Giữ người lao động mới là giải pháp căn cơ và lâu dài

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và đang tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đây là một dự luật được dư luận đặc biệt quan tâm bởi các quy định trong luật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ, quyền lợi của người lao động và nhiều đối tượng khác.

Chính vì vậy, Quốc hội đã dành hẳn 1 ngày để thảo luận với 55 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận với rất nhiều nội dung được quan tâm như: Rút BHXH một lần, quy định về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH…

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về dự luật này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương). Đại biểu cho rằng, điều quan trọng là chúng ta phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH. Đó mới là giải pháp căn cơ và lâu dài.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân.

PV: Trong kỳ họp này, Quốc hội dành 1 ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Qua nghiên cứu, đại biểu có đánh giá như thế nào về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Ngay từ khi dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được đưa ra thảo luận trên diễn đàn Quốc hội và các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là chính sách về hưởng BXHX một lần, cho đến nay đây vẫn luôn là vấn đề nóng từ đời sống xã hội cho đến nghị trường Quốc hội. Nhằm thống nhất phương án, bảo đảm sự hài hòa giữa quyền lợi người lao động, doanh nghiệp với hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tại kỳ họp này, tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo luật có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, phải đảm bảo đồng thời tối ưu quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởng và an toàn, cân đối, tăng trưởng của quỹ BHXH trong dài hạn.

Tôi nhận thấy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sau khi chỉnh lý đã làm rõ nhiều vấn đề, các nội dung được quy định dễ hiểu hơn, nhất là việc bổ sung 6 điều mới nhằm thúc đẩy việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH); tăng cường trách nhiệm của không chỉ hệ thống cơ quan BHXH, ủy ban nhân dân các cấp mà cả đối với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc đôn đốc người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, góp phần hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH; bổ sung quy định về cơ chế đặc thù để góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH.

PV: Trong số những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định việc hưởng BHXH một lần. Quan điểm của đại biểu về nội dung này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Vấn đề hưởng BHXH một lần là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp, nội dung này đã có tiền lệ trong quá khứ gặp phải phản ứng của một bộ phận người lao động khi có đề xuất thay đổi. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo và Ủy ban Xã hội trong nghiên cứu, đánh giá tác động một cách thận trọng, đa chiều để đề xuất 2 phương án có thể nói là tối ưu trình Quốc hội xem xét, mỗi phương án đưa ra đều có ưu điểm riêng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, trước những khó khăn trong thời gian qua cũng như dự báo kinh tế thế giới sắp tới vẫn còn nhiều biến động, dư luận xã hội và người lao động nhận thức vẫn còn chưa sâu về quyền lợi lâu dài mà BHXH mang lại khi người lao động bước vào độ tuổi nghỉ hưu, thì việc thiết kế có lộ trình hợp lý sẽ giúp người lao động, người dân thấu hiểu rõ bản chất cốt yếu của chính sách BHXH, từ đó thay đổi dần nhận thức và tạo sự đồng thuận cao với những quyết sách của Quốc hội. Vì vậy, cần phân tích tính ưu việt và bản chất thật sự của BHXH để người lao động có thể hiểu thấu đáo bản chất, ý nghĩa của BHXH cũng như công tác thông tin, tuyên truyền thời gian tới để giải tỏa hết những băn khoăn, lo lắng của người lao động. Bởi lẽ sửa đổi, bổ sung luật nhằm tăng hơn quyền lợi cũng như thuận lợi hơn trong thực hiện chứ không làm giảm đi quyền lợi của người lao động.Đó mới là sự thành công trong dự thảo luật lần này. Mỗi phương án đưa ra đều có ưu điểm và nhược điểm. Dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc người lao động nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH, đó mới là giải pháp căn cơ và lâu dài.

PV: Việc Luật BHXH hiện hành không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng BHXH và hành vi trốn đóng BHXH dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính hoặc hình sự. Đại biểu đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Tính đến hết năm 2022, cả nước có 2,79 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên. Trong đó, có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 đến dưới 3 tháng và gần 213.400 người bị “treo” sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số người đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Việc chậm đóng BHXH diễn ra ở các loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến người lao động đồng loạt đi rút BHXH một lần khi quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng không được bảo vệ do vi phạm từ người sử dụng lao động.

Tôi cho rằng, cần có quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, quy định đối với những trường hợp người lao động phải tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không bao gồm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số ngày, số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng... Tôi rất băn khoăn quy định này.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ cố gắng đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ cố gắng đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động.

Vì vậy, đề nghị cần làm rõ và đánh giá kỹ quy định này. Bởi nếu doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH thì người lao động phải mất một số tiền khá lớn để đóng bù phần của người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng (21,5% lương tháng), thậm chí đóng lại phần của mình (10,5% lương tháng) mặc dù doanh nghiệp đã trừ lương của họ trước đó để đóng bảo hiểm nhưng không đóng vào quỹ. Do đó gây thiệt hại rất lớn với người lao động, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Họ sẽ đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp nợ mà cơ quan Nhà nước không có giải pháp xử lý để người lao động phải bỏ tiền đóng thay doanh nghiệp (trong khi thời gian đó họ cũng đã bị trừ lương rồi; doanh nghiệp nợ đã chiếm dụng cả khoản 10,5% trừ vào lương và trốn đóng 21,5% phần của doanh nghiệp phải đóng).

Vì vậy, nhằm góp phần hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH, tôi đồng tình khi dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này (cũng như Luật BHXH hiện hành) đã có chương quy định về tham gia BHXH tự nguyện: Nếu người tham gia đóng BHXH bắt buộc thiếu không quá 10 năm để đủ thời gian hưởng lương hưu thì có thể đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng chính sách hưu.

Đáng chú ý, điểm mới của dự thảo luật đã bổ sung quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động. Tôi cũng thống nhất khi dự thảo luật tách riêng các điều về xác định chậm đóng BHXH (Điều 37), trốn đóng BHXH (Điều 38), xử lý chậm đóng BHXH (Điều 39), xử lý trốn đóng BHXH (Điều 40), và đề nghị Nhà nước có quỹ dự phòng để hỗ trợ người lao động ở những doanh nghiệp bỏ trốn để người lao động không bị thiệt thòi khi phải vô lý đóng bù số tiền hơn 30% này.

PV: Một vấn đề nữa được dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt quá trình góp ý, thảo luận về dự án luật, đó là nội dung trợ cấp hưu trí xã hội. Dự thảo luật đã hạ tuổi được hưởng hưu trí xã hội từ 80 tuổi trở lên xuống còn 75 tuổi trở lên; công dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thì được hưởng hưu trí xã hội từ 70-75 tuổi, quan điểm của đại biểu về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Qua Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cho thấy, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi. Đối chiếu với quy định về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại điểm a khoản 1 điều 20 thì đối tượng phải là công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên.

Tôi cho rằng, cần nghiên cứu xem xét việc quy định độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như căn cứ tuổi thọ trung bình của người Việt Nam để điều chỉnh điều kiện phù hợp nhằm đảm bảo hệ thống an sinh xã hội có thể phủ khắp các đối tượng được thụ hưởng một cách toàn diện và đầy đủ nhất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Phương Thủy (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/giu-nguoi-lao-dong-moi-la-giai-phap-can-co-va-lau-dai-i733040/