Giữ nhịp ca trù Chanh Thôn
Làng Chanh Thôn (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) từng là một giáo phường ca trù rất thịnh thời nhà Nguyễn. Trải qua nhiều thăng trầm, ca trù đã 'hồi sinh' và trở thành mạch ngầm văn hóa của người dân Chanh Thôn, giữ được điều đó là nhờ công lao của nhiều thế hệ.
Lớp nghệ nhân gạo cội
Nghệ nhân nhân dân Vũ Thị Khướu năm nay cụ đã 95 tuổi. Tuổi cao nhưng cụ còn minh mẫn. Theo cụ Khướu, vào khoảng cuối thế kỷ 18, có một kép đàn tên Nguyễn Văn Đỉnh từ bên sông sang. Ông đã lấy vợ và định cư tại Chanh Thôn. Hằng ngày, ông mang đàn ra sân hát, ai đi qua đều tấm tắc khen hay. Ban đầu, ông truyền dạy cho con cháu trong họ, sau dần lan ra cả làng ai cũng háo hức được học. Dần dần, nghề hát ca trù trở thành một nghề kiếm sống ở Chanh Thôn. Thậm chí, nhiều người làng đã mở các ca quán như ở Tía, Đỗ Xá (thuộc huyện Thường Tín) và rất đông khách.
Nổi tiếng nhất là ca nương Nguyễn Thị Ước, bà nội của cụ Khướu. Ca nương Nguyễn Thị Ước đã vượt qua nhiều vòng tuyển chọn để được vào kinh thành Huế hát ca trù cho vua Khải Định nghe. Nghe xong, vua và quan lại đều khen và ban cho nhiều đồ quý, trong đó có ban bức hoành phi “Ca Ư Tư” (nghĩa là Dòng họ có nhiều người hát hay). Hiện nay, bức hoành phi được treo trang trọng tại nhà thờ tổ nghề ca trù trên đất nhà ông Nguyễn Văn Vằng. Kể đến đây, cụ Khướu giọng chậm lại. “Quãng thời gian 1930 - 1944 là thời gian huy hoàng nhất của ca trù làng Chanh Thôn chúng tôi, sau đó thì chìm vào quên lãng hơn 60 năm. Tôi cũng không hiểu tại sao bỗng nhiên phường ca trù Chanh Thôn tan rã nhanh như vậy. Tuy không còn được biểu diễn nhưng hàng đêm tôi vẫn nhẩm ca trù để ru con, ru cháu. Vì vậy mà sau mấy chục năm không biểu diễn, tôi vẫn nhớ như in từng bài ca trù”, cụ Khướu bùi ngùi.
Nói về đặc trưng của ca trù, cụ Khướu bảo: Ca trù là loại hình nghệ thuật độc đáo mang tính dân gian nhưng ca từ lại uyên bác, sâu sắc. Nhiều ca khúc xưa để lại đều do tầng lớp nho sĩ, quan lại sáng tác và thời phong kiến rất phổ biến trong cung đình, phủ đệ. Vì vậy, ca trù kén người nghe, người học, ai không hiểu thì bảo “ảm đạm, rên rỉ”, nhưng ai hiểu thì khen hay hết lời.
Tâm huyết của thế hệ con cháu
Tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Ngoan - Chủ nhiệm CLB ca trù Chanh Thôn. Bà Ngoan vốn là cựu giáo chức đã về hưu được 15 năm. Đó cũng là quãng thời gian bà gắn bó với công cuộc bảo tồn ca trù của quê hương.
Bà Ngoan cho biết, ca trù Chanh Thôn được phát hiện và bảo tồn từ năm 2007. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khi đó đã nhận định ca trù Chanh Thôn là “báu vật” và cần bảo tồn khẩn cấp. Hội đã công nhận cụ Khướu, cụ Vượn, cụ Khoái là Nghệ nhân dân gian và công nhận Chanh Thôn là địa chỉ văn hóa của Hội. Nay thì cụ Khoái và cụ Vượn đã mất, chỉ còn cụ Khướu vẫn đang cố gắng dành những sức lực cuối cùng truyền dạy ca trù cho thế hệ sau.
Tâm sự với chúng tôi, bà Ngoan hồ hởi: “Từ lúc tôi nhận nhiệm vụ chủ nhiệm CLB năm 2008, tôi mới bắt đầu học hát ca trù, bà nội tôi trước vốn là một ca nương có tiếng. Đến nay, tôi cũng đã làm hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú. Tôi hãnh diện lắm. Bởi, tôi cũng là con cháu của cụ Đỉnh, gìn giữ và bảo tồn ca trù vừa là trách nhiệm với dòng họ, vừa là trách nhiệm với làng quê Chanh Thôn”.
Dẫn tôi đi thăm nhà thờ tổ nghề ca trù, bà Ngoan bước đi khá chậm. Dẫu sao, bà Ngoan năm nay cũng đã bước sang tuổi 72, bà còn bị tiểu đường và bị đau xương khớp, sức khỏe cũng giảm nhiều so với vài năm trước.
Nhà thờ tổ nghề nằm trên đất nhà ông Nguyễn Văn Vằng, 80 tuổi. Hai cha con ông Vằng và anh Nguyễn Hồng Ngưu đều là nghệ nhân ưu tú, lĩnh vực kép đàn - trống chầu. Ngoài ra, anh Ngưu còn là thợ chế tạo đàn đáy, tay nghề điêu luyện.
