Giữ mạch nguồn dân ca chảy mãi

Sinh ra và lớn lên cùng làn điệu dân ca, nhiều người dân huyện Vĩnh Linh rất trăn trở khi thấy kho tàng văn hóa mà ông cha để lại không còn được yêu chuộng như trước. Chung một quyết tâm, họ đã tìm đến với nhau, xây dựng và phát triển Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Sông Hiền. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với ông NGUYỄN THANH HỒNG, Chủ nhiệm CLB Dân ca Sông Hiền để tìm hiểu về những nỗ lực giữ mạch nguồn dân ca chảy mãi.

- Thưa ông! Ông có thể cho biết, việc gìn giữ, lan tỏa những làn điệu dân ca truyền thống có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hôm nay?

- Dân ca là nét đẹp văn hóa dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của người dân Việt Nam. Trước đây, những điệu hò, điệu lý vang lên trên sông nước, ruộng đồng giúp người lao động vơi đi những lo toan, mệt mỏi. Với sự sâu lắng, trữ tình, dân ca đã se duyên cho bao đôi trai gái. Trong kháng chiến, một thời ông cha ta sử dụng các làn điệu dân ca, hò vè làm công tác địch vận, kêu gọi, chiêu hồi binh lính hạ súng, quay về với Tổ quốc…

Cho đến hôm nay, kho tàng dân ca vẫn vẹn nguyên giá trị. Từng câu, từng chữ trong các làn điệu dân ca giúp mọi người xích lại gần nhau, sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, cũng như nhiều người, tôi nghĩ rằng, việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển dân ca nói chung, dân ca Bình Trị Thiên nói riêng là rất quan trọng và cần thiết. Nó có ý nghĩa không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau.

- Phải chăng đó là lý do thôi thúc ông và những người con khác ở mảnh đất Vĩnh Linh chung tay xây dựng CLB Dân ca Sông Hiền?

- Là người con của quê hương Vĩnh Linh, tôi cũng như các thành viên khác trong CLB Dân ca Sông Hiền lớn lên cùng làn điệu dân ca. Đối với chúng tôi, dân ca như một phần máu thịt trong cơ thể mình. Vì thế, tôi cũng như nhiều người rất trăn trở khi thấy những làn điệu dân ca không còn được yêu chuộng nhiều như trước. Thực tế ấy thôi thúc tôi và những người nặng lòng với dân ca khác tìm đến với nhau. Được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND huyện Vĩnh Linh, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể dục thể thao, Phòng Văn hóa huyện, CLB Dân ca Sông Hiền ra đời vào tháng 10/2017 với mục đích sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ các loại hình văn hóa dân gian và dân ca Bình Trị Thiên. Tên của CLB xuất phát từ con sông Hiền Lương, nơi mà thế hệ đi trước của chúng tôi vẫn thường cất lên điệu lý, câu hò như hò mái đẩy, hò mái nhì, hò ru con… để làm công tác địch vận.

- 4 năm trôi qua kể từ ngày thành lập, CLB Dân ca Sông Hiền đã có những nỗ lực như thế nào trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy những làn điệu dân ca, thưa ông?

- Cùng chung nỗi trăn trở và sự quyết tâm nên thành viên CLB Dân ca Sông Hiền đều ý thức cao trong việc dựng xây CLB. Nhờ thế, CLB đã có những bước tiến rất vững chắc. Các thành viên nghiêm túc thực hiện quy chế hoạt động, tập luyện do ban chủ nhiệm đề ra. Hiện nay, CLB Dân ca Sông Hiền có 3 nhóm chính. Nhóm nhạc công gồm 4 thành viên, chuyên tập luyện các loại nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, trống… sao cho ăn khớp với từng giai điệu, tổ khúc được lựa chọn. Nhóm sáng tác chuyên sưu tầm, tìm tòi, học hỏi, sáng tác các tổ khúc và hoạt cảnh dân ca theo từng chủ đề, thể loại mà ban chủ nhiệm đưa ra. Nhóm truyền tải, biểu diễn tập trung tổ chức tập luyện các làn điệu, tổ khúc dân ca và biểu diễn trên sân khấu. Trong điều kiện không có nguồn quỹ nhưng tất cả các nhóm đều nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến.

