Giữ nguyên diện tích đồng muối đến năm 2030

Theo kế hoạch phát triển ngành muối của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu là giữ nguyên diện tích đồng muối đến năm 2030 nhưng phải tăng năng suất tối thiểu, phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững.

Giữ nguyên diện tích đồng muối đ

Tăng năng suất

Để thực hiện có hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 tổng diện tích sản xuất muối duy trì, ổn định là 975 ha, trong đó huyện Tuy phong 865 ha, huyện Hàm Thuận Nam 110 ha, sản lượng bình quân đạt 75.000 tấn/năm. Đối với sản xuất muối quy mô công nghiệp sẽ ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 20%. Đối với sản xuất muối thủ công, sản xuất theo phương pháp phơi nước phân tán, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, nhất là hệ thống thủy lợi đồng muối, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất tối thiểu 20%. Phát triển sản xuất các loại muối trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, chú trọng hỗ trợ đồng bộ phát triển sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe. Mục tiêu đến năm 2030 tổng diện tích sản xuất muối vẫn duy trì là 975 ha, nhưng sản lượng bình quân phải đạt 80.000 - 90.000 tấn/năm, áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch và rửa muối sau thu hoạch, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%. Bên cạnh đó chất lượng muối ổn định, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp, tận thu các sản phẩm phụ như thạch cao và nước ót. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến muối, đa dạng hóa sản phẩm muối chế biến đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm muối ít nhất 30%.

Sản xuất gắn với chế biến và thị trường

Ngoài tăng năng suất muối thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp cũng sẽ được quan tâm. Theo đó sẽ đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất chế biến muối, hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến, phân tích chất lượng muối, mẫu mã, bao bì cho các cơ sở sản xuất chế biến muối vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Để nguồn muối đáp ứng được cho thị trường đòi hỏi phải đầu tư, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Theo đó, đối với sản xuất muối thủ công của hợp tác xã, tổ hợp tác, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư đồng bộ cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm muối. Thực hiện dồn điền, đổi thửa để xây dựng đồng muối theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật, nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với sản xuất muối quy mô công nghiệp tạo quỹ đất ổn định để phát triển sản xuất muối quy mô công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, số lượng lớn, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối, đồng thời phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh muối nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Thực hiện tổ chức lại các hợp tác xã muối theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư phát triển hạ tầng sản xuất, liên kết với doanh nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị để ổn định sản xuất. Bên cạnh đó xây dựng mô hình, tư vấn phát triển hợp tác xã muối, phân công chỉ đạo việc thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã nghề muối. Hỗ trợ và tạo điều kiện để hợp tác xã muối thực hiện đầy đủ chức năng từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ muối cho diêm dân.

Ảnh minh họa

Ngoài sản xuất muối cho thương mại, việc triển khai xây dựng các mô hình, dự án khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối truyền thống, đa dạng hóa các sản phẩm từ muối gắn với du lịch nông thôn cũng được tỉnh quan tâm. Theo đó sẽ hỗ trợ bảo tồn và phát triển phương pháp sản xuất muối truyền thống phơi nước phân tán nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất muối tại các cánh đồng muối truyền thống. Hỗ trợ đẩy mạnh chế biến, đa dạng các sản phẩm từ muối kết hợp và phục vụ tốt hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh muối, các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với du lịch nông thôn. Đây là một hoạt động phục vụ cho du lịch khá mới nên cần phải tập huấn, đào tạo lao động trong vùng về phương pháp kỹ năng tham gia hoạt động dịch vụ du lịch trong thời gian tới. Hỗ trợ hạ tầng sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm muối, hạ tầng phục vụ du lịch tham quan, trải nghiệm tại các khu vực, cánh đồng muối.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương để thực hiện, trong đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối của tỉnh phối hợp với các sở, ngành, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh trình UBND tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương hàng năm để hỗ trợ đầu tư phát triển ngành muối. Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản thực hiện các nhiệm vụ quản lý muối trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ. Đối với Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh xây dựng, thực hiện mô hình khuyến nông nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm muối, tham mưu cho UBND tỉnh giao đơn vị có chức năng làm chủ đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối tại địa phương.

Thanh Quang

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/giu-nguyen-dien-tich-dong-muoi-den-nam-2030-136403.html