Tham quan nhà thờ tổ nghề, tôi thấy thật sự bất ngờ. Tầng dưới là nhà ở sinh hoạt, tầng hai là nhà thờ. Bộ cửa gấp hơn chục cánh bằng gỗ cùng hệ thống cột kèo có niên đại hơn trăm năm được gìn giữ nguyên vẹn. Kỳ công hơn, bộ cửa được nâng lên tầng hai, giữ nguyên nét kiến trúc cổ, không hề thêm bớt các chi tiết hiện đại.
Đúng như lời cụ Khướu từng nói, bức hoành phi “Ca Ư Tư” được treo trang trọng trong nhà thờ. Hai bên hồi nhà treo rất nhiều đàn đáy, trống chầu, bộ sênh phách và nhiều giấy khen của nghệ nhân Nguyễn Văn Vằng.
Ông Vằng cho biết, chi nhà ông là chi thứ của cụ Đỉnh nhưng lại trông coi nhà thờ tổ. Bởi chi trưởng không theo nghiệp ca hát. “Ngày trước, cứ mỗi lần tập, họp mọi người đều tập trung ở nhà thờ tổ, đông đến mấy chục người. Dẫu ca trù “ngủ quên” một thời gian khá dài, nhưng chúng tôi là thế hệ con cháu vẫn luôn coi nhà thờ là chốn đi lại của những ai yêu ca trù. Đến khi làm nhà mới, tôi vẫn giữ nguyên khung gỗ nhà thờ cổ và tôn lên tầng hai, cùng với bộ hoành phi câu đối rất quý giá”.
Hai cha con ông Vằng và cụ Khướu, bà Ngoan là những nhân tố rất quan trọng trong việc “chấn hưng” ca trù Chanh Thôn. CLB ban đầu chỉ có vài thành viên cao tuổi. Tuy nhiên, bằng uy tín của mình, bà Ngoan đã đi vận động từ người già đến người trẻ trong làng, hễ ai biết và yêu ca trù thì hãy tham gia - vì tình yêu quê hương và di sản. Số lượng thành viên câu lạc bộ tăng lên gần 30 người và ổn định cho đến hiện nay.
Dẫn tôi đi thăm nhà văn hóa thôn – nơi thường xuyên tổ chức các lớp học hát ca trù và đánh đàn đáy. Bà Ngoan tự hào kể: Gần 15 năm từ khi thành lập, CLB đã tổ chức được 20 lớp học, dạy hát cho khoảng 150 người. Có người học từ lúc còn trẻ con nay đã lấy chồng và con cũng chuẩn bị lớn cho vào lớp học theo mẹ. Còn diễn, một năm chúng tôi có 2 lần cố định phục vụ dân làng. Một vào ngày hội làng hát tế thánh, hai vào đêm giao thừa đều biểu diễn ở đình làng. Ngoài ra, các hội nghị, tổng kết nếu được mời chúng tôi cũng biểu diễn.
Hy vọng từ những “búp măng non”
Với lòng say mê ca trù, qua các lớp học, nhiều em nhỏ được phát hiện và bồi dưỡng để trở thành những ca nương chuyên nghiệp. Trong đó có ca nương Nguyễn Thị Hà và Vũ Thị Ngân thuộc thế hệ thứ 2 (tính từ thế hệ cụ Khướu). Hiện, cả 2 ca nương đã làm hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú.
Ca nương Vũ Thị Ngân cho biết: Tôi tham gia học hát ca trù từ những ngày đầu CLB được thành lập. Đến nay, tôi đã trở thành ca nương chính của CLB. Tôi rất tự hào khi được học và hát ca trù để lan tỏa làn điệu ca trù quê tôi. Tôi có 2 cô con gái và các cháu đều rất thích ca trù nên tôi đã cho các cháu tham gia CLB ngay từ khi còn nhỏ.
Bà Ngoan cho biết, hiện có 12 cháu (độ tuổi từ 8 - 15) đang tham gia CLB. Các cháu đều tỏ ra rất thích học ca trù, một số cháu có năng khiếu chúng tôi đang tập trung bồi dưỡng. Chúng tôi rất hy vọng vào lứa măng non này sẽ tiếp nối được công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù Chanh Thôn. Các “ca nương nhí” đều có mặt đầy đủ mỗi khi CLB tổ chức tập, có một số cháu sở hữu giọng hát tiềm năng như các cháu: Nguyễn Thủy Tiên, Nguyễn Khánh Ly, Trần Thị Dung, Nguyễn Thị Thu Phương.
Minh họa về lịch sử thăng trầm của ca trù Chanh Thôn, bà Ngoan nỉ non ngâm: “Lời ca lảnh lót thấu trời/ Phách giòn gõ nhịp dãi đời đa đoan/ Tiếng đàn réo rắt gió ngàn/ Trống chầu tom chát mơ màng ánh trăng/ Lặng chìm hơn sáu mươi năm/ Đình làng Chanh lại rộn vang ca trù...”.
Bắt đầu từ năm 2022, CLB Ca trù Chanh Thôn là 1 trong 6 CLB sẽ được huyện Phú Xuyên hỗ trợ 30 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động. Hy vọng rằng việc này sẽ tiếp thêm “lửa” để các “nghệ nhân nông dân” tiếp tục hăng say gìn giữ di sản quê hương.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giu-nhip-ca-tru-chanh-thon-5685599.html