 Thành viên CLB Dân ca Sông Hiền trong một buổi giao lưu, biểu diễn - Ảnh: NVCC

Thành viên CLB Dân ca Sông Hiền trong một buổi giao lưu, biểu diễn - Ảnh: NVCC

Cùng với nhau, thành viên CLB Dân ca Sông Hiền đã dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật dân gian phục vụ khán giả. Điều đáng mừng là sau khi công diễn, các chương trình đều được đánh giá cao về chất lượng. Từ đây, nhiều phòng, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong huyện, tỉnh đã liên lạc với CLB để hợp đồng biểu diễn, dàn dựng các tiết mục văn nghệ dân gian. Nhiều tiết mục do CLB dàn dựng, biểu diễn đã đạt thành tích cao tại các liên hoan, hội thi, hội diễn. Ngoài ra, CLB cũng đã phối hợp tổ chức giao lưu, biểu diễn với các CLB ngoài tỉnh như: CLB Ca nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, CLB Hò khoan Lệ Thủy Quảng Bình… Hiện nay, chúng tôi là đơn vị kết nghĩa của CLB Ca nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

- Được biết, hiện nay CLB đang tập trung ươm mầm dân ca cho các em nhỏ. Mong ông chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

- Đối với mỗi thành viên CLB Dân ca Sông Hiền, việc truyền dạy dân ca cho thế hệ tiếp nối là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ngoài truyền dạy cho con cháu của mình, vào mỗi dịp hè, chúng tôi thường tổ chức lớp học dân ca cho các em nhỏ khác. Không những thế, CLB còn nỗ lực đưa dân ca vào trường học thông qua việc tham gia các buổi ngoại khóa hay ngày hội văn hóa dân gian. Mới đây nhất, chúng tôi đã mang lời ca, tiếng nhạc truyền thống đến với ngày hội dân gian ở các trường: Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Hồ Xá và Tiểu học Vĩnh Thủy.

Điều khiến các thành viên CLB vui mừng là nhiều em học sinh rất thích thú khi lắng nghe những làn điệu dân ca. Cách đây không lâu, CLB Dân ca Sông Hiền đã đề xuất đưa dân ca vào trường học. Nguyện vọng của chúng tôi là tổ chức ít nhất mỗi tuần một tiết dân ca cho học sinh. Vào cuối kỳ hoặc cuối năm, có thể tổ chức cho các em hội thi hát dân ca theo từng độ tuổi. Rất vui vì mong muốn này của chúng tôi bước đầu được thực hiện và được các em học sinh đón chờ.

- Ông có thể chia sẻ thêm về những tháng ngày miệt mài gìn giữ làn điệu dân ca, ông và các thành viên trong CLB có những kỷ niệm đáng nhớ nào?

- Trong quá trình giữ mạch nguồn dân ca chảy mãi, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Đến giờ, thành viên trong CLB vẫn không thể quên những chuyến đi dàn dựng, biểu diễn phục vụ các cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Có lần, anh chị em trong CLB ra đảo Cồn Cỏ biểu diễn. Trong chuyến đi đó, một số người bị say sóng, cơ thể mềm như sợi bún. Vậy mà khi đến nơi, ai nấy đều bắt tay ngay vào việc chuẩn bị trang phục, nhạc cụ, đạo cụ để biểu diễn. Hành trình phong ba vừa trải qua dường như không làm mọi người nản chí bởi niềm đam mê được cất lên những câu hò, điệu ví phục vụ cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo luôn ấp ủ trong lòng.

Trong 4 năm ra đời, CLB Dân ca Sông Hiền đã có 2 năm đối diện với khó khăn, thử thách do COVID-19. Không thể tập trung đông người, chúng tôi lên kế hoạch tập luyện theo từng nhóm; tập luyện online; quay video, thu âm… Đặc biệt, nhiều anh chị em trong CLB đã bám sát thực tiễn cuộc sống, có những sáng tác kêu gọi mọi người chung lòng, chung sức chống dịch như: “Thiên thần áo trắng”, “Gửi bạn Bắc Giang”, “Con hiểu rồi”…

- Mong ông chia sẻ về một số dự định, kế hoạch của CLB trong thời gian tới?

- Ngay sau khi ra đời, CLB Dân ca Sông Hiền đã xây dựng kế hoạch trước mắt và lâu dài để bảo tồn, gìn giữ, phát huy những làn điệu dân ca mà ông cha để lại. Hiện nay, chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức các chương trình mừng Đảng, mừng Xuân; góp sức để bảo tồn bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tiếp tục chung tay chống COVID-19 bằng những làn điệu dân ca… Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để giữ mạch nguồn dân ca chảy mãi.

- Xin cảm ơn ông!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=163091&title=giu-mach-nguon-dan-ca-chay-mai