Giữ nghề làm bút lông giữa lòng phố cổ

Giữa phố cổ Hà Nội sầm uất, nơi những cửa hàng hiện đại mọc lên san sát, vẫn còn đó một góc nhỏ mang tên Kim Dung - cửa hiệu bút lông thủ công cuối cùng lặng lẽ gìn giữ một nghề truyền thống đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Cửa hiệu này không chỉ là địa điểm sản xuất bút lông thủ công truyền thống mà còn là nơi lưu giữ nét đẹp của người Hà Nội xưa.

Níu giữ nghề cũ nơi phố thị

Phố Hàng Bút, một trong những con phố nhỏ trong khu phố cổ Hà Nội, từng là trung tâm của nghề làm bút lông thủ công. Nơi đây, những cửa hàng bút lông nở rộ, phục vụ cho nhu cầu học tập và viết chữ của người dân. Dù ngày nay, phố Hàng Bút chỉ còn dài khoảng 70m, nối liền phố Thuốc Bắc và Bát Sứ, nhưng trong ký ức của nhiều người Hà Nội, đây từng là nơi tập trung nhiều nghệ nhân làm bút.

Cửa hiệu bút lông Kim Dung là nơi lưu giữ nét đẹp thủ công của người Hà Nội xưa.

Cửa hiệu bút lông Kim Dung là nơi lưu giữ nét đẹp thủ công của người Hà Nội xưa.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghề làm bút lông thủ công một thời vang bóng giờ chỉ còn le lói những ngọn lửa nhỏ. Nghề thủ công này dần mai một bởi ngày càng ít người tìm mua bút lông truyền thống. Cửa hiệu bút lông Kim Dung là ngọn lửa cuối cùng, nơi vẫn lưu giữ được những bí quyết làm bút lông truyền thống. Ông Nguyễn Mạnh Quảng, chủ cửa hiệu bút lông Kim Dung, cũng chính là người được kế thừa và duy trì nghề làm bút lông qua ba đời.

Ông Quảng trước đây là viên chức nhà nước. Giờ đây, khi bước sang tuổi 73, dù có mức lương hưu ổn định, nhưng ông vẫn gắn bó duy trì nghề truyền thống của gia đình. Với ông Quảng, làm bút lông vừa để gìn giữ nghề của ông cha để lại, vừa có niềm vui và tăng thêm thu nhập.

“Xưa kia, phố Hàng Bút nổi tiếng làm các loại bút lông để viết, vẽ, khi mà người Việt vẫn dùng chữ Nôm, chữ Hán, bút lông được ưa chuộng. Sau này, người Việt chuyển sang chữ Quốc ngữ, đặc biệt là sự xuất hiện của bút bi, sức mua giảm, kinh tế khó khăn nên những nghệ nhân làm bút lông buộc phải thay đổi để phát triển kinh tế, nhiều người chọn đi làm thuê, chọn những nghề có thu nhập cao. Đến nay, trên phố chỉ còn duy nhất gia đình tôi vẫn còn bám trụ với nghề làm bút lông thủ công”, ông Quảng chia sẻ.

Trong không gian nhỏ của cửa hiệu, từng công đoạn trên chiếc bút lông là kết quả của quá trình lao động tỉ mỉ và sáng tạo. Để tạo ra được một chiếc bút lông hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, từ việc chọn lông sơn dương, một loại lông quý hiếm có chất lượng cao, đến việc cắt tỉa, gắn lông vào cán bút và cân chỉnh độ mềm mại của ngòi bút. Làm bút lông sơn dương hay còn gọi là lông dê núi, phải là dê xứ lạnh mới có lông đẹp, dày, tuy nhiên giá thành khá cao vì phải nhập ở Trung Quốc. Mỗi bước làm đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kinh nghiệm dày dặn của người thợ.

Theo lời kể của ông Quảng, trước đây thế hệ cha, ông hầu hết nhà nào cũng gắn bó với nghề làm bút lông. Khi ấy nhà nhà theo nghề, tạo không khí nhộn nhịp, tấp nập, trẻ con trong các gia đình, ngoài giờ học phụ giúp bố mẹ, thực hiện những công đoạn nhỏ. Thị trường phát triển, ngày nay lượng khách đặt mua bút lông cũng thưa dần hơn. Lớp trẻ cũng không hứng thú với nghề thủ công của cha ông mà tìm những công việc thu nhập cao hơn, vì thế nghề làm bút lông dần bị mai một đi.

