Giữ quy định về tiền dịch vụ với người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Chiều 13-11-2020, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua luật, với đa số phiếu tán thành.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 Chương và 74 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 31 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, có ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định người lao động phải trả tiền dịch vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về lâu dài, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam, các doanh nghiệp dịch vụ cũng cần phải nâng cao năng lực quản lý, khả năng cạnh tranh để khai thác thị trường, đàm phán, ký kết được các hợp đồng cung ứng lao động có chất lượng trực tiếp với người sử dụng lao động bên nước ngoài tiếp nhận lao động, giảm tối đa chi phí tiền dịch vụ cho người lao động và tiến tới người lao động không phải chi trả tiền dịch vụ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo tinh thần khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Trước mắt, để việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn được triển khai bình thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp tục quy định về tiền dịch vụ.

Để bảo đảm công khai, minh bạch, Dự luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ hơn về tiền dịch vụ; quy định chặt chẽ các nguyên tắc thu tiền dịch vụ trong đó có quy định trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ hai bên đã thỏa thuận; quy định mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp được thu.

Đồng thời, bổ sung nội dung về “Tiền dịch vụ được bên nước ngoài tiếp nhận lao động chi trả” vào nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động.

Điểm mới đáng chú ý khác là Dự luật được thông qua đã bổ sung quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng; đồng thời bổ sung nghĩa vụ của người lao động sau khi về nước thực hiện khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giu-quy-dinh-ve-tie-n-di-ch-vu-voi-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-217378.html