Giữ nét đẹp văn hóa du Xuân

Du Xuân là nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc được trao truyền qua nhiều thế hệ. Cứ mỗi dịp đầu năm mới, nhiều người, nhiều gia đình lại tổ chức đi du Xuân để cầu sức khỏe, bình an, may mắn, công việc hanh thông.

Tuy nhiên, bên cạnh nét đẹp văn hóa khi du Xuân vẫn còn những thói xấu cần loại bỏ như ăn mặc phản cảm tại các điểm văn hóa tâm linh, di tích lịch sử; lạm dụng đốt vàng mã; đánh cờ bạc trá hình…

Bài 1: Gắn kết cộng đồng

Những ngày này, khi hương Xuân tràn ngập khắp đất trời, người người, nhà nhà lại háo hức với những chuyến du Xuân gần xa. Du Xuân không chỉ để gửi gắm ước vọng năm mới mà còn là dịp để thưởng thức cảnh sắc mùa Xuân, gắn kết gia đình, bạn bè, cộng đồng và hiểu thêm về giá trị văn hóa của dân tộc.

Du Xuân cầu bình an, chia sẻ niềm vui, hạnh phúc

Tục lệ du Xuân có từ lâu đời trong văn hóa Việt Nam. Xuất phát từ tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống, người Việt tin rằng việc khởi hành đầu năm thuận lợi sẽ mang lại nhiều may mắn, thành công cho cả năm. Ngày nay, phong tục du Xuân vẫn giữ được những giá trị truyền thống nhưng đã có nhiều sự thay đổi để phù hợp với lối sống hiện đại.

Địa điểm du Xuân trong và sau Tết được nhiều người lựa chọn nhất vẫn là đình, chùa, đền - nơi linh thiêng, thanh tịnh mang lại cảm giác bình an, thư thái trong tâm hồn mỗi người. Tùy vào điều kiện của từng gia đình, có người lựa chọn đình, chùa gần nhà để vãng cảnh đầu năm, cầu chúc một năm mới nhiều sức khỏe, bình an. Có người lựa chọn những chuyến du Xuân xa nhà cùng gia đình, bạn bè, ghé thăm những địa danh nổi tiếng của đất nước, để chia sẻ niềm vui trong năm mới, khám phá văn hóa và yêu hơn cảnh đẹp nước nhà.

Những ngôi đền, đình, chùa nổi tiếng ở Hà Nội thường là địa điểm du Xuân được nhiều người yêu thích như chùa Hương (huyện Mỹ Đức), chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ), chùa Một Cột (Ba Đình), chùa Quán Sứ, đền Ngọc Sơn, đình Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm)…

Ngoài ra, những địa điểm du Xuân được nhiều người dân cả nước lựa chọn như chùa Bái Đính (Ninh Bình); chùa Đồng Yên Tử, chùa Ba Vàng (Quảng Ninh); chùa Tam Chúc (Hà Nam); chùa Thiên Mụ (Huế); Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng)…

Khai hội chùa Hương. Ảnh: Khánh Huy

Khai hội chùa Hương. Ảnh: Khánh Huy

Trong tà áo dài truyền thống, chị Phan Thúy Hằng (quận Hà Đông, Hà Nội) cùng chồng và con gái háo hức trong chuyến du Xuân ngày mùng 5 Tết. Chị chia sẻ, Tết năm nay thật đặc biệt khi chồng chị đón Tết cùng gia đình sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài. Niềm vui năm mới vì thế cũng tròn đầy hơn. Mồng 5 Tết, cả gia đình chị du Xuân ở Hồ Gươm và Hồ Tây.

"Chúng tôi ghé thăm đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc cầu bình an, may mắn cho gia đình, cũng là dịp để thưởng ngoạn cảnh đẹp giúp tâm hồn thư thái sau một năm làm việc vất vả với bao lo toan, bộn bề của cuộc sống. Con gái tôi rất thích chuyến du Xuân này vì lâu lắm mới được cùng bố mẹ đi chơi. Đây cũng là dịp để cháu tìm hiểu, trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc” - chị Phan Thúy Hằng chia sẻ.

Với chị Hoàng Thị Hồng (quận Long Biên, Hà Nội), năm nay đặc biệt hơn khi gia đình chị có chuyến khởi hành đầu năm mới đến một ngôi chùa ở miền Nam. “Lần đầu tiên ăn Tết xa nhà nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được những tình cảm ấm áp của nhiều người từ khắp mọi miền đất nước về chùa du Xuân, cùng nhân lên những điều thiện lành trong năm mới” - chị Hoàng Thị Hồng cho biết.

Du Xuân, dù là ở trong thời đại nào vẫn luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Dù ngày nay, việc du Xuân đã biến đổi theo nhiều hình thức khác nhau nhưng tựu chung ý nghĩa của các hoạt động du Xuân vẫn là để tận hưởng những ngày nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc căng thẳng và bắt đầu cho một năm mới suôn sẻ, sung túc và bình an.

GS.TS Phạm Hồng Tung - Đại học Quốc gia Hà Nội

Bên cạnh đó, nhiều người lựa chọn du Xuân ở những khu di tích lịch sử, văn hóa. Điểm đến được nhiều gia đình ở Hà Nội lựa chọn trong mỗi dịp Tết là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thông tin từ Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tính riêng trong 3 ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón 65.000 lượt du khách. Một trong những hoạt động được nhiều người quan tâm nhất là xin chữ dịp đầu năm mới để lấy may, mong cầu tài lộc, học hành tấn tới, sự nghiệp thăng tiến, đồng thời thể hiện tinh thần trọng chữ, trọng tri thức của người Việt.

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung - Đại học Quốc gia Hà Nội, du Xuân mọi người không chỉ đến những nơi phong cảnh đẹp mà còn đến những không gian thiêng như đình, chùa, nhà thờ, văn miếu… mà người ta tin rằng khi đến đó có thể gửi những tâm nguyện của mình, cầu quốc thái dân an, cầu cho gia đình được may mắn, cầu duyên, cầu tình, cầu tự, cầu phước, cầu tài, cầu lộc. Chính vì thế du Xuân rất có ý nghĩa.

Hòa mình trong các lễ hội

Theo thống kê, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng... Trong đó, Hà Nội được xem là nơi có nhiều lễ hội nhất, với hơn 1.600 lễ hội, thường diễn ra vào mùa Xuân, thời điểm bắt đầu một năm mới với nhiều hi vọng. Đã thành thông lệ, mùa lễ hội đầu năm thu hút đông đảo người dân thập phương đi du Xuân.

Một trong những địa điểm du Xuân lý tưởng thường được người dân Thủ đô cũng như người dân khắp cả nước lựa chọn là chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức). Đây là trung tâm của một quần thể văn hóa, tôn giáo gồm nhiều ngôi đền, chùa cổ kính và thiêng liêng.

Lễ hội chùa Hương bắt đầu vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm, thu hút hàng vạn du khách, phật tử từ khắp mọi miền Tổ quốc đến chiêm bái. Riêng trong ngày khai hội năm nay đã thu hút số lượng du khách khoảng 2 vạn người.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết, điểm nhấn của lễ hội năm nay là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng của huyện.

"Hành hương về với chùa Hương là nét đẹp của mỗi Phật tử, du khách vốn có từ nghìn xưa trở về nơi miền đất Phật. Lễ hội chùa Hương là sự kết nối giữa di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, là cầu nối giữa hiện tại, quá khứ và tương lai” - ông Đặng Văn Cảnh nói.

Hòa chung niềm vui lễ hội đầu Xuân năm mới ở Thủ đô, ngày 5/2 (mùng 8 Tết Ất Tỵ), lễ hội làng Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chính thức được diễn ra sau 5 năm, đặc sắc nhất với màn kiệu "bay" khắp các con ngõ, phố tạo nên một không khí sôi động trong những ngày đầu Xuân năm mới. Để tỏ lòng biết ơn công lao các vị thành hoàng, cứ 5 năm làng Phú Đô lại tổ chức rước Thánh một lần (từ mùng 8 - 9 tháng Giêng). Lễ rước lớn được tiến hành từ đình làng xuống bãi Tế Yến, đền Hai Bà Hoàng, đền Cầu Đôi…

Cũng trong ngày 5/2 (mùng 8 Tết Ất Tỵ), người dân làng Thị Cấm (Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tấp nập rủ nhau đến chật kín sân đình xem hội thi nấu cơm làng Thị Cấm - một trong những lễ hội dân gian độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đây là hội thi nhằm tri ân tướng quân Phan Tây Nhạc, một vị tướng từ thời Hùng Vương có công giúp nước. Lễ hội không chỉ là dịp để người dân trong làng sum vầy, ôn lại truyền thống mà còn mang ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần đoàn kết, sự khéo léo và kiên trì của cha ông. Với những giá trị độc đáo, hội thi thổi cơm đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2021.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khi người dân hiểu được giá trị di sản, tự hào về di sản, truyền thống dân tộc thì bản thân mỗi người sẽ có trách nhiệm bảo vệ và tham gia vào hoạt động lễ hội văn minh, không vi phạm quy định của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Ban Tổ chức lễ hội đề ra.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng cho biết, nhờ công tác tuyên truyền, vận động, nhất là từ chia sẻ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến nay tình trạng đốt vàng mã, đốt hương trong các đình, đền, chùa, điểm văn hóa tâm linh đã giảm rõ rệt.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ tham gia vào thực hành các lễ hội như khiêng kiệu, lỗ bộ, cầm cờ, được bậc cao niên giảng giải, hướng dẫn cặn kẽ về các nghi lễ truyền thống. Đây cũng là cách giáo dục truyền thống, để thế hệ trẻ hiểu và thêm yêu truyền thống văn hóa của dân tộc.

GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật
quốc gia Việt Nam

“Người dân xác định tâm thế đi lễ hội với cái tâm là chính nên thái độ, hành vi đi lễ cũng rất khác để văn minh, an toàn hơn. Cục Văn hóa cơ sở cũng đã ban hành hướng dẫn riêng cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương có phản ánh không tốt trong công tác tổ chức lễ hội ở những năm trước và thành lập đoàn kiểm tra để nhắc nhở, chấn chỉnh” - ông Lương Đức Thắng nói.
Du Xuân cầu bình an, hòa mình vào những lễ hội truyền thống của dân tộc không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn góp phần làm phong phú thêm bức tranh lễ hội truyền thống của Thủ đô Hà Nội và đất nước.

Qua đó, mỗi người càng thêm trân trọng văn hóa của quê hương, đất nước, thêm động lực để gắn kết cộng đồng, gìn giữ và phát quy những giá trị thiêng liêng nguồn cội, hướng đến xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

(Còn nữa)

Hồng Giang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giu-net-dep-van-hoa-du-xuan.html