Nỗ lực bảo tồn giá trị làng nghề

Hiện tại, cửa hiệu bút Kim Dung chỉ còn nhận những đơn hàng từ các xưởng, nhà máy theo mẫu có sẵn, hoặc theo đơn đặt của một số làng nghề truyền thống như làng sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) và làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cần dùng bút lông để vẽ, trang trí lên sản phẩm. Dù thu nhập không nhiều, thời gian và công sức đầu tư lại rất lớn nhưng ông Quảng vẫn kiên trì bám nghề bởi ông muốn gìn giữ nghề truyền thống của gia đình, gìn giữ nét đẹp văn hóa của Hà Nội.

Chiếc bút sau khi được gắn lông sẽ cho vào máy quét để đảm bảo không còn vụn lông.

Chiếc bút sau khi được gắn lông sẽ cho vào máy quét để đảm bảo không còn vụn lông.

Vừa tỉ mỉ khéo léo gắn lông vào cán bút, ông Quảng tâm sự: “Nghề làm bút lông thủ công không chỉ là nghề để kiếm sống mà còn là một niềm đam mê. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường chỉ dạy trực tiếp cho con cháu của mình với mong muốn các cháu có thể tiếp nối được nghề truyền thống, đặc biệt hơn cả là hiểu được những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên,việc truyền nghề làm bút lông trong thời đại công nghệ ngày nay thật không dễ dàng bởi giới trẻ hiện đại thường bị cuốn vào những thú vui, ít có thời gian và sự kiên nhẫn để học hỏi một nghề thủ công mà yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo như nghề làm bút lông”.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghề làm bút lông thủ công một thời vang bóng giờ chỉ còn le lói những ngọn lửa nhỏ. Nghề thủ công này dần mai một bởi ngày càng ít người tìm mua bút lông truyền thống. Cửa hiệu bút lông Kim Dung là ngọn lửa cuối cùng, nơi vẫn lưu giữ được những bí quyết làm bút lông truyền thống. Ông Nguyễn Mạnh Quảng, chủ cửa hiệu bút lông Kim Dung, cũng chính là người được kế thừa và duy trì nghề làm bút lông qua ba đời.

Hiện nay hầu hết các công đoạn sản xuất bút lông vẫn đều được làm thủ công, máy móc kỹ thuật chỉ hỗ trợ phần nhỏ, bởi quá trình làm đòi hỏi sự khéo léo, kinh nghiệm và mắt thẩm mỹ của người thợ. Với nghề làm bút lông truyền thống, giá trị của nghề chính là những nguyên tắc “bất di bất dịch”, những kinh nghiệm quý mà mỗi người thợ học hỏi, tích lũy được trong quá trình làm nghề. Đơn cử như việc cập nhật mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu thị trường là cần thiết, song không thể phá vỡ lối cổ, phải làm sao để chiếc bút thanh, gọn, nhẹ nhưng vẫn không mất đi nét đặc sắc cơ bản của chiếc bút truyền thống.

“Mình làm nghề để phục vụ khách hàng là chính, nếu khách hàng không muốn hình ảnh quá quen, quá cũ mà đòi hỏi khác đi, mình không làm thì người ta không tìm đến, áp dụng cách tân theo lối hiện đại song cũng không thể phá vỡ quy tắc truyền thống. Đó cũng là thách thức của người làm nghề trong bối cảnh tác động của công nghệ, kỹ thuật, thị trường. Với tôi, mỗi sản phẩm làm ra là sự kết tinh của tình yêu nghề và nét đẹp truyền thống, niềm tự hào của người dân”, ông Quảng chia sẻ.

Ngày nay, ngoài sử dụng để thể hiện các tác phẩm trong sản phẩm của làng nghề truyền thống, bút lông còn được sử dụng trong viết thư pháp. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, trên khắp các nẻo đường du xuân, hình ảnh những ông đồ trong bộ áo dài, khăn đóng, bày biện chiếu hoa cùng giấy mực, nghiên bút để cho chữ đã trở nên thân quen và là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Đối với thư pháp và những người viết thư pháp, bút lông là một trong những vật dụng không thể thiếu. Nghệ thuật thư pháp với việc sử dụng những chiếc bút lông, mực tàu, giấy và nghiên mài mực để những con chữ, câu thơ, tục ngữ,… được các ông đồ thể hiện sự sáng tạo, biến hóa, phóng khoáng nhưng vẫn giữ nguyên được những quy tắc truyền thống với những nét chữ đầy tính nghệ thuật. Dưới nét bút lông thủ công cùng với sự tài hoa, phóng khoáng của người viết, những con chữ vốn rất mộc mạc lại trở nên có hồn hơn, đẹp tựa “rồng bay, phượng múa”.

N.Hoa - N.Hoài

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giu-nghe-lam-but-long-giua-long-pho-co-180201.html