Giữ nghề đan lát thủ công
Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh có nhiều nghề thủ công truyền thống, mang nét đặc sắc riêng như: Dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống. Trong đó, những sản phẩm đan lát vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị thẩm mỹ, văn hóa.
Trước kia, cuộc sống của người dân tộc thiểu số phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, núi rừng, nên hầu hết các vật dụng sinh hoạt trong gia đình đều phải tự chế tác để đảm bảo nhu cầu sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Biết đan lát từ năm 15 - 16 tuổi, ông Đinh Văn Xếp, người dân tộc Hrê ở xã Long Mai (Minh Long), không thể nhớ nổi mình đã làm ra bao nhiêu sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình. “Nghề đan lát do cha ông tôi truyền dạy lại. Tôi gắn bó với nghề cũng đã mấy chục năm nay rồi. Tuổi già không còn sức lao động nặng, nên tôi chọn đan lát mỗi ngày, vừa tăng thu nhập, vừa giữ gìn cái nghề truyền thống của dân tộc mình”, ông Xếp cho biết.
Mỗi sản phẩm luôn được ông Xếp dành nhiều công sức và tâm huyết tạo ra, nên sản phẩm đan lát của ông như cái rổ, cái nia, gùi... rất đẹp và tinh xảo. Rất nhiều người chọn mua, tin dùng, góp phần thêm thu nhập cho gia đình. Theo ông Xếp, nghề đan lát tuy nhìn có vẻ đơn giản nhưng rất công phu, đòi hỏi phải kiên trì, khéo léo. Thời gian hoàn thiện còn tùy thuộc vào kích thước của sản phẩm đó lớn hay nhỏ. Ngoài phục vụ sinh hoạt, lao động sản xuất, những vật dụng này còn được xem như là vật kỷ niệm dùng để cho, tặng và làm của hồi môn trong ngày cưới, hỏi.
Cũng như người dân tộc Hrê, nghề đan lát của đồng bào dân tộc Cor được truyền dạy từ đời này sang đời khác. Năm nay đã 91 tuổi, ông Hồ Văn Biên, người dân tộc Cor ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng), vẫn tự mình lên rừng tìm chọn từng cây mây, tre, nứa loại tốt nhất, đem về đan những chiếc gùi và nhiều vật dụng phục vụ đời sống. “Mây phải có độ bền và dẻo. Tre, nứa phải đúng độ già, đẹp màu và chắc thì mới làm được những vật dụng có độ bền cao”, ông Biên cho biết.
Hằng ngày, ông Biên miệt mài chẻ từng cọng nan, vót từng sợi mây đan gùi, để người dân địa phương có vật dụng sử dụng trong mùa vụ mới. Gùi do ông Biên làm ra đơn giản, không có nhiều họa tiết, hoa văn phức tạp nhưng kỹ thuật đan rất tinh xảo, có độ bền cao, tiện lợi để cõng quế, củi, lương thực, thực phẩm. Gùi có kích cỡ to nhất dành cho thanh niên, đàn ông. Loại vừa, nhỏ hơn dành cho các mẹ, các chị. Không chỉ ông Biên, nhiều người già ở xã Trà Thủy cũng thành thục nghề đan lát này.
Mỗi dân tộc thường làm ra những sản phẩm mang một nét riêng về kiểu dáng, cách tạo và pha trộn màu sắc, các chi tiết, cũng như vẻ đẹp của mỗi họa tiết, hoa văn được trang trí trên từng sản phẩm để phân biệt theo từng vùng miền, từng dân tộc. Vì vậy, những sản phẩm của người Hrê, người Cor trên địa bàn tỉnh cũng mang những nét đặc trưng rất riêng của dân tộc mình.
Các vật dụng đan lát thủ công của người dân tộc thiểu số không chỉ để bà con sử dụng trong đời sống sinh hoạt, trong lao động sản xuất, mà còn phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và là vật trao đổi với các tộc người khác cùng sinh sống trong vùng lấy các con vật nuôi như heo, gà, vịt, đến lúa, gạo... Tuy nhiên, để giữ nghề, sống được bằng nghề và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, thì còn nhiều khó khăn. Bởi những người biết đan lát giỏi và gắn bó với nghề ngày càng ít đi.
Bài, ảnh: VŨ YẾN
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/dien-dan/202405/giu-nghe-dan-lat-thu-cong-a4b0943/