông Bồn với công việc giản dị hàng ngày là hương khói, thuyết minh, hướng dẫn khách viếng thăm và chăm sóc các phần mộ liệt sỹ TNXP, thực sự là những người giữ lửa, truyền lửa. Ngọn lửa yêu nước, ngọn lửa về lòng quả cảm, ý chí quật cường của bao thế hệ TNXP luôn được tuổi trẻ ấp ủ, truyền cảm hứng, khơi dậy một thời hào hùng, bi tráng.

Tháng 7, mỗi ngày có hàng nghìn người vế viếng, thắp hương tại Truông Bồn

Tháng 7, mỗi ngày có hàng nghìn người vế viếng, thắp hương tại Truông Bồn

Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, tiêu biểu là sự cống hiến và hy sinh oanh liệt ngày 31/10/1968 của 13 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội thép”, ngày 23/9/2008 Chủ tịch nước có Quyết định số 1304/QĐ-CTN Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 13 chiến sĩ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An. Ngày 19/4/2010 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1591/QĐUBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn.

Đồng hành với Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo Khu di tích trên diện tích 217.327m2 với tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Khu di tích lịch sử Truông Bồn gồm nhiều hạng mục tâm linh: Khu mộ và nhà che mộ 13 Anh hùng liệt sĩ TNXP, nhà tưởng niệm, đài tưởng niệm các liệt sĩ, sân lễ hội,nhà trưng bày truyền thống... tạo thành quần thể kiến trúc ấm áp, kết nối hành trình trên đường thiên lý đến Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); hang Tám Cô (Quảng Bình).

Cứ đến ngày thương binh liệt sỹ (TBLS) 27/7, ngày 31/10- ngày giỗ 13 liệt sỹ TNXP, mỗi lần về thăm Truông Bồn tôi lại gặp ông Nguyễn Tâm Cớn. Quê xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tham gia TNXP năm 1965. Năm 1967 ông cùng đại đội 317 chuyển quân từ Nam Thanh (Nam Đàn, Nghệ An) về trấn giữ Truông Bồn, từng là Đội trưởng đội phá bom cảm tử tại chảo lửa Mỹ Sơn- Đô Lương.

“Có những trưa gió Lào khô khốc, chúng tôi ngồi trong hầm chỉ huy giữa vùng đồi núi hoang vắng tịnh không một tiếng động, trông ra triền đồi bị bom đạn cạo trọc, bốn bề chi chít hố bom, mà thấy nôn nao’’, ông Cớn nhớ lại. Cùng Đội phó Nguyễn Như Trọng, Hồ Sỹ Nho và các ‘‘cảm tử quân’’ Nguyễn Văn Căn, Nguyễn Văn Lập, Thái Thị Thoa, Nguyễn Văn Thoại, chỉ tính trong năm 1968 ông và đồng đội đã rà phá hàng nghìn quả bom nổ chậm. Nhiều đội viên trong tổ phá bom cảm tử chết hụt vì bom nổ, hoặc sức ép bom để lại di chứng tai điếc, mắt mờ...

Từ năm 1964 - 1968 mảnh đất này hứng chịu 18.936 quả bom các loại, hàng chục ngàn quả tên lửa, 211 thôn, làng dọc tuyến đường bị tàn phá, nhiều người dân xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương bị sát hại; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, TNXP, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương. Rạng sáng ngày 31/10/1968, một loạt bom giặc ném xuống Truông Bồn, 13 chiến sĩ “Tiểu đội cảm tử” thuộc Đại đội TNXP 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh.

Quang Long

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/giu-lua-truong-bon-1444937.